Vân Ly
Người dùng điện thoại, máy tính có nhu cầu sử dụng phần mềm (ứng dụng) gọi điện và nhắn tin qua mạng Internet (OTT) giờ đây đã có khá nhiều sự lựa chọn, khi gần đây đã có hai nhà mạng Việt Nam đưa sản phẩm ra thị trường.
Nhà mạng đua... OTT
Thị trường OTT trong nước vừa có thêm một ứng dụng mới do nhà mạng VinaPhone cung cấp mang tên VietTalk. Trước đó, thị trường mới có hai sản phẩm OTT lớn và có nhiều người dùng do Việt Nam sản xuất là Zalo của VNG và Btalk của Bkav.
Cũng như các ứng dụng OTT khác, VietTalk có thể cài đặt để sử dụng cho mọi thuê bao di động chứ không chỉ thuê bao VinaPhone. Các tính năng của VietTalk tương tự như các phần mềm OTT là gọi điện, nhắn tin thường và tin nhắn thoại, tin nhắn hình ảnh, trò chuyện theo nhóm... và người dùng cũng có thể tải phần mềm để sử dụng từ các kho ứng dụng. Với các thuê bao VinaPhone, khi nhắn tin qua ứng dụng này, nếu người nhận không còn kết nối Internet, ứng dụng sẽ chuyển qua thành tin nhắn thường – giống tính năng iMessage của điện thoại iPhone. Trong khi đó, với các OTT khác, tin nhắn chỉ được gửi đi khi có kết nối Internet.
Cùng với thời điểm VinaPhone đưa phiên bản hoàn thiện VietTalk ra thị trường, nhà mạng Viettel cũng đưa sản phẩm OTT của mình với tên gọi Mocha Messenger phiên bản thử nghiệm ra thị trường để thăm dò ý kiến khách hàng. Người dùng phiên bản này nếu là thuê bao của Viettel sẽ được nhà mạng này tặng năm tin nhắn miễn phí mỗi ngày để gửi đến bất kỳ thuê bao di động nào chưa cài đặt ứng dụng này.
Tuy nhiên, các tính năng của Mocha Messenger được Viettel cung cấp không giống như các OTT khác. Ứng dụng này không có tính năng gọi điện như các OTT khác mà nó thiên về giải trí là chính. Do đó sản phẩm của Viettel có tính năng cho người dùng mời bạn bè cùng nghe nhạc khi sử dụng ứng dụng. Và sản phẩm trên còn có các tính năng cơ bản như nhắn tin, chia sẻ hình ảnh, tạo nhóm.
Không chỉ VinaPhone và Viettel tham gia thị trường OTT, một nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, một nhà mạng lớn khác là MobiFone cũng đang hoàn thiện ứng dụng OTT của mình. Tuy nhiên, thời điểm đưa ứng dụng ra thị trường chưa được nhà mạng này tiết lộ.
Trước khi hai ứng dụng OTT được hai nhà mạng cung cấp, vào giữa tháng 4 năm ngoái, Công ty Bkav đã ra mắt ứng dụng OTT mang tên Btalk. Còn ứng dụng OTT Việt tham gia thị trường đầu tiên (cách đây ba năm) và thu hút sự quan tâm của người dùng là Zalo do Công ty VNG phát triển.
Hiện tại, thị trường OTT Việt Nam còn có sự tham gia của nhiều thương hiệu nước ngoài như Viber, Line, WeChat...
Tuy không có nghiên cứu nào về số lượng người dùng các ứng dụng OTT tại Việt Nam, song theo ước tính của các chuyên gia, Zalo và Viber là hai ứng dụng OTT thu hút người Việt sử dụng nhiều nhất. Mỗi ứng dụng thu hút khoảng hơn 10 triệu người dùng. Đây cũng là hai ứng dụng OTT đưa ra những phiên bản dùng cho máy tính để tạo thuận tiện và thu hút người dùng hơn.
[box] Thu phí OTT kiểu... nhà mạng
Hiện có hai mô hình kinh doanh mà các doanh nghiệp phát triển OTT hướng đến. Thứ nhất là thu phí sử dụng của người dùng hàng năm như WhatsApp và trên ứng dụng không xuất hiện quảng cáo; thứ hai là kiếm doanh thu từ bán sticker (hình vui nhộn) cho người dùng, thu phí cuộc gọi ra ngoài danh sách những người cài đặt ứng dụng và thu phí quảng cáo của các doanh nghiệp như đa phần các nhà cung cấp OTT đang làm.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có hai OTT tính đến việc thu phí của người dùng là Viber và VietTalk. Viber thu phí từ việc bán những hình vui nhộn và những cuộc gọi ra những số điện thoại bên ngoài danh sách những người cài đặt ứng dụng (tính năng Viber out). Việc thu phí này được thực hiện qua thẻ tín dụng.
Tương tự Viber, ứng dụng VietTalk cũng thu phí khi người dùng gọi điện ra ngoài danh sách những người cài đặt ứng dụng. Song hình thức thu phí thuận tiện hơn là trừ tiền trong tài khoản hoặc tính vào hóa đơn thanh toán cuối tháng của người dùng – tính năng này áp dụng với các thuê bao VinaPhone khi cài đặt ứng dụng này.
Tất nhiên, người có nhu cầu sử dụng ứng dụng Viber hay VietTalk mà không muốn trả phí vẫn có thể dùng như với các ứng dụng OTT khác.[/box]
Ai hơn ai?
Với những sản phẩm OTT đã được cung cấp trên thị trường, về cơ bản có tính năng tương tự nhau. Song theo phân tích của các chuyên gia, nếu sử dụng các OTT ngoại thì tính kết nối quốc tế cao hơn, thuận tiện với những người hay có liên lạc ra nước ngoài, vì mức độ phổ biến của các OTT ngoại tại nước ngoài và người ngoại quốc chắc chắn sẽ cao hơn các OTT nội. Nhưng, do các OTT nội được thiết kế bởi người Việt nên thiết kế tối ưu, phù hợp với điều kiện hạ tầng mạng Internet của Việt Nam nên sẽ hoạt động hiệu quả hơn các OTT ngoại. Nhiều người dùng đã cài đặt thử cả ứng dụng OTT nội và ngoại cho biết điều này.
Thêm nữa, trong những khoảng thời gian Internet của Việt Nam kết nối ra quốc tế rất chậm mỗi khi tuyến cáp quang biển AAG ngừng hoạt động (do bị đứt hoặc bảo trì, kéo dài tổng thời gian khoảng hai tháng trong năm 2014) thì OTT nội sẽ hoạt động tốt hơn. Vì OTT ngoại đặt máy chủ tại nước ngoài, nên mỗi khi người cài ứng dụng nhắn tin, gọi điện thì ứng dụng phải kết nối đến máy chủ ở nước ngoài mới có thể thực hiện được. Trong khi đó, lúc AAG ngừng hoạt động thì việc kết nối Internet ra nước ngoài vẫn được duy trì, song chỉ ở chừng mực kết nối rất chậm. Do đó sẽ xảy ra tình trạng không thực hiện được cuộc gọi hoặc chất lượng cuộc gọi kém khi người dùng OTT ngoại thực hiện gọi vào lúc AAG ngừng hoạt động.
Với các OTT nội, máy chủ điều hành dịch vụ được các doanh nghiệp đặt trong nước nên việc sử dụng các ứng dụng không ảnh hưởng gì khi AAG gặp sự cố.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyên người dùng có thể cùng lúc cài đặt nhiều ứng dụng OTT nội và ngoại trên thiết bị để trải nghiệm dịch vụ, đánh giá chất lượng cũng như các ứng dụng có thể bổ trợ cho nhau trong việc kết nối liên lạc cho người dùng OTT khi ứng dụng nào đó không hoạt động tốt do khách quan hay chủ quan.
BOX
Thu phí OTT kiểu... nhà mạng
Hiện có hai mô hình kinh doanh mà các doanh nghiệp phát triển OTT hướng đến. Thứ nhất là thu phí sử dụng của người dùng hàng năm như WhatsApp và trên ứng dụng không xuất hiện quảng cáo; thứ hai là kiếm doanh thu từ bán sticker (hình vui nhộn) cho người dùng, thu phí cuộc gọi ra ngoài danh sách những người cài đặt ứng dụng và thu phí quảng cáo của các doanh nghiệp như đa phần các nhà cung cấp OTT đang làm.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có hai OTT tính đến việc thu phí của người dùng là Viber và VietTalk. Viber thu phí từ việc bán những hình vui nhộn và những cuộc gọi ra những số điện thoại bên ngoài danh sách những người cài đặt ứng dụng (tính năng Viber out). Việc thu phí này được thực hiện qua thẻ tín dụng.
Tương tự Viber, ứng dụng VietTalk cũng thu phí khi người dùng gọi điện ra ngoài danh sách những người cài đặt ứng dụng. Song hình thức thu phí thuận tiện hơn là trừ tiền trong tài khoản hoặc tính vào hóa đơn thanh toán cuối tháng của người dùng – tính năng này áp dụng với các thuê bao VinaPhone khi cài đặt ứng dụng này.
Tất nhiên, người có nhu cầu sử dụng ứng dụng Viber hay VietTalk mà không muốn trả phí vẫn có thể dùng như với các ứng dụng OTT khác.