Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Bẻ, nắn xương khớp nghe “rắc rắc” để trị cơn đau, có phải phương pháp hiệu quả?

(SGTT) – Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội chăm sóc sức khỏe gần đây thường xuất hiện nhiều cơ sở và dịch vụ giúp người bệnh nắn chỉnh xương khớp với quảng cáo là điều trị dứt điểm cơn đau. Theo chuyên gia, phương pháp bẻ, nắn xương khớp đã có từ lâu, tuy nhiên người bệnh cần hiểu đúng để đem lại hiệu quả trị liệu kết hợp với các phương pháp chữa cần kê đơn thuốc hay thực hiện phẫu thuật.

Bẻ, nắn xương khớp là gì?

Theo bác sĩ Trần Định, Giám đốc trung tâm trị liệu và hồi phục sức khỏe thể thao Doctor Sport, nếu chỉ nói đến phương pháp bẻ, nắn xương khớp để trị các bệnh về xương khớp thì y học Đông Phương có phương pháp gọi là trật đả. Có thể hiểu trật đả là việc đả thông lại những chỗ trên cơ thể bị chấn thương trong lúc vận động, thi đấu, luyện tập võ thuật. Còn nhắc đến trị liệu thần kinh và cột sống thì đây chính là phương pháp mà y học Tây Phương gọi là Chiropractic, nó sẽ tác động vào vị trí sai khớp đã được chẩn đoán.

Cụ thể, bác sĩ Chiropractic dùng tay tác động một lực nhằm khôi phục cấu trúc sai lệch trong khớp cột sống, giải phóng đĩa đệm và loại bỏ áp lực chèn ép lên dây thần kinh. Nhờ đó, người bệnh có thể thoát khỏi cơn đau mãn tính. Phương pháp này thường được ứng dụng vào việc tác động vào cơ thể giúp chữa lành nhiều vấn đề về cột sống, cơ xương khớp mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.

Được biết, Chiropractic ra đời vào năm 1895 tại Mỹ và hiện đang phổ biến tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. Chiropractic giúp chữa trị hiệu quả các bệnh lý liên quan cơ xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống, vẹo cột sống, chứng bàn chân bẹt, đau thần kinh tọa, đau vai, đau đầu, đau đầu gối…

Phương pháp Chiropractic giúp điều trị các bệnh lý về xương khớp. Ảnh minh họa

Nguyên lý hoạt động của Chiropractic là dựa trên mối quan hệ thần kinh và cơ thể để chữa lành cơn đau tự nhiên. Cụ thể, bằng các kỹ thuật nắn chỉnh chuyên khoa được đào tạo, bác sĩ sẽ dùng tay để điều chỉnh các sai lệch trong cột sống và hệ xương khớp trở lại đúng vị trí, nhờ đó giải phóng sự chèn ép dây thần kinh, cắt cơn đau tận gốc và giúp cơ thể quay trở lại trạng thái cân bằng.

Trên thực tế, có không ít người nhầm lẫn giữa trật đả (Đông y võ thuật) và phương pháp trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic). Tuy nhiên, cần phân biệt rõ đây là hai phương pháp điều trị khác nhau.

“Ở Việt Nam thường có sự ngộ nhận hoặc không phân biệt rõ ràng giữa hai phương pháp này để người bệnh hiểu sai. Khác biệt giữa bác sĩ chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic) và bác sĩ cơ xương khớp đó là bác sĩ Chiropractic không kê đơn thuốc hay thực hiện phẫu thuật”, ông Định nhấn mạnh.

Hiện nay, phương pháp nắn chỉnh, trị liệu thần kinh cột sống Chiropractic là phương pháp an toàn, phù hợp với nhiều lứa tuổi, ngay cả với bệnh nhân là người già và trẻ em. Tuy nhiên, Chiropractic không được chỉ định cho các bệnh nhân bị u cột sống, loãng xương, và cao huyết áp, bác sĩ cho hay.

Cẩn thận khi tự ý xoay vặn nghe “rắc rắc”

Chuyên gia nhấn mạnh để chấm dứt cơn đau cơ xương khớp, ngoài việc thăm khám kỹ về lâm sàng để nghiên cứu bệnh sử, nguyên nhân gây bệnh... thì người bệnh cần được chỉ định thực hiện các biện pháp cận lâm sàng, xét nghiệm cần thiết như chụp X - Quang, MRI, đo mật độ xương rồi kết hợp với nhiều liệu pháp khác nhau mới mang lại hiệu quả như ý muốn. Các phương pháp khác có thể kể đến như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng bằng thiết bị hiện đại, kéo giãn giảm áp cột sống, vận động trị liệu, dinh dưỡng trị liệu, hoạt động trị liệu... nhằm đẩy nhanh tiến độ phục hồi, giúp người bệnh khôi phục khả năng vận động.

Muốn điều trị bằng Chiropractic đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn tối ưu người bệnh nên tìm đến bệnh viện, phòng khám, trung tâm đáng tin cậy, hợp pháp. “Sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh nếu lựa chọn sai địa điểm chữa trị, vì chỉ cần thao tác nắn chỉnh nhỏ không đúng kỹ thuật thì đều có thể gây ra hậu quả khôn lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng”, ông nói thêm.

Lý giải tiếng kêu “rắc rắc” khi ta thực hiện nắn chỉnh, xoay vặn các khớp trên cơ thể người, chuyên gia giải thích đó là do các bọt khí vỡ ra trong chất lỏng hoạt dịch của vùng khớp. Trên thực tế, khi các bác sĩ chuyên khoa thực hiện thao tác nắn chỉnh không tạo ra âm thanh, nhưng không có nghĩa là việc nắn chỉnh không hiệu quả.

Chuyên gia thực hiện động tác nắn chỉnh để hồi phục xương khớp cho người bệnh. Ảnh: Trần Định

Tuy nhiên, nếu cố gắng xoay vặn, thực hiện các động tác sai để tạo ra âm thanh “rắc rắc” sẽ mang đến nhiều hậu quả đáng ngại như gây bất ổn định vùng khớp; hội chứng cột sống vì tác động lực sai cách hoặc cố xoay vặn để tạo ra âm thanh đều gây ra sai lệch trên hệ xương cột sống, một số trường hợp gây chèn ép lên dây thần kinh gây đau, sưng, viêm; chèn ép tủy sống với biểu hiện đau, tê vùng cổ, lưng lan xuống cánh tay hoặc chân; ảnh hưởng các động mạch vùng cổ tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ nhấn mạnh phần lớn các bệnh cơ xương khớp rất khó điều trị khỏi hoàn toàn. Do đó, ta cần có biện pháp chủ động phòng ngừa và bảo vệ xương khớp khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi thông qua các yếu tố sau như dinh dưỡng, vận động thể chất, thói quen sinh hoạt.

“Chúng ta cần có kế hoạch khám tổng quát các cơ quan nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nhờ việc bệnh lý cơ xương khớp được phát hiện sớm mà bác sĩ có thể giúp người bệnh đưa ra phương án điều trị tối ưu nhằm thuyên giảm bệnh cơ xương khớp cao hơn, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra”, ông Định nói thêm.

Để phòng ngừa và bảo vệ xương khớp khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi, bác sĩ khuyên mọi người đều nên:

  • Về dinh dưỡng, nên có chế độ giàu canxi, vitamin và dưỡng chất. Ví dụ thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt, cá, tôm, không bỏ qua rau quả cung cấp các vitamin nhóm B, C, E, khoáng chất kali, magie. Trong khả năng, ta có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp.
  • Về vận động thể chất, bất kỳ ai cũng nên tập luyện luyện thể thao, vận động tay chân với cường độ vừa phải giúp cơ bắp và xương chắc khỏe hơn, đồng thời giúp lưu thông máu tốt hơn. Lưu ý, chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe, không nên luyện tập quá sức gây áp lực lên xương khớp. Đồng thời, ta phải kiểm soát cân nặng hợp lý vì tình trạng béo phì sẽ làm tổn thương tới các khớp, việc tăng cân hay giảm cân đột ngột cũng gây áp lực lên khung xương, khớp trên cơ thể người.
  • Cuối cùng, về thói quen sinh hoạt, bác sĩ lưu ý hạn chế mang vác vật nặng, sinh hoạt sai tư thế trong cuộc sống hằng ngày và nên duy trì nhịp sống ngủ nghỉ, ăn uống khoa học.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đau nhức xương khớp mùa Tết: xử trí ra sao?

0
(SGTT) - Cường độ làm việc cao, tất bật dọn dẹp nhà cửa cộng thêm thời tiết thay đổi thất thường vào dịp Tết...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Nguy cơ biến chứng khi...

0
(SGTT) - Việc tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào khớp giúp các triệu chứng sưng đau khớp giảm đi, giúp cải thiện vận...

Bản tin 360 độ sống khoẻ: Sai lầm khiến bệnh đau...

0
(SGTT) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau cổ gáy, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là do đầu để lâu ở...

Bản tin 360 độ sống khoẻ: Cảnh báo nguy cơ thoái...

0
(SGTT) – Theo các chuyên gia thể thao, một số môn thể thao gây áp lực nhiều lên khớp, có thể kể đến như...

Bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa ở dân văn...

0
(SGTT) - Thời gian làm việc cố định 8 tiếng mỗi ngày, không có thời gian rèn luyện thân thể, lười vận động, cường...

Hai bệnh nhân mắc bệnh lý cột sống nặng bình phục...

0
(SGTT) - Trước đây, các trường hợp bệnh nhân bị tổn thương cột sống, sẽ phải xử lý theo phương pháp mổ hở, bệnh...

Kết nối