Theo Báo Điện tử Chính phủ, Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam - "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vừa được UNESCO đưa vào "Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".
- Việt Nam có thêm hai di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương
- Quảng Ninh nỗ lực ‘xanh hóa’ di sản
Ngày 29-11, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO tại Rabat (thủ đô Morocco), hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" của Việt Nam là một trong số 56 hồ sơ được UNESCO xem xét.
Theo Uỷ ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử của Việt Nam đáp ứng được những tiêu chí để đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Các tiêu chí đó là di sản liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hằng ngày.
Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.
Hồ sơ cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn rất ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau (tốc độ đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng…). Đây cũng là lý do để di sản này phải được bảo vệ.
Trên cơ sở đó, hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản được thực hiện trong bốn năm (2023 - 2026).
Di sản này đã được đưa vào "Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam" và Báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản Văn hóa.
Bên cạnh đó, việc kiểm kê di sản thu hút sự tham gia của cộng đồng ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận) với sự phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu và Trưng bày Văn hóa Chăm (tỉnh Ninh Thuận) trong việc khảo sát, kiểm kê, quay phim, chụp ảnh...
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sau khi hồ sơ đáp ứng được các tiêu chí, UNESCO đã ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" là Di sản Văn hóa phi vật thể vào các danh sách của tổ chức này.
Đăng Huy
Theo Báo Điện tử Chính phủ