(SGTT) - Hưởng ứng ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13-10-2022), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Vườn Quốc Gia (VQG) Mũi Cà Mau đã phối hợp tổ chức hoạt động gia cố hàng rào, khoanh nuôi rừng ngập mặn tại VQG Mũi Cà Mau.
- Nhiều công trình được đầu tư trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Tràm Chim
- Đẩy mạnh công tác truyền thông bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp tại Vườn quốc gia Cát Tiên
Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên đời sống người dân ngày càng rõ nét như xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung…
Chương trình có các hoạt động ý nghĩa như gia cố hàng rào, căng lưới giữ hạt mắm và giám sát số lượng cây mắm được tái sinh trong khu vực 50 ha bãi bồi khoanh nuôi năm 2020.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm 2022, thiệt hại về kinh tế do thiên tai lên đến 4.000 tỉ đồng. Do đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trong tương lai, Việt Nam cần có nhiều giải pháp khẩn trương và thiết thực cần được triển khai. Một trong những giải pháp bền vững cần phải thực hiện là trồng và phục hồi rừng đầu nguồn.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Ban quản lý (BQL) VQG Mũi Cà Mau, chia sẻ về ý nghĩa và lợi ích của việc khoanh nuôi rừng ngập mặn, đồng thời lắng nghe những phản hồi và hỗ trợ giải đáp các thắc mắc từ phía bà con.
Bên cạnh những trải nghiệm tích cực khi tham gia khoanh nuôi rừng Cà Mau, không khỏi trăn trở trước những thiệt hại nặng nề do bão Noru gây ra, hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ mong muốn được góp sức giảm thiểu thiệt hại thiên tai cho mai sau.
"Những ngày gần đây, khi đồng bào miền Trung vẫn còn đang khắc phục hậu quả nặng nề do hoàn lưu bão Noru để lại, Hen không khỏi trăn trở. Đồng hành trồng rừng với Gaia trong gần một năm qua, Hen đã hiểu được rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế sạt lở, lũ quét và thiên tai. Tuy nhiên, hiện nay, ở khắp Việt Nam, vẫn còn rất nhiều diện tích rừng nghèo kiệt rất cần được phủ xanh", hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền chia sẻ "Biến đổi khí hậu đang làm cho thiên tai ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Gaia hiện đang triển khai chương trình trồng rừng Cà Mau để ứng phó với biến đổi khí hậu giảm thiệt hại thiên tai như xâm nhập mặn, bão lũ. Gaia cũng đang nỗ lực trồng rừng Bạch Mã, tạo tấm giáp chắn cho miền Trung. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một cuộc chạy đua dài sức và chúng ta phải liên tục đồng nỗ lực. Tôi hy vọng rằng sẽ có thêm sự chung tay từ cộng đồng để hợp sức trồng cây phủ xanh Việt Nam, vì một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn".
Theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc VQG Mũi Cà Mau, từ năm 2020 đến nay, Vườn đã phối hợp cùng Trung tâm Gaia thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Cà Mau. Sau 2 năm thực hiện, chương trình đã cho thấy sự hiệu quả, góp phần gia tăng diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa trong việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp với nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực về vai trò, ý nghĩa của rừng ngập mặn.
Hiện nay, trước tình hình bão lũ đang gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung yêu thương, Gaia đang tập trung kêu gọi góp cây cho rừng Bạch Mã để giảm nhẹ thiệt hại bão lũ trong tương lai. Bên cạnh đó, Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng và phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như VQG Mũi Cà Mau, VQG Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên...
Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đối với chương trình. Sự cộng hưởng, hợp lực của cộng đồng sẽ giúp tạo ra được những tác động tích cực to lớn, mang lại một môi trường sống trong lành, an toàn hơn cho tất cả.
Đinh Nam