Phó thủ tướng chính phủ cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành và địa phương sẽ khảo sát, đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng của sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận).
Thêm vào đó là nghiên cứu khả năng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư với nhiều sân bay như Vinh, Chu Lai và Cần Thơ.
- Tuyên Quang xin đầu tư sân bay gần thắng cảnh Na Hang
- 31 sân bay quốc tế và nội địa sẽ nằm tại các địa phương nào?
Hôm qua (22-9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg về thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Tổ công tác sẽ khảo sát, đánh giá vị trí, vai trò, hiện trạng hạ tầng, đất đai cùng nhiều điều kiện khác để đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng; ảnh hưởng tới việc tổ chức, khai thác, nhu cầu vận tải của các sân bay lân cận.
Thêm vào đó là đề xuất phương án đầu tư, tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung quy hoạch các sân bay trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng trong quý 4 tới.
Với các cảng hàng không gồm Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác, tổ công tác sẽ nghiên cứu đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.
Theo quyết định trên, tổ trưởng tổ công các là Phó thủ tướng Lê Văn Thành, 2 tổ phó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Trường Sơn. Các tổ viên là đại diện của nhiều bộ, ngành liên quan cùng UBND tỉnh, thành phố có các sân bay trên.
Theo nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, cả nước sẽ có 28 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 14 cảng hàng không quốc nội.
Trong giai đoạn này, mạng lưới cảng hàng không, sân bay được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực thủ đô Hà Nội và khu vực TPHCM, hình thành 28 cảng hàng không.
Trong đó, có 14 cảng hàng không quốc tế là Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc và 14 cảng hàng không quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Quy hoạch trên cũng tính đến năm 2050, cả nước sẽ có 31 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 17 cảng hàng không quốc nội.
Minh Duy
Theo KTSG Online
Dù đã biết rằng đã có sân bay tân sơn nhất và long thành nhưng Dân số khu vực các tỉnh phí nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, BRVT, tây ninh, Bình phước, Long An cộng lại cũng gần 20 triệu dân và tương lai mức sông người dân ngày một tăng cao nên nhu cầu tiếp cận đi lại bằng phương tiện hàng không là không hề nhỏ, bên cạnh đó công nghiệp phát triển nhu cầu hàng hóa vận tải hàng không cảu các tỉnh ngày một tăng cáo, việc tận dụng sân bay quân sự biên hòa vào khai thác hàng không dân dụng để gánh tải cho tsn và long thành vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa làm kinh tế khi thời bình, nếu không tận dụng sân bay biên hòa thật sự là đã lãng phí mất một sân bay lớn. Thiết nghĩ các bộ ban ngành liên quan và VATM nên rà soát tổ chức lại vùng trời quĩ đạo bay hợp lý là có thể khai thác cùng lúc 3 sân bay này