Đức Tâm
Đầu năm 2015, Bùi Quang Anh, sinh viên năm cuối trường Đại học Mở TPHCM, đón nhận tin vui khi vừa hoàn tất khóa thực tập và được đề nghị ký hợp đồng thử việc tại Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM. Tuy số lượng sinh viên có được việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường như Quang Anh không nhiều, nhưng ngày nay việc tìm kiếm cho mình một cơ hội việc làm thông qua chương trình thực tập đã không còn quá khó như trước.
Doanh nghiệp cần
Đối với sinh viên, những chương trình thực tập mà doanh nghiệp mang lại rõ ràng là một cơ hội. Bởi trước hết, thực tập là điều kiện bắt buộc sinh viên phải có trước khi tốt nghiệp, tiếp đến là bước đệm chuyển tiếp giúp sinh viên làm quen trước khi đi vào công việc thật sự. Còn đối với doanh nghiệp, chính nguồn thực tập sinh đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực đối cho họ.
Trong năm 2014, Ngân hàng Techcombank đã tuyển gần 350 thực tập sinh và khoảng 70% trong số đó trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng sau khi ra trường. Trong năm 2015, ngân hàng này dự kiến tiếp tục tuyển 500 thực tập sinh. Mới đây, Ngân hàng Sacombank cũng đăng tuyển 1.000 thực tập sinh. Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, ở những lĩnh vực khác, các công ty lớn như VNG, Unilever… cũng luôn có chương trình dành cho sinh viên thực tập.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Đào tạo quản lý Việt Nam (Vietnam Institute of Management – VIM), thông thường khi các công ty tuyển thực tập sinh, họ có thể đạt được ít nhất bốn lợi ích. Thứ nhất, sự có mặt của nhân viên thực tập sẽ phần nào đó tạo áp lực lên những nhân viên hiện tại, giúp họ làm việc tích cực hơn.
Thứ hai, tại một số thời điểm, nhiều công ty cần 1,5 người cho một vị trí, tức là nếu tuyển hai người thì thừa, mà một người thì thiếu. Do vậy, chính các thực tập sinh giúp công ty giải quyết được sự thiếu hụt nguồn nhân lực ngắn hạn này. Đó là lý do tại sao trên các trang web, các công ty tháng nào cũng đăng tuyển thực tập sinh.
Thứ ba, về dài hạn, qua khoảng thời gian thực tập 2-3 tháng, công ty có thể chọn được người phù hợp cho vị trí cần tuyển mà không cần phải mất thêm thời gian và tốn chi phí đăng tuyển. Và cuối cùng, ngoài ba lợi ích rõ ràng nêu trên, việc tuyển thực tập sinh giúp công ty thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, tạo những ấn tượng tốt đẹp đối với xã hội và cả nhà trường và các sinh viên – nguồn nhân lực chiến lược quan trọng của công ty trong tương lai.
[box] Khi cần tìm nơi thực tập, ngoài các trang web của những doanh nghiệp lớn có hẳn chương trình dành cho thực tập sinh, sinh viên có thể tham khảo trang www.internship.edu.vn. Trang web này được lập ra để giúp sinh viên, không phân biệt trường lớp, có thêm cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp. Tính đến tháng 12-2014, intership đã thu hút được khoảng 15.000 doanh nghiệp đăng tuyển thực tập sinh và phần lớn các doanh nghiệp đều có chính sách hỗ trợ nhất định cho sinh viên trong quá trình thực tập.[/box]
Cơ hội cho thực tập sinh
Khi các sinh viên được doanh nghiệp nhận vào thực tập, họ không chỉ có cơ hội thực tập mà còn có cơ hội khẳng định mình, tìm được cho mình một việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM, khuyên các sinh viên cần trân trọng và biết nắm lấy cơ hội khi thực tập, đừng xem thực tập như “khoản nợ” phải trả để ra trường.
Ông Tuấn Anh cho biết trong hầu hết các trường hợp, khi các công ty tuyển thực tập sinh, đồng nghĩa với việc họ đang sàng lọc để tuyển nhân viên phù hợp. Những công ty đưa ra yêu cầu tuyển thực tập sinh càng gắt gao, phúc lợi càng cao thì tỷ lệ họ ký hợp đồng với sinh viên sau khi thực tập càng lớn. Với kinh nghiệm của người có 15 năm trong lĩnh vực, ông thấy tỷ lệ này thường ở mức 50%, tức khi doanh nghiệp cần tuyển một người thì họ sẽ tuyển hai thực tập sinh.
Ở lĩnh vực thực phẩm, do những đặc thù riêng, tỷ lệ giữ lại thường thấp hơn 20%. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, cho biết đối với ngành chế biến thực phẩm và thủy sản, sau khi thực tập, tỷ lệ sinh viên tiếp tục gắn bó với công ty nằm trong khoảng 10-15%.
Còn ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), tỷ lệ giữ lại thường cao hơn mức 50%. Chẳng hạn, Công ty cổ phần VNG hàng năm đều có chương trình tuyển thực tập sinh dành cho sinh viên các trường CNTT tại TPHCM. Bà Phạm Thị Quyên, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty VNG, cho biết các sinh viên khi vượt qua vòng phỏng vấn về kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm sẽ được VNG tạo điều kiện ở lại làm việc sau thời gian thực tập.
Để có thể tìm được một nơi thực tập thích hợp, theo tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, người sáng lập cổng thông tin kết nối thực tập cho sinh viên và doanh nghiệp tại trang web www.internship.edu.vn, sinh viên nên dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin về các công ty mình muốn thực tập thông qua trang web của công ty, qua những ngày hội việc làm, các diễn đàn, cổng thông tin nghề nghiệp giữa sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Hoàng khuyên việc tìm hiểu nên tiến hành càng sớm càng tốt, vì đa phần các công ty lớn khi tuyển thực tập sinh đều cần nêu bảng điểm và các hoạt động xã hội trong hồ sơ xin thực tập. Do vậy, nếu đợi đến học kỳ cuối mới chuẩn bị, nhiều khi các sinh viên sẽ không có đủ thời gian để hoàn tất các yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra.