Việc sau tết còn thưa, tôi dành chút thời gian để xem qua chiếc máy tính của con gái đang học lớp 8 dùng hằng ngày. Khi xem lại lịch sử lướt web của con, tôi đã thảng thốt vì con xem nhiều clip hài tục tĩu. Gọi con để hỏi rõ nguồn cơn thì con bé hồn nhiên nói: “Ba ơi, con thấy nhiều triệu người xem nên con nghĩ nó đâu có bậy bạ gì đâu?”.
Tôi đã phải giải thích cho cháu rằng, dù đó không phải là những clip có nội dung đồi trụy bị cấm nhưng không nên xem vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến thói quen suy nghĩ, sử dụng từ ngữ trong cuộc sống. Con tôi đã hiểu ra và hứa sẽ không vào xem nữa. Cũng may là con bé chỉ mới xem vài clip và không đăng ký theo dõi những kênh đó nên tôi tin con mình sẽ bỏ hẳn. Nhưng tôi buồn khi những lời bình luận mang tính góp ý ở phía dưới trang bị nhiều người, đang ở tuổi con mình, xúm nhau phản đối, đưa ra những lời xúc phạm người góp ý một cách thậm tệ. Rất nhiều clip tục tĩu nhưng lại được các thành viên bình luận tán dương như thể nâng chủ tài khoản lên chín tầng mây.
Đặt qua một bên câu chuyện về quản lý còn dùng dằng về các nội dung tương tự được đăng tải trên YouTube (thuộc về Google, Mỹ và chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam). Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến những hoạt động cá nhân của con cái, nhất là những khi trẻ lướt web. Giám sát chứ không cấm đoán. Khi thấy những clip không phù hợp, nên tìm cách giải thích cho con hiểu và cũng cần lắng nghe con bày tỏ quan điểm của mình. Trẻ vốn ngây thơ nên đôi khi chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cần có sự can thiệp của người lớn một cách cấp thiết.
Trần Thái Học (Bến Tre)