Trước thềm năm mới, ngành du lịch có tin vui là mảng du lịch nội địa không những phục hồi mà còn vượt xa kết quả của thời điểm trước dịch nhưng tin không vui là mảng quốc tế vẫn rất trì trệ. Tương lai cho ngành công nghiệp không khói trong năm mới 2023 vẫn chưa thể tươi sáng hoàn toàn.
Nhận định cho rằng, du lịch sẽ tăng trưởng đột biến sau đại dịch nhờ nhu cầu đi lại đã bị kìm nén quá lâu chỉ chờ ngày bùng nổ đã đúng với mảng du lịch nội địa. Cuối năm 2021, khi TPHCM và các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách để ngăn dịch Covid-19 thì dòng khách du lịch đã lấp đầy hàng loạt khu nghỉ dưỡng ở gần những đô thị lớn, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội.
Sự tăng trưởng tiếp tục trong nhiều tháng sau đó, với quy mô được mở rộng hơn. Hàng loạt điểm đến như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc, Hạ Long, Sa Pa… thường xuyên kín khách và kết quả chung của cả mảng nội địa là lượng khách trong năm qua đã nhiều hơn đến mười mấy triệu lượt so con số kỷ lục 85 triệu của năm 2019.
Thách thức mới cho mảng nội địa
Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu đáng lo. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp lớn, sức mua của mảng nội địa chỉ tăng trưởng mạnh mẽ đến tháng 10 và bắt đầu giảm từ tháng 11, kéo dài đến tháng 12, nhằm vào thời điểm tập trung cho mùa tour Tết.
Việc có rất ít công ty lữ hành dám mua trước các chuỗi (series) vé máy bay nội địa và nước ngoài để bán vào dịp Tết đã cho thấy phần nào sự khó khăn của thị trường. Tính chung, kết quả của mùa Tết vẫn được đánh giá là tương đối tốt nhưng tại nhiều công ty, kết quả này chưa thể bằng cùng kỳ năm 2019.
Du lịch là ngành thu – chi hộ và là ngành thể hiện nhanh, rõ nét sức khỏe của nền kinh tế. Khi người dân, doanh nghiệp làm ăn tốt, có tiền để đi đây đó thì du lịch tăng trưởng tốt còn ngược lại, ngành này sẽ nằm trong nhóm bị tác động đầu tiên. Nhiều doanh nhân cho rằng, nguyên nhân chính khiến sức mua giảm từ tháng 11 là khó khăn của nền kinh tế đã bắt đầu tác động đến khách hàng.
Với nhóm khách doanh nghiệp, tình trạng lãi suất tăng cao, dòng vốn vào ngành bất động sản bị thắt chặt, thị trường trái phiếu khó khăn và sức mua ở một số thị trường lớn ở nước ngoài suy giảm khiến khách hàng e dè hơn với các khoản chi không cấp thiết như du lịch. Nhóm khách cá nhân cũng bị tác động bởi khó khăn chung nên chi tiêu dè sẻn hơn.
Tương lai cho năm mới 2023 sẽ như thế nào? Nhiều doanh nhân cho rằng, không thể đoán trước vì du lịch tăng trưởng hay suy giảm lệ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Trong trường hợp kinh tế vẫn khó khăn thì mảng du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài sẽ rất khó.
Trong đó, mảng khách hàng doanh nghiệp sẽ sụt giảm vì cho đến thời điểm này, các công ty đã giải quyết xong ngân sách chi cho du lịch, hội họp và sự kiện tồn trong hai năm dịch 2020 và 2021 nên sẽ cắt ngay khoản chi cho du lịch.
Với nhóm khách cá nhân, sự tăng trưởng bùng nổ như năm 2022 khó lặp lại vì nhu cầu “được ra khỏi nhà” đã được đáp ứng nên khách sẽ cân nhắc hơn về số lượng và mức chi tiêu cho chuyến đi. Vì vậy, chắc chắn lượng khách sẽ ít hơn năm 2022.
Hiện tại, không nhiều doanh nhân lạc quan với thị trường mà đang “lên dây cót”, chuẩn bị đương đầu với những khó khăn trong năm mới. Nếu kinh tế khó hơn, nhà điều hành phải kiểm soát dòng tiền nghiêm ngặt hơn, đổi mới hơn nữa khâu phát triển sản phẩm và chăm sóc khách hàng để giành được “miếng bánh” đang nhỏ hơn trên thị trường.
Các chương trình kích cầu từ quy mô doanh nghiệp với doanh nghiệp và mở rộng hơn, với quy mô các điểm đến cần thực hiện mạnh mẽ để tăng sức mua. Những chính sách đang được một số doanh nghiệp áp dụng như hợp tác với ngân hàng và đối tác dịch vụ để đa dạng phương thức thanh toán như trả chậm, trả với lãi suất ưu đãi hoặc khuyến thưởng kiểu mua tour, dịch vụ du lịch được khuyến mãi các dịch vụ khác cũng cần được đẩy mạnh hơn để chia sẻ khó khăn với khách hàng…
Mảng quốc tế vẫn chưa dễ thở
Nếu như mảng du lịch nội địa làm ăn tốt trong năm qua thì mảng quốc tế vẫn rất trì trệ. Lượng khách trong năm 2022 chưa bằng 20% tổng số khách của năm 2019 và cũng còn rất thấp so với con số kỳ vọng 5 triệu khách mà cơ quan quản lý du lịch đặt ra từ hồi đầu năm.
Theo Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2019 của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đã đem về khoảng 18,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019. Vì vậy, thu hút khách quay lại không chỉ là mong muốn của ngành công nghiệp không khói mà còn là của những ngành khác vì nguồn ngoại tệ lớn từ nguồn khách này cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và xuất khẩu được kỳ vọng là sẽ giúp tỷ giá ổn định trong năm 2023.
Thêm vào đó, có khách quốc tế, hàng loạt công ty du lịch sẽ có việc làm còn các khách sạn, khu nghỉ sẽ được lấp đầy vào những thời điểm vắng khách trong nước, đặc biệt là trong khoảng năm tháng, bắt đầu từ đầu tháng 10 năm nay cho đến hết tháng 3 năm sau. Hiện tại, nhiều cơ sở lưu trú ở Cam Ranh, Nha Trang, Đà Nẵng… vẫn chưa thể mở cửa trở lại hoặc chỉ mới mở cầm chừng là vì thiếu khách quốc tế.
Ở Phan Thiết, sau thời gian đông khách trong nước, nhiều khu nghỉ dưỡng đã vắng vẻ trở lại. Nhân viên bán hàng của khách sạn đang phải “lùng sục” để tìm nguồn khách… nhưng không có mấy hy vọng cho mùa này, thậm chí cho nửa đầu năm tới.
Nguyên nhân chính khiến khách quốc tế ít đi là do thị trường thay đổi. Trong đó, khu vực Đông Bắc Á, nơi chiếm gần hai phần ba lượng khách quốc tế của cả nước vẫn chưa thể khơi thông.
Việc Trung Quốc, thị trường lớn nhất ở khu vực này và thế giới vẫn ngưng mảng du lịch nước ngoài đã tạo nên một khoảng trống không thể lấp đầy. Khoảng trống này có thể sẽ vẫn còn cho đến năm sau dù chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng một số chính sách phòng dịch.
Với các thị trường như Mỹ, Nga, khu vực Đông Nam Á và châu Âu thì chỉ có một số thị trường ở Đông Nam Á là tăng trưởng khá còn lại vẫn rất ít khách.
Với Nga, nơi đem đến lượng khách có mức chi nhiều nhất, với hơn 1.830 đô la Mỹ/chuyến và thời gian lưu trú dài nhất, hơn 15 ngày, theo báo cáo vừa kể trên, vẫn chưa có dấu hiệu là sẽ khởi sắc rõ nét trong năm mới.
Theo nhiều doanh nhân, vấn đề của thị trường này không phải là thiếu nguồn khách mà là thiếu đường bay do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine. Chỉ cần giải quyết được việc này là điểm đến sẽ có cơ hội đón khách như Thái Lan đã đón hàng chục ngàn lượt khách Nga đến Phuket chỉ trong tháng 11 vừa qua nhờ kết nối trở lại các đường bay với nước này.
Với các thị trường xa, một số doanh nhân đã tổng hợp thực tế kinh doanh và tình hình tại Hội chợ Du lịch thế giới (WTM 2022) hồi đầu tháng 11 rồi để nhận định, dù đại dịch đã tạm yên gần một năm nhưng khách vẫn chú trọng đến du lịch nội vùng. Nếu đi xa, khách hàng thường chọn những điểm đến có giá thấp nhờ số lượng đường bay nhiều và chính sách nhập cảnh thông thoáng.
Tại WTM 2022, trong khi các gian hàng ở khu vực châu Âu nườm nượp khách thì khu vực châu Á lại vắng hoe, khác hẳn với hồi trước dịch. Khi ghé khu vực này, các bạn hàng thường chỉ ghé gian hàng của Thái Lan, Hàn Quốc… nơi đáp ứng các yêu cầu vừa kể trên.
Nhiều nhà điều hành du lịch cho rằng, kỳ vọng về sự tăng trưởng chung của thị trường là không thực tế trong bối cảnh mới. Không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý điểm đến phải nghiên cứu nhu cầu cụ thể của từng thị trường, đánh giá xem Việt Nam có thể đáp ứng được gì để đưa ra sản phẩm và cách quảng bá thích hợp để kéo khách về.
Cùng với đó là sự hợp tác công – tư trong tiếp thị, tạo sản phẩm và dịch vụ mới cũng như đưa ra các chương trình kích cầu thực sự cho điểm đến.
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, bây giờ mà mới tính đến những việc này là muộn vì hàng loạt điểm đến đã đi trước sau gần một năm mở cửa. Tuy nhiên, nếu muộn mà tạo nên sự đổi mới, hướng đến một điểm đến thực sự hấp dẫn cho du khách thì cần phải làm, để giúp du lịch bớt nghèo, về lượng khách lẫn doanh thu trong năm Quý Mão.
Đào Loan
Theo KTSG online