Để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc trong thời gian vừa qua, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị nên bỏ đấu thầu thuốc. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, các bệnh viện công lập nên được hoạt động theo cơ chế như bệnh viện tư, có quyền quyết định mua sắm, đảm bảo mục tiêu lo cho người bệnh hài lòng, còn việc chi trả là do bảo hiểm y tế.
- Cần quy định rõ tình huống cấp bách trong y khoa để gỡ vướng cho đấu thầu thuốc
- Thiếu điều dưỡng trầm trọng, TPHCM đề xuất có thêm chức danh trợ lý điều dưỡng
Quanh năm suốt tháng phải lo chuyện đấu thầu thuốc
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội khảo sát về thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế vào ngày 7-10, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), cho biết thời gian vừa qua, các bệnh viện tốn rất nhiều công sức trong đấu thầu mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Trong khi đó, cán bộ y tế là những người có chuyên môn y tế, không có chuyên môn kinh tế, việc đấu thầu dễ dẫn đến sai sót, sai phạm.
Thời gian qua, ngành y tế đã mất nhiều người tài chỉ vì đấu thầu. Quanh năm suốt tháng, các bệnh viện cứ phải đấu thầu; thậm chí đấu thầu cả những vật dụng của hành chính quản trị. “Tại sao chúng ta cứ phải đấu thầu, trong khi đó quản lý tốt về giá thì không cần đấu thầu. Liệu có nên nghĩ phương án bỏ đấu thầu, thay vì đấu thầu chúng tôi tập trung chuyên môn, chăm sóc người dân?”, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức), cho biết hiện mỗi năm một bệnh viện mất từ 4-6 tháng để đấu thầu, rất tốn thời gian và con người. Vì vậy, bác sĩ Khanh kiến nghị trong luật cần kéo dài thời gian đấu thầu hằng năm thành 2 năm đấu thầu 1 lần, bởi hai năm chênh lệch giá không quá nhiều, trừ khi có dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần xem xét giao cho các tỉnh, thành đàm phán một số thuốc để rút ngắn thời gian, thậm chí cho một số bệnh viện đủ lực tham gia đàm phán giá.
Mong muốn bệnh viện công được như bệnh viện tư
Nói về những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở y tế đang gặp, bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội kiêm Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết trong nhiều năm qua, việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế chủ yếu để tìm nguồn thuốc giá rẻ. Tuy nhiên, trên thực tế thuốc rẻ nhất chưa hẳn là thuốc tốt nhất. Không những vậy, hệ lụy của việc đấu thầu ngoài mất nhiều thời gian, công sức; đặc biệt mất cả những người giỏi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Để tháo gỡ vướng mắc, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng nên mạnh dạn đặt ra vấn đề tại sao phải đấu thầu. Đấu thầu có phải là biện pháp duy nhất và tối ưu nhất hay không; trong khi mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng bày tỏ: “Ước gì các bệnh viện công lập được hoạt động theo cơ chế giống như các bệnh viện tư nhân. Họ được quyền định đoạt mua sắm, miễn sao đảm bảo mục tiêu lo được cho bệnh nhân hài lòng, còn chi trả là do bảo hiểm y tế”.
Tuy nhiên, chi trả làm sao cho đúng theo giá thị trường thì phải xem lại cơ chế hoạt động, phát triển mô hình y tế cơ bản, bảo hiểm y tế dịch vụ. Không thể đòi hỏi chuyện ngon, bổ mà lại rẻ, bà Lan chia sẻ và khẳng định trong kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra bà sẽ tiếp tục đưa luận điểm này vào Nghị trường; đồng thời sẽ đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế giao quyền định đoạt mua sắm về cho các bệnh viện và đưa vào trong luật để không bắt buộc phải qua đấu thầu, mà có nhiều cơ chế cho cơ sở y tế lựa chọn hình thức đấu thấu.
Qua các chương trình khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến hoạt động của ngành y tế thành phố gồm chính sách, biên chế, nghỉ việc, cũng như tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Đoàn sẽ có văn bản kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và UBND TPHCM để hoàn thiện hơn dự thảo Luật đấu thầu; dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); từ đó giúp công tác khám, chữa bệnh cho người dân được tốt hơn.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online