Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, loạt giải chạy bộ, đua xe dành cho vận động viên phong trào đã quay trở lại. Không chỉ gia tăng với số lượng gần bằng trước dịch, các giải đấu cũng tập trung phát triển và có nhiều thay đổi phù hợp với nhu cầu của người tham gia. Chia sẻ từ ban tổ chức giải, đây là tín hiệu cho thấy cuộc sống dần ổn định, kéo theo các hoạt động du lịch, vui chơi được “hồi sinh”.
- Tây Ninh kín phòng khách sạn nhờ lần đầu tổ chức giải chạy bộ
- Tổ chức giải đua ô tô địa hình quy mô nhất Việt Nam
Mùa giải lớn trở lại
Sau hai năm dịch bệnh gián đoạn, VinaCapital Foundation cùng Gamuda Land Việt Nam đã công bố sự trở lại lần thứ 9 của đường chạy Chạy vì trái tim thuộc chương trình Nhịp tim Việt Nam. Đây là chương trình chạy bộ từ thiện gây quỹ thường niên cho các em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh. Sau hai năm tạm dừng, nhiều “runner” vẫn quan tâm chương trình và cho thấy sức lan tỏa của đường chạy. Cụ thể, đại diện ban tổ chức giải ước tính năm nay có khoảng 10.000 người tham gia vào ngày chạy tổng kết số tiền gây quỹ 12-2 sắp tới tại khu đô thị Celadon City.
Phần lớn người tham gia đường chạy gây quỹ là những người trẻ, thành viên trong các gia đình yêu thích chạy bộ, có thói quen tập thể dục hằng ngày. Qua những con số tổng kết tiền gây quỹ cùng thành viên đăng ký tham gia tăng dần qua từng năm, ban tổ chức nhìn thấy sức cộng hưởng của giải, sự quan tâm người dân với sức khỏe của mình, đại diện Chạy vì trái tim cho biết.
Theo ban tổ chức, đây không phải là giải chạy mang tính chất thi thố, hay quy tụ nhiều vận động viên chuyên nghiệp. Đường chạy thực tế bên cạnh mục đích gây quỹ, còn giúp người tham gia nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe, thêm thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày với môn chơi không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. “Chúng tôi tin rằng mỗi bước chạy đâu đấy sẽ truyền được cảm hứng đến những người còn lại. Việc nhân rộng phong trào chạy bộ, làm thiện nguyện hơn trong cộng đồng vẫn rất có ích cho xã hội”, vị này nhấn mạnh.
Trong năm 2022, một trong những giải marathon đầu tiên tại TPHCM cũng quay trở lại nhập cuộc. Anh Phạm Bá Dũng (Bady Phạm), hiện là giám đốc điều hành, đồng sáng lập Công ty TNHH Pulse, người đứng đầu các giải chạy HCMC Marathon từ 2013 đến nay cho biết sức sống tại các thành phố lớn đang dần hồi sinh thông qua các hoạt động tập trung đông người, cụ thể như giải chạy. Nhìn lại hành trình gần 10 mùa duy trì giải, qua biến cố tạm hoãn vì dịch bệnh, anh Dũng tỏ ra vui mừng vì người dân ngày càng có thói quen rèn luyện thể dục.
Anh nhớ lại, năm 2013 vẫn còn thiếu nhiều sân chơi thể thao, khái niệm chạy marathon vẫn còn xa lạ với nhiều người, mãi đến 3-4 năm nay, thị trường mới “bùng” lên giải chạy bộ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vì những con số cho thấy sự hưởng ứng vẫn đang tăng.
Anh dẫn chứng qua giải HCMC Marathon, số lượng người tham gia giải đầu tiên năm 2013 chỉ khoảng 5.000 người, đến mùa giải trước dịch 2021 đã tăng lên gấp đôi hơn 10.000 người, riêng năm qua 2022 có khoảng 7.500 người tham gia do sự kiện bị hoãn lần đầu tiên vì ảnh hưởng Covid-19. Trong đó, số vận động viên nữ tham gia tăng gấp đôi, từ 2.031 người (chiếm 32% tổng số người tham gia) vào năm 2015 lên đến 4.020 (chiếm 40% tổng số lượng người tham gia) năm 2021. Tỷ lệ “runner” dưới 18 tuổi tăng lên gấp đôi sau bảy năm, gần 1.000 người vào năm 2021. Ngoài ra, hoạt động chạy dành riêng cho trẻ em từ 3-10 tuổi được chính thức mở vào năm 2016 với hơn 100 bé và năm nay chào đón khoảng 500 bé tham gia.
Những con số biết nói đó là một trong những tín hiệu tích cực thể hiện rõ sự phát triển của phong trào chạy bộ qua từng năm. “Từ một hai giải nhỏ, bây giờ phải lên đến 30 giải/năm, đặc biệt sự trở lại đường đua sau dịch của nhiều đơn vị tổ chức cũng cho thấy nỗ lực hồi sinh. Mặc dù lượng người tham gia có giảm vì thiếu vận động viên nước ngoài, tuy nhiên tôi cũng hy vọng chúng ta có những bước đi đầu thành công để qua đó khởi động lại du lịch tại các tỉnh thành, trở về trạng thái sống chung với dịch bệnh, đón lại khách quốc tế rộng rãi”, anh Dũng chia sẻ.
Khó khăn xen lẫn cơ hội
Sau khi có quyết định cho phép tổ chức các hoạt động đông người, đại diện ban tổ chức giải cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để phòng ngừa các sự cố. Ở giải Chạy vì trái tim những mùa gần đây, giải cũng phối hợp với đơn vị Vietrace365 để làm đường chạy ảo, thông qua nền tảng online phù hợp với xu thế chạy mọi lúc mọi nơi của runner.
Còn anh Phạm Bá Dũng cùng ê-kíp xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, đảm bảo các quy định an toàn cho toàn thể người tham gia. Anh cũng tâm sự những khó khăn khi làm giải trở lại bởi vấn đề biến động kinh tế chung hậu Covid-19. Cụ thể, các bên đồng hành khó huy động tài trợ hơn trước, nhiều thương hiệu cũng lo sợ tổ chức giải trở lại ngay sau dịch sẽ có những rủi ro nhất định vì tình hình dịch còn phức tạp. “Phải nói là dù có hay không có tiền chúng tôi cũng đều có những nỗi lo riêng, nhưng rồi bằng những tính toán cụ thể, phương án đề phòng, các bên đồng hành vẫn ủng hộ và tin tưởng vào công ty, dẫn đến quyết định làm giải. May mắn nữa là lúc đó bộ máy nhân sự vẫn được giữ nguyên mà chỉ thay đổi hình thức làm việc sang trực tuyến”, anh nói.
Ngoài ra, nhờ có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cho phép khởi động lại mùa giải sau dịch ở Đà Nẵng vào tháng 4-2022, đội ngũ anh có thêm kinh nghiệm để tổ chức giải tiếp ở TPHCM với tinh thần khó đến đâu gỡ đến đấy.
Nhìn chung, các giải thể thao sau dịch vẫn chưa thu hút trở lại đối tượng khách quốc tế nhưng sẽ là xu hướng tiếp tục “nở rộ” trong vài năm nữa, kéo theo những ngành nghề liên quan cùng phát triển như huấn luyện viên, kinh doanh thiết bị, phương tiện tập luyện, vật dụng thể thao… Anh cho biết mọi năm các giải chạy ở Đà Nẵng thường thu hút khoảng 30% người nước ngoài tham gia. Đây chính là đối tượng ngành du lịch cũng hướng đến.
Trong thời gian tới, anh hy vọng các giải chạy ở Việt Nam sẽ đủ sức hấp dẫn họ quay trở lại vì đây là hướng phát triển kết hợp cả du lịch, thể thao, đồng thời quảng bá văn hóa hiệu quả nhất. Anh cũng bộc bạch “Tâm tư nhất vẫn là chuyện làm sao để người dân hiểu được giá trị của giải chạy sẽ đem đến cho một tỉnh thành nào đó để họ hợp tác, cùng nâng cao cơ sở vật chất, ban tổ chức được tiếp đón đông đảo lượng người hơn”.
Qua ba mùa tổ chức giải đua xe đạp địa hình Hố Lang, anh Trần Thôi, phụ trách chuyên môn tại các giải cũng đồng tình quan điểm các giải phong trào ngày càng gần gũi hơn với vận động viên ba miền trong nước, quốc tế. Để hoàn thành giải đấu chỉn chu, đội ngũ chuyên môn cần trải qua nhiều thủ tục để đảm bảo sân chơi an toàn, công bằng và hợp pháp.
Sau dịch bệnh, việc kêu gọi vận động, nâng giá trị tiền thưởng để thu hút thêm vận động viên đến giải đấu cũng cần nhiều nỗ lực hơn của ban tổ chức. Anh cho biết giải đua xe đạp địa hình năm nay ở Hố Lang có thêm nội dung đường trường với hình thức thi đấu loại dần. Giải đem đến cho người tham gia nhiều sự lựa chọn, tăng thêm hứng thú khi bỏ lệ phí đăng ký giải và phát triển giải đấu cho các vận động viên chuyên nghiệp cọ xát trong tương lai.
“Tôi nhận thấy trong và sau dịch bệnh, lượng xe đạp bán ra nhiều hơn, điều này chứng tỏ mọi người quan tâm hơn đến sức khỏe. Bên cạnh đó, những người xung quanh tôi cũng chăm chỉ tập thể thao hơn, đặc biệt những môn chơi thân thiện môi trường, nên việc gia tăng giải đấu cũng như người đăng ký tham dự giải hậu Covid-19 là chuyện bình thường, như lò xo nén rồi bung”, anh Trần Thôi giải thích.
Trước sự nhập cuộc sôi động từ loạt đường chạy, đường đua xe đạp trong năm qua, đại diện các đơn vị làm giải cho rằng tuy khâu tổ chức còn nhiều thách thức riêng nhưng cũng kèm theo nhiều cơ hội để lấy lại phong độ, giúp cho người dân có thêm nhiều sân chơi thể thao và làm cho thị trường này được “sống” lại như trước.
An Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn Online