Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM, những người tiếp xúc gần với ca bệnh đã được theo dõi chặt chẽ, không ghi nhận triệu chứng nghi ngờ. Vì vậy, nguy cơ lây lan từ ca bệnh này là rất thấp. Tuy nhiên, với mức độ giao lưu tiếp xúc như hiện nay, việc xuất hiện thêm ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập là có thể xảy ra.
- Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam có nguồn lây từ nước ngoài
- Kích hoạt đo thân nhiệt tại cửa khẩu để giám sát ca mắc đậu mùa khỉ
Ngày 6-10, tại buổi họp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội ở TPHCM, trả lời thắc mắc liệu rằng có thêm những ca mắc đậu mùa khỉ trong thời gian sắp tới hay không, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết với mức độ giao lưu tiếp xúc như hiện nay, việc xuất hiện thêm một ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập là có thể xảy ra. Vì vậy, hệ thống giám sát vẫn tiếp tục được tăng cường, củng cố chặt chẽ từ hệ thống giám sát tại sân bay, cũng như tại tất cả phòng khám, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Thông tin về ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM, bà Nga cho biết thành phố đã phát hiện ca này vào cuối tháng 9 vừa qua. Cụ thể, bệnh nhân đến khám vì một bệnh lý khác. Sau đó, bác sĩ đánh giá có yếu tố nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ nên lấy mẫu làm xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, người này đã được đưa vào cách ly; đồng thời những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng được lập danh sách và theo dõi chăm sóc sức khỏe trong vòng 21 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bệnh nhân này đã đi ra nước ngoài, đến khi về nước có những triệu chứng nghi ngờ thì bệnh nhân đi vào bệnh viện ngay. HCDC ghi nhận đây không phải là nguồn lây trong nước, bệnh nhân này đã phơi nhiễm ở nước ngoài.
Đến thời điểm này đã 11 ngày, kể từ khi bệnh nhân được cách ly. “Những người tiếp xúc gần cũng được theo dõi chặt chẽ và không ghi nhận các triệu chứng nghi ngờ. Vì vậy nguy cơ lây lan từ ca bệnh này là rất thấp, có thể là không có trong cộng đồng”, đại diện HCDC thông tin.
Theo đại diện HCDC, đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới. Đậu mùa khỉ đã có ở châu Phi từ rất lâu và được xem là bệnh lây truyền cục bộ ở nơi đây. Tuy nhiên đến năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện với đặc điểm dịch tễ có ở châu Âu và châu Mỹ; cũng như xuất hiện ở một số đối tượng có đặc điểm nguy cơ như người đồng giới, người có quan hệ tình dục đồng giới…
Trước tình hình đó, ngành y tế TPHCM đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế, phòng khám chuyên phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bởi bệnh này có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lây qua đường tình dục.
Song song với hệ thống giám sát nội địa, ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, HCDC đã triển khai hoạt động giám sát đối với những người có triệu chứng sốt hoặc qua thông tin khai báo có các vấn đề nghi ngờ sẽ được kiểm tra, tư vấn đánh giá. Trường hợp có triệu chứng nghi ngờ sẽ xử lý theo quy trình hướng dẫn giám sát phòng chống dịch.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online