Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Giá vé máy bay đắt hơn khi ngành hàng không chuyển sang nhiên liệu bền vững

Sử dụng các loại nhiên liệu bền vững, có chi phí tốn kém hơn là chìa khóa để giảm lượng khí thải carbon của ngành hàng không. Nhưng rốt cục, hành khách sẽ là bên chịu mọi phí tổn do giá vé máy bay tăng lên, theo Willie Walsh, Tổng giám đốc của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).

Nếu tăng tốc chuyển sang sử dụng nhiên liệu bền vững, ngành hàng không không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá vé máy bay để bù đắp chi phí tăng thêm. Ảnh: ijet.aero

Hôm 19-4, phát biểu tại hội nghị Bloomberg New Economy Gateway Europe ở Wicklow (Ireland), Walsh cho rằng việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu bền vững trong ngành vận tải hàng không sẽ đóng góp khoảng 65% mức giảm phát thải carbon cần thiết để ngành này đạt mục tiêu phát thải zero ròng vào năm 2050. Ngành vận tải hàng không là “thủ phạm” gây ra 3% lượng khí thải carbon trên toàn cầu mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đắt gấp nhiều lần so với dầu kerosene tiêu chuẩn hiện được sử dụng để cung cấp năng lượng cho máy bay chở khách. Vì vậy, nhiên liệu này chưa được sản xuất nhiều. IATA ước tính chi phí khử carbon trong ngành hàng không lên tới 1.000 tỉ đô la.

“Chi phí đó rốt cục sẽ chuyển sang người tiêu dùng (hành khách đi máy bay), không còn cách nào khác”, Walsh nói.

Đồng thời, ông cho rằng chính sách phù hợp là rất điều rất quan trọng. Walsh ca ngợi cách tiếp cận của Mỹ trong việc sử dụng các biện pháp ưu đãi để kích thích sản xuất SAF, nhưng chỉ trích chiến lược sử dụng “cây gậy” của châu Âu để buộc các hãng hàng không phải sử dụng SAF.

Tháng 7 năm ngoái, Nghị viện châu Âu thông qua các quy định yêu cầu các nhà cung cấp nhiên liệu tại các sân bay ở Liên minh châu Âu (EU) phải pha trộn tối thiểu 2% SAF vào nhiên liệu kerosene kể từ năm 2025 và tỷ lệ này tăng dần lên mức 37% vào năm 2040, 85% vào năm 2050. Các máy bay tiếp nhiên liệu tại các sân bay của EU bắt buộc phải sử dụng SAF theo tỷ lệ trên kể từ năm 2025.

SAF bao gồm nhiên liệu sinh học sản xuất từ chất thải tái chế như phụ phẩm nông nghiệp hoặc lâm nghiệp, tảo, chất thải sinh học hoặc dầu ăn đã qua sử dụng cũng như nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydro (hay còn gọi là e-fuels) được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Cuối năm ngoái, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đạt thỏa thuận về việc loại bỏ dần tín chỉ phát thải carbon cung cấp miễn phí cho các hãng hàng không hoạt động ở châu Âu.

Theo đó, số lượng tín chỉ carbon miễn phí cấp cho các hãng hàng không trong khu vực sẽ giảm 25% vào năm 2024 và 50% vào năm 2025, trước khi loại bỏ hoàn toàn vào năm 2026. Điều này cũng có nghĩa là các hãng hàng không phải tăng tốc chuyển sang sử dụng SAF, nếu không sẽ tốn chi phí mua tín chỉ phát thải carbon.

Nhà phân tích Alex Irving của hãng nghiên cứu Bernstein ước tính 6 hãng hàng không lớn nhất EU sẽ chứng kiến chi phí giấy phép phát thải carbon lên 5 tỉ euro vào năm 2027 so với 0,5 tỉ euro vào năm 2019.

“Các hãng hàng không không thể chịu nổi chi phí đó và sẽ cần phải tăng giá vé”, ông nói và dự báo hành khách sẽ phải trả thêm từ 8-10 euro cho mỗi chuyến bay khứ hồi ở châu Âu.

Willie Walsh cho rằng các hãng hàng không cũng buộc phải tăng giá vé máy bay lên cao hơn để có bù đắp chi phí thực hiện các sáng kiến về SAF. Rachel Muncrief, Phó giám đốc Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT), cho rằng việc sử dụng SAF sẽ đẩy giá vé máy bay tăng thêm 22% vào năm 2050 so với giá vé trong điều kiện bình thường.

Tổ chức Hàng không bền vững (Anh) cảnh báo dù số lượng hành khách đi máy bay sẽ tăng thêm gần 250 triệu người vào năm 2050, chi phí khử carbon trong ngành hàng không chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu hành khách.

Quá trình chuyển đổi sang nhiên liệu bền vững cũng đi kèm với những thách thức khác. Lợi thế của SAF là động cơ máy bay thế hệ hiện tại và cơ sở hạ tầng sân bay hiện có thể sử dụng nhiên liệu này. Tuy nhiên, nhiên liệu dựa trên sinh khối là loại SAF duy nhất được sản xuất hiện nay với sản lượng còn hạn chế.

Rachael Everard, Giám đốc bền vững của nhà sản xuất động cơ phản lực Rolls-Royce, cho biết nhiên liệu dựa trên hydro được coi là giải pháp hứa hẹn nhưng hiện tại nguồn cung vẫn ít ỏi. Để xây dựng một cơ sở hạ tầng năng lượng thống nhất cho ngành hàng không, Everard cho rằng tất cả các bên, bao gồm cả các chính phủ, cần phải hợp tác với nhau.

 Lê Linh

Theo Bloomberg, Financial Times, Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều chuyến bay dịp Tết Nguyên đán đã kín chỗ, giá...

0
(SGTT) - Theo khảo sát, một số chặng bay từ TPHCM đến các địa phương như Huế, Pleiku, Tuy Hòa đã đạt tỷ lệ...

Tỷ lệ chỗ trên các chuyến bay Tết Ất Tỵ đạt...

0
(SGTT) - Các hãng hàng không trong nước đang tăng cường thêm các chuyến và bổ sung máy bay nhằm phục vụ cho dịp...

Đề xuất đầu tư đường băng số 2 và san nền...

0
(SGTT) -  Đường băng số 2 có giá trị đầu tư hơn 3.455 tỉ đồng do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn...

Vé máy bay dịp 2-9 tăng giá gấp đôi

0
(SGTT) - Dù đã giảm nhẹ so với cao điểm Hè, giá vé máy bay dịp 2-9 vẫn neo ở mức cao so với...

Giá vé máy bay trong nước giảm mạnh

0
(SGTT) - Sau thời gian cao điểm mùa Hè, giá vé máy bay trong nước đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ, dao động...

ACV muốn sớm xây dựng đường băng số 2 của sân...

0
(SGTT) - Theo chủ đầu tư ACV, với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, việc có hai đường băng...

Kết nối