Ngọc Hùng
Hiện cả nước có khoảng 200.000 con bò sữa, với lượng sữa sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu tiêu thụ, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Việc tăng lượng sữa sản xuất trong nước là điều đang được khuyến khích; song trên thực tế khi người dân tăng sản lượng sữa, các công ty sữa lại không thể mua nhiều hơn.
Chân trong, chân ngoài
Tháng 12 năm ngoái, nhiều hộ dân nuôi bò sữa ở huyện Gia Lâm, Hà Nội đã lâm vào cảnh sữa vắt xong không bán được cho các công ty sữa, vì những doanh nghiệp này chỉ mua sữa của những người đã ký hợp đồng với họ, không thể mua sữa của những hộ dân ở ngoài vì năng lực dự trữ có giới hạn. Ở một trường hợp khác, vào đầu tháng 1-2015, nông dân nuôi bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng nhận được thông báo từ Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalat Milk) là chỉ mua 16 kg sữa/con bò đối với những hộ dân đã ký hợp đồng. Nguyên nhân là do năng lực dự trữ sữa có hạn, và cũng nhằm tránh trường hợp những hộ dân không ký hợp đồng nhờ những hộ dân có ký hợp đồng bán giùm. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần đưa ra chính sách, Dalat Milk đã thu hồi do áp lực của dư luận.
Thực ra, chuyện nông dân tạo sức ép lên các công ty không phải bây giờ mới xảy ra ở Hà Nội hay Lâm Đồng. Mấy năm trước, người nuôi bò sữa ở TPHCM, nơi có tổng đàn bò sữa chiếm 50% cả nước, cũng rơi vào tình trạng sữa vắt xong lại không bán được cho hai công ty thu mua sữa lớn. Một trong những lý do là, có những hộ dân đã ký hợp đồng với công ty, sau đó thấy thương lái ở ngoài mua giá cao hơn nên tìm cách phá vỡ hợp đồng để bán cho thương lái. Cho đến khi thương lái không mua nữa, họ lại quay về bán cho công ty.
Trong hợp đồng bán sữa cho công ty luôn kèm theo điều khoản về chất lượng sữa như tạp trùng, vi sinh... Nhưng nhiều hộ dân không thực hiện được do thiếu kinh nghiệm, sữa làm ra chất lượng không đạt nên không bán được hoặc bán với giá thấp. Trước thực trạng đó, nhiều năm nay, các công ty sữa như Vinamilk và FrieslandCampina Vietnam khi ký hợp đồng mua sữa tươi của người nuôi bò luôn kèm theo những tiêu chuẩn bắt buộc. Để hỗ trợ người dân, những công ty này đều có những chương trình hỗ trợ kỹ thuật vắt, bảo quản sữa cũng như những kỹ thuật căn bản về chăn nuôi, chăm sóc bò sữa cho nông dân. Hiện giá mua sữa của các công ty ở mức 12.000-13.000 đồng/kg, mức giá có lời cho người nuôi.
Ông Chung Anh Dũng, công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết tính đến hết năm 2013, tổng đàn bò sữa cả nước vào khoảng 187.000 con, với sản lượng sữa vào khoảng 456.400 tấn. Trong 10 địa phương có đàn bò sữa lớn nhất, Lâm Đông có khoảng 7.500 con, với sản lượng sữa khoảng 22.000 tấn. Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu năm 2015 sẽ phát triển đàn bò sữa và bò thịt chất lượng cao khoảng 76.000 con, trong đó có 12.000 con bò sữa. Điều này có nghĩa, lượng sữa sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, và nếu tỉnh này không tìm nguồn tiêu thụ khác ngoài Dalat Milk, khả năng nông dân đổ sữa ra đường có thể lặp lại.
Một công ty sản xuất sữa cho biết đã ký hợp đồng với nhiều hộ dân nuôi bò sữa ở các tỉnh, và số lượng sữa mà những người dân này cung cấp hàng ngày vừa đủ cho dây chuyền chế biến sữa tươi của công ty. Muốn ký thêm những hợp đồng mới với các hộ dân nuôi bò sữa, công ty này sẽ phải đầu tư thêm bồn chứa ở các trạm thu mua và ít nhất cũng phải đợi khoảng 4-6 tháng nữa mới hoàn thành.
Tôn trọng hợp đồng
Ông Nguyễn Văn Tư, một người nuôi bò ở huyện Củ Chi, TPHCM, kể trước đây ông từng ký hợp đồng với công ty sữa rồi sau đó bán cho đại lý khác vì thấy giá cao hơn. Sau một thời gian dài, ông phải xin quay về bán cho công ty sữa. Theo ông, trong nghề nông, người dân thường nắm đàng lưỡi, còn bên thu mua sản phẩm là các công ty và đại lý thường nắm đàng cán, nên thiệt thòi vẫn là nông dân.
“Tôi hiểu cảm giác phải đổ sữa trước cổng công ty sữa của người dân nuôi bò ở Lâm Đồng”, ông Tư cho biết. Tuy nhiên, nông dân không thể đối đầu với doanh nghiệp được vì họ là bên mua sản phẩm nên quyết định giá cả lẫn số lượng mua. Nếu càng làm căng, nông dân càng làm khổ mình. Theo ông, cách tốt nhất là hợp tác với các công ty, cố gắng xây dựng mối quan hệ này càng tốt thì chẳng lo không có ai mua sữa của mình.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết những gì xảy ra ở Hà Nội và Lâm Đồng, cục không đứng về phía nào, mà muốn làm cầu nối để doanh nghiệp và người dân tìm được hướng giải quyết tốt nhất. Ông cho biết, trường hợp ở Hà Nội, vào mùa hè lượng sữa vắt được ít, giá cao nên nhiều nông dân nuôi bò sữa, dù đã ký hợp đồng bán sữa với các công ty, vẫn tìm cách bán ra ngoài. Còn vào thời điểm cuối năm, lượng sữa vắt được nhiều, họ quay lại bán cho công ty. Phía công ty không mua với lý do, làm ăn kinh doanh chứ không phải chuyện trẻ con, lúc thích thì chơi với nhau, lúc không thích thì nghỉ.
Theo ông Dương, ngoài lý do “tự phá vỡ hợp đồng” của nông dân, một lý do nữa được các công ty sữa đưa ra là do năng lực trích trữ, chế biến đã đạt công suất 100% nên chỉ ưu tiên cho những nông dân tuân thủ hợp đồng đã ký.
Đây là một bài học cho người nuôi bò sữa, rằng không thể có chuyện làm ăn như lâu nay được mà phải theo chuỗi. “Ở đó người nông dân phải chuyên nghiệp, biết tôn trọng những quy định nếu không muốn bị thiệt thòi khi làm ăn với các công ty”, ông Dương cho biết.