(SGTT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động lễ hội giỗ Tổ nghề đầu Xuân ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, ngày 2-2, Lễ giỗ Tổ nghề mộc đã khai diễn tại làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm ngày 2-2 với phần nghi thức lễ truyền thống Lễ tế Tiền hiền Kim Bồng tại đình Tiền Hiền. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như trưng bày, trình diễn nghề mộc, dệt chiếu, đan thúng, điêu khắc gốc tre; gian hàng ẩm thực; trưng bày các sản phẩm OCOP; trưng bày, giới thiệu sách về Cẩm Kim; các trò chơi dân gian…
Đặc biệt, hội đua ghe đảo thủy đầu Xuân trên sông Thu Bồn thu hút rất đông người dân đến xem và cổ vũ cho các thuyền đua.
Lễ giỗ Tổ nghề mộc làng Kim Bồng là một trong những lễ hội truyền thống, đã có từ lâu đời của làng Kim Bồng nhằm tôn vinh và nhớ ơn tiền nhân đã có công khai phá, sáng lập ra nghề mộc của làng.
Đây cũng là dịp để các xưởng mộc trong làng có thể giao lưu tay nghề và trình diễn tài năng làm mộc đầy điêu luyện cho người dân và du khách chiêm ngưỡng, thưởng thức.
Là một trong những làng nghề truyền thống của Hội An, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ thứ 16 đầu thế kỷ thứ 17. Đến nay, mộc Kim Bồng ghi dấu nhiều công trình nghệ thuật và những sản phẩm giàu giá trị văn hóa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham quan chiêm ngưỡng.
Đội ngũ thợ mộc làng Kim Bồng đã có nhiều đóng góp, ghi dấu ấn với xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền tại thương cảng Hội An.
Những công trình cổ ở Hội An phần lớn là do thợ mộc Kim Bồng xây dựng. Với kỹ thuật xây dựng điêu luyện, nét chạm trổ tinh xảo trên các vách ngăn, thân trính, án thờ… điều này cho thấy bàn tay tài hoa của các thợ mộc làng Kim Bồng.
Làng mộc Kim Bồng cũng nổi danh với hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mộc dân dụng cao cấp đạt đến trình độ tinh xảo và tính mỹ thuật cao.
Thành quả của đội ngũ thợ làng Kim Bồng đã tích cực tham gia vào quá trình trùng tu kiến trúc gỗ đã được Văn phòng UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao và trao tặng giải thưởng “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ” năm 2000. Tháng 10-2001, tổ chức này tiếp tục trao giải thưởng “Thành tựu đặc biệt” cho kết quả bảo tồn làng mộc Kim Bồng.
Hiện làng có gần 1000 hộ dân và vẫn bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và duy trì hoạt động sản xuất, chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà. Bên cạnh đó, còn có các nghề truyền thống khác như đan chiếu, đan thúng chai, tráng bánh, lồng đèn cùng với các ngôi đình, nhà thờ cổ.
Có khoảng 10 ngôi nhà cổ còn lưu giữ, thể hiện được nét tinh hoa của nghề Mộc Kim Bồng. Tuy nhiên, tình trạng hoạt động cung cấp sản phẩm trong phạm vi địa phương, chưa thể khai thác phát huy hết được tiềm năng, vốn quý sẵn có.
Về sản phẩm du lịch, làng mộc Kim Bồng đang được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề như trải nghiệm làng nghề Mộc và các nghề khác như làm chiếu, tráng bánh, lồng đèn, đan thúng, nấu rượu; thưởng thức ẩm thực đặc trưng như cao lầu, mì Quảng… Các nghệ nhân đã phát huy được tiềm năng của mình trong phát triển các sản phẩm OCOP, các sản phẩm điêu khắc làm quà tặng lưu niệm du lịch.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn số 8279 gửi Bộ NN&PTNT về việc đề xuất mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại Làng mộc Kim Bồng và vùng phụ cận, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Dự kiến kinh phí triển khai mô hình là 5 tỉ đồng, trong đó đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 4 tỉ đồng, số còn lại sẽ huy động từ tổ chức kinh tế, cộng đồng…
Mô hình khi đi vào triển khai, dự kiến tạo thu nhập cho khoảng 100 hộ dân tại khu vực, mỗi năm thu hút khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch ước đạt 2 tỉ đồng.
Minh Hải