Kim An
Thời hoàng kim của những trung tâm mua sắm luôn đông nghẹt người đã qua. Giờ đây, họ cần thay đổi để thu hút người đi mua sắm...
Ngán mua sắm ở trung tâm thương mại
Trung tâm thương mại Owings Mills ở bang Maryland, Mỹ vào ngày Chủ nhật trước lễ Giáng sinh vừa qua ngập ánh đèn trang trí nhưng thiếu một yếu tố quan trọng: người đi mua sắm.
Ca khúc Jingle Bell vang vọng khắp nơi, mùi gà nướng bốc lên từ khu ẩm thực nhưng chỉ có một số cửa hàng mở cửa tại khu trung tâm thương mại này. Vài khách dạo quanh lối đi chính nhưng không có gì nhiều để ngắm ngoài các khung cửa sắt bị khóa tại một số quầy trống đã từng là cửa hàng lớn của các nhãn hàng bán lẻ như H&M, Wet Seal và Kay Jewelers.
Owings Mills Mall hiện đang nằm trong danh sách những trung tâm thương mại mà theo các chuyên gia bất động sản, kiến trúc sư, thiết kế đô thị và cả những tín đồ Internet, đó là “trung tâm thương mại chết”. Theo công ty nghiên cứu về trung tâm thương mại Green Street Advisors, kể từ năm 2010, tại Mỹ có hơn 24 trung tâm phải đóng cửa và 60 trung tâm khác đang chờ đóng cửa.
Trung tâm thương mại bắt đầu “chết” kể từ những năm cuối thập niên 1990, nhưng đến nay xu hướng này đã rõ hơn, phản ánh đúng tình hình phát triển của nền kinh tế Mỹ. D. J. Busch, nhà phân tích cao cấp tại Green Street, cho biết: “Tình trạng này còn nhiều vấn đề bàn cãi. Người giàu tại Mỹ vẫn tiếp tục đến khu Short Hills Mall ở New Jersey hay vài nơi khác để mua sắm, nhưng chỉ chiếm 5-10% người tiêu dùng”.
Tại Owing Mills, J. C. Penney và Macy đang cố bám trụ nhưng những cửa hàng trung cấp như Sears, Lord & Taylor và chuỗi cửa hàng Boscov đã đến rồi đi. Mở cửa từ năm 1986 và nâng cấp cải tạo vào năm 1998, Owings Mills khá “đoản thọ”. Theo các chuyên gia thì mặt bằng của Owing Mills có thể cho thuê, nếu không, họ cần phải thay đổi ngay cách thức kinh doanh mới mong tồn tại được. Mark Hinshaw, nhà kiến trúc đô thị ở Seattle, cho biết: “Tôi không nghi ngờ một số trung tâm thương mại có thể trụ được, nhưng nhiều người tiêu dùng đã ngán đi đến đó để mua sắm”.
Một yếu tố làm nhiều người mua sắm quay lưng với trung tâm thương mại đó là do mua hàng trực tuyến đang có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, theo một chuyên gia thì đó chỉ là tác động nhỏ. Dưới 10% cửa hàng bán lẻ thực hiện bán hàng qua mạng, và chủ yếu kinh doanh trực tuyến chỉ tác động nhiều đến các cửa hàng tổng hợp lớn mà thôi, ít ảnh hưởng đến chuỗi cửa hàng thời trang hay cửa hàng chuyên bán các món hàng “hiếm” ở các trung tâm.
Nhưng vấn đề căn cơ đối với trung tâm thương mại là có quá nhiều cửa hàng bán lẻ tại Mỹ, là kết quả của sự bùng nổ cho thuê cao ốc bán lẻ các loại. Trung tâm thương mại đóng cửa vừa tạo sự ngỡ ngàng cũng như thích thú đối với người tiêu dùng. Có trang web (deadmalls.com) chuyên bàn về hiện tượng này như là một xu thế. Bộ phim Cô gái mất tích (Gone Girl) công chiếu cuối năm 2014 vừa qua cũng được quay trong một trung tâm thương mại “chết”.
Phải định nghĩa lại “shopping”
Các trung tâm thương mại đang cố nắm bắt nhu cầu mới của người tiêu dùng và đánh giá lại định nghĩa thế nào là “shopping”. Vào tháng 8 năm ngoái, Hội đồng quốc tế Trung tâm thương mại (tại New York) gồm các chủ đầu tư, đã thuê Công ty PR Burson-Marsteller truyền bá “thông điệp” trung tâm thương mại vẫn sống khỏe trong vài năm tới. Thực chất, vẫn có nhiều trung tâm thương mại ăn nên làm ra và có thể tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới nhưng ngành công nghiệp này vẫn chưa có động thái rõ ràng nào để ngăn chặn việc tụt dốc.
Theo công ty chuyên cung cấp dữ liệu về bất động sản CoStar Group, khoảng 80% trong tổng số 1.200 trung tâm mua sắm tại Mỹ được cho là tăng trưởng với báo cáo về tỷ lệ khu vực cho thuê còn trống thấp hơn 10%. Nhưng so sánh với tỷ lệ 94% vào năm 2006, năm 2014 có gần 15% các trung tâm có tỷ lệ khu vực cho thuê còn trống 10-40%, tăng 5%. Và 3,4% (tương đương 10 triệu m2) trung tâm thương mại có hơn 40% chỗ trống, đạt mức mà Công ty Green Street cho là “chết thực”.
Steven Lowy, Giám đốc đồng điều hành Westfield Corporation (gốc tại Úc), cho biết: “Các trung tâm mua sắm hạng A vẫn đang phát triển tốt. Tại Mỹ, Westfield mở khu thương mại tại khúc giữa bờ Tây, nơi có nhiều người giàu. Còn tại châu Âu, họ hướng đến các đô thị giàu có như London hay Milan”.
Nhưng phân loại đâu là trung tâm mua sắm cao cấp và tầm trung, phổ thông không thực sự rõ ràng. Như Trung tâm White Flint ở ngoại ô của Washington, nâng cấp lên tầm cao cấp nhưng hiện đã đóng cửa. Còn trung tâm mua sắm cao cấp Landover ở hạt Prince George (cũng ở Washington) hồi năm 2006 đã bị phá hủy để làm bãi đậu xe. Cả hai bất động sản trên đều thuộc gia đình Lerner, cũng là cổ đông lớn của đội bóng chày Washington Nationals.
Tuy nhiên, Owing Mills trên bờ vực đóng cửa nhưng không phải là dấu chấm hết cho thị trường này. Chủ đầu tiên của Owings Mills là Công ty General Growth Properties đã bán 50% cổ phần cho Kimco hồi năm 2011 và Kimco đang tái phát triển khu này trở thành khu mua sắm mở.
Nhưng để hồi phục các trung tâm mua sắm không phải là chuyện dễ. Kimco sẽ đập bỏ khu Owings Mills cũ kỹ và kiến trúc lại như “trung tâm năng lượng”, với các cửa hàng lớn như Costco, Best Buy và Target, trị giá 75-100 triệu đô la và cần 2-5 năm. Hiện thời, Owings Mills vẫn giữ như tình trạng hiện tại ít nhất là đến cuối năm nay. Theo Kimco, tình trạng ế ẩm của Owings Mills là do người mua sắm đến Trung tâm mua sắm Towson Town Center gần đó, cao cấp hơn. Mặc dù Owing Mills có thiết kế ban đầu là khu mua sắm cao cấp nhưng thật khó cạnh tranh sau khi Saks Fifth Avenue đóng cửa khu cửa hàng ở đây hồi giữa thập niên 1990.
Cầu thang dẫn lối lên tầng trên bị che lại bởi tầng trên gần như bỏ trống với nhiều cửa hàng đóng cửa tại Trung tâm thương mại Owings Mills Mall, bang Maryland, Mỹ.