Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Ba năm sau dịch Covid-19: Sự hồi sinh kỳ diệu từ những ngày ‘mưa bão’

Cách đây ba năm trước vào ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, Covid-19 đã chi phối mọi khía cạnh đời sống, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dù hành trình chống dịch đã lùi về sau nhưng khi nhớ lại, nhiều y bác sĩ vẫn không thể nào quên và nghĩ rằng họ có thể đi qua những ngày tháng dịch Covid-19 khốc liệt. “Chúng tôi không ngờ TPHCM có thể hồi sinh kỳ diệu từ những ngày ‘mưa bão’ Covid-19. Khi cuộc sống trở về bình thường mới là lúc đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế cũng có những bước chuyển mình để lớn dậy, trở thành điểm tựa tin cậy trong công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, từng là Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi chia sẻ.

Các chiến sĩ áo trắng giành giật sự sống cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Phong, khi TPHCM trở lại guồng quay của những ngày nhộn nhịp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những nội dung liên quan đến dịch bệnh dần được thay thế bởi các tin tức sự kiện, nhiều dự án phát triển thành phố… Đó là lúc mọi người có thể cảm nhận rõ nét sự hồi sinh của một thành phố đã từng là "chảo lửa" trong đại dịch Covid-19.

Khi hồi tưởng lại ký ức về dịch Covid-19, bác sĩ Phong vẫn còn nhớ như in ca điều trị đặc biệt cho nam phi công quốc tịch Anh, từng được biết đến là trường hợp bệnh nhân mắc nặng và nguy kịch nhất trong giai đoạn năm 2020. Vào thời điểm đó, các phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới chưa thống nhất nên quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án tiếp theo. Nhiều loại thuốc bệnh nhân không thể đáp ứng. Do đó, các bác sĩ đã phải sử dụng những loại thuốc lần đầu tiên được dùng ở Việt Nam và chờ mua thuốc từ nước ngoài, thậm chí sử dụng cả thuốc không có trong phác đồ điều trị để cầm cự tính mạng cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (đứng phía bên trái), Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong buổi xuất viện của nam bệnh nhân (43 tuổi, phi công quốc tịch Anh) sau 115 ngày điều trị. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Sau nhiều đêm thức trắng, các y bác sĩ đã vỡ òa hạnh phúc trong khoảnh khắc đầu tiên khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sinh tồn trở lại. Bác sĩ Phong cho biết, để đưa ra các quyết định táo bạo, giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là những lựa chọn đầy thách thức của đội ngũ bác sĩ điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Không chỉ thử thách cứu sống nam bệnh nhân người Anh nguy kịch, “dù gặp muôn vàn khó khăn ngay từ những giây phút bắt đầu nhưng nhiều y bác sĩ tại các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn luôn cố gắng hết mình để giành giật từng sự sống, hơi thở cho các bệnh nhân. Sau đó, chúng tôi lại vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi chứng kiến mỗi bệnh nhân hồi sinh và trở về đoàn tụ với gia đình”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Nói về những kỷ niệm trong đại dịch Covid-19, PGS. TS. BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết có nhiều bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng (quận Tân Bình) trong tình trạng rất yếu, mắc nhiều bệnh lý nền cùng với tuổi rất cao. Thậm chí, có những bệnh nhân trên 100 tuổi, có bệnh nhân phải ngồi xe lăn tới điều trị hoặc có cả những trường hợp bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân mổ ruột thừa bị thủng dạ dày bị mắc Covid-19 cũng điều trị thành công tại bệnh viện này.

Điều bất ngờ hơn, các trường hợp ca nặng tưởng chừng như không còn hy vọng lại là những bệnh nhân mạnh mẽ nhất. Bên trong họ ẩn chứa sự quyết tâm mạnh mẽ và nghị lực phi thường để có cơ hội hồi sinh một lần nữa. Chính họ đã tạo nên kỳ tích mới và mang lại hy vọng cho những bệnh nhân điều trị sau này.

“Chúng tôi không ngờ thành phố có thể quay về được giai đoạn bình thường như ngày hôm nay”, bác sĩ Thanh bày tỏ và cho biết trong giai đoạn đại dịch Covid-19, chỉ cần mở cửa phòng bệnh là tiếng máy thở dồn dập, tiếng khóc luôn văng vẳng bên tai. Dường như mọi không gian trong bệnh viện từ gầm cầu thang, hành lang cho đến phía bên ngoài bãi cỏ… đều được trưng dụng cho bệnh nhân điều trị. Thời điểm này, các đồng nghiệp chỉ nhận ra nhau bằng những cái tên được ghi sau chiếc áo bảo hộ và chỉ giao tiếp thông qua ánh mắt.

Trở lại cuộc sống bình thường: Khao khát cống hiến sự nghiệp cứu người

Tròn ba năm WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thời điểm hiện tại, dịch bệnh có thể được xem như đã lắng xuống. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến dịch Covid-19, đội ngũ y bác sĩ của các đơn vị vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì đã góp phần trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Dù trải qua nhiều khó khăn trong dịch bệnh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất luôn nghĩ rằng sự cống hiến của ông không thấm vào đâu so với sự hy sinh của toàn ngành y, cũng như của toàn dân tộc. Bên cạnh đó, “khi đi qua đại dịch, nhân sinh quan của các cán bộ ngành y khi đứng trước dịch bệnh, ranh giới giữa sống và chết đã thay đổi rất nhiều. Đó là khao khát được cống hiến cho sự nghiệp cứu người ngày càng cao hơn”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Cũng theo Trưởng khoa nhiễm D của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bỏ lại những mất mát to lớn mà dịch bệnh gây ra, đội ngũ y bác sĩ đang ngày càng trưởng thành hơn, là điểm tựa tin cậy của ngành y tế trong công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân. Giờ đây, các nhân viên có thể sử dụng thành thạo hơn các loại máy móc, trang thiết bị y tế, cũng như nắm vững những kỹ thuật khó trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Bước qua khỏi đại dịch Covid-19, trong năm vừa qua, các cán bộ và nhân viên y tế trên cả nước lại tiếp tục phải gồng mình đối mặt với những khó khăn, vướng mắc trong quy định về mua sắm, cơ chế tài chính… đã khiến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nhờ sự ra đời kịp thời của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã nhanh chóng tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, hoá chất, máy móc và trang thiết bị y tế. Hiện hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật của các bệnh viện đang dần quay lại quỹ đạo như bình thường, bác sĩ Phong cho biết.

Minh Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

TPHCM: Bên trong bệnh viện dã chiến Covid-19 cuối cùng sắp...

0
(SGTT) - Ngày 27-10, Sở Y tế TPHCM đã có đề xuất với UBND TPHCM giải thể Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Kết nối