(SGTT) - Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng điều dưỡng viên, hộ lý là nghề nhẹ nhàng, đơn giản và không phải trực tiếp chữa tri, dãi nắng dầm mưa; thậm chí còn xem họ như "osin cao cấp" của bác sĩ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, quá trình tiếp xúc và làm quen với bệnh nhân là thử thách không hề dễ dàng đối với họ.
- Bệnh viện Chợ Rẫy có thể tạm ngừng hoạt động vì không đủ hóa chất
- Thiếu thuốc điều trị, bệnh nhân phải mua thuốc với giá cao gấp đôi
Dù đêm hay ngày, điều dưỡng viên, hộ lý vẫn luôn tất bật với những công việc không tên và xem đây là một niềm vui khi làm nghề. Bởi khi được chia sẻ áp lực, vất vả cùng các bác sĩ, họ đã góp một phần nhỏ cho ngành y, cũng như giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏe mạnh, sớm trở về gia đình.
Những công việc “không tên” của điều dưỡng
Ghi nhận tại Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 22:00, một nam bệnh nhân 23 tuổi bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não được chuyển từ Khoa Cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch (hôn mê sâu, mất ý thức). Các điều dưỡng ra sức giữ chặt tay chân người bệnh để chuyển băng ca nhưng không xuể. Một số nhân viên y tế khác thì kiểm tra các chỉ số, lau người cho bệnh nhân, nhanh chóng dừng công việc không khẩn cấp để đến hỗ trợ đồng nghiệp.
Tại giường bệnh khác, một bệnh nhân bỗng khó thở. Ngay lập tức, bác sĩ trong ca trực sẵn sàng thao tác thay ống nội khí quản. Những điều dưỡng có mặt tại khoa, trong đó có chị Trần Thị Hương, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh đã góp sức giành giật sự sống cho người bệnh. Đối với những bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong trạng thái nguy kịch, chỉ cần chậm trễ một chút, họ có thể mất cơ hội được cứu sống.
Sau khi hỗ trợ cho đồng nghiệp, điều dưỡng Hương lại tiếp tục công việc đang làm dở, tỉ mẩn vệ sinh cho bệnh nhân. Chị Hương cho biết, bệnh nhân tại đây đều hôn mê hoàn toàn, mọi hoạt động chăm sóc do nhân viên y tế đảm nhận, nên phải làm việc hết công suất.
Bên ngoài nhìn vào, nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân nằm một chỗ nên việc chăm sóc rất đơn giản. Tuy nhiên, “thực sự có rất nhiều thứ để làm. Bệnh nhân vẫn đi vệ sinh, mình phải làm hết và dọn sạch sẽ. Sau đó, người bệnh hôn mê một ngày cũng cho ăn mấy cữ, mình phải làm và theo dõi kỹ từng chút chứ không đơn giản”, chị Hương nói.
Sẵn sàng thức trắng đêm
Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi tiếp nhận các ca bệnh rất nặng luôn trong tình trạng quá tải, 50% là các ca tai nạn giao thông. Các điều dưỡng liên tục hút đàm, thông đường thở cho người bệnh, đánh răng, cho bệnh nhân uống sữa. Còn bác sĩ ra vào liên tục để nhận bệnh, thay ống nội khí quản.
Không chỉ những điều dưỡng viên mà hộ lý luôn tất bật phụ giúp nhiều công việc, đỡ đần cho bác sĩ. Trong ca trực, hộ lý Nguyễn Thị Kim Trang, Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, luôn tất bật với công việc như vận chuyển người bệnh đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chuyển bệnh, thu gom đồ bẩn để thay đổi mới cho bệnh nhân, xả chất thải của người bệnh...
Chị Trang cho biết, có những đêm, nhiều ca bệnh tai nạn giao thông về khoa, bác sĩ, điều dưỡng thức trắng đêm, hộ lý cũng không dám lơ là. Hộ lý là người làm việc trực tiếp với bác sĩ và điều dưỡng, chứng kiến cảnh giành giật giữa sự sống và cái chết để cứu bệnh nhân, có nhiều đêm không ai ngủ được vì số lượng bệnh nhân quá đông.
Nói về công việc ở đây, “bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện luôn làm việc trong tình trạng quá sức. Do đó, tôi muốn góp một phần sức lực nhỏ để chia sẻ với các y bác sĩ nên chẳng có gì gọi là vất vả, miễn sao cứu được bệnh nhân”, chị Trang tâm sự.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Điều dưỡng Trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ca trực có 10 điều dưỡng, chăm sóc cho hơn 40 bệnh nhân thì sẽ có 1 điều dưỡng phụ giúp. Cả khoa có 5 hộ lý, góp phần trong công tác chăm sóc người bệnh.
Mặc dù hộ lý có vị trí thấp nhất trong bệnh viện, nhưng các hộ lý vẫn luôn nhận được sự tôn trọng từ bác sĩ, điều dưỡng bởi nhờ có họ mà các y bác sĩ mới hoàn thành nhiệm vụ điều trị và chăm sóc người bệnh.
Có thể thấy rằng, những người làm hộ lý đóng một vai trò quan trọng trong việc vận hành của khoa, là một mắt xích quan trọng của các khoa, phòng. Theo điều dưỡng Yến, để mỗi công việc trôi chảy thì cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các hộ lý, điều dưỡng và bác sĩ. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, một bộ phận có sự chia sẻ để việc chăm sóc bệnh nhân được suôn sẻ. Vì vậy, hằng năm vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, họ vẫn xứng đáng được nhớ đến vì những đóng góp thầm lặng cho công việc cứu người.
Minh Thảo