Thứ tư, Tháng tư 23, 2025

Nhân vật lười biếng cũng nổi tiếng

Xưởng phim hoạt hình Sanrio cho ra đời Gudetama vào năm 2013 và nhân vật này chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một linh vật đầy quyền lực ở nhiều quốc gia châu Á. Điều đáng bàn là Gudetama không phải một nhân vật được sinh ra để truyền tải những điều tích cực như Hello Kitty - đàn chị cùng cha đẻ cách đây 20 năm.

Quả trứng lười biếng và sự đồng cảm

Được kết hợp từ chữ gude có nghĩa là uể oải và tamago nghĩa là trứng, Gudetama là một quả trứng biếng nhác, luôn trong tình trạng thiếu sức sống, mệt mỏi, trì trệ. Quả trứng được nhân cách hóa này là đàn em của hàng loạt nhân vật dễ thương như Hello Kitty, ếch xanh Kerokerokeroppi, chim cánh cụt TuxedoSam... cùng công ty cha đẻ. Thế nhưng, ngược lại với các anh chị hầu hết đều mang một nhiệm vụ là truyền tải sự tích cực, yêu đời tới mọi người, Gudetama dường như chỉ biết lười biếng và than thở.

Tính cách mà Sanrio gán cho Gudetama không hề tích cực. Anh chàng thích nằm dài trên giường cả ngày, hầu như không di chuyển. Nếu “bị ăn”, Gudetama cũng chỉ thở dài và chấp nhận số phận, thay vì vùng lên đấu tranh. Câu cửa miệng của quả trứng lười biếng này luôn là “buồn ngủ quá”, “mệt ghê”, “chẳng muốn làm gì”... Anh chàng lười đến mức không muốn hắt hơi, không muốn bị chiên, không muốn ra khỏi cái vỏ của mình. Gudetama thích nhất là được cuộn mình trong cái vỏ, hoặc dùng thịt xông khói làm chăn đắp, phơi mông trên lòng trắng của mình như thể nằm trên nệm và không quên lèm bèm: “Thế giới lạnh lẽo quá, phải làm sao đây?”

Mặc dù là một “ma mới”, nhưng không vì thế mà Gudetama bị lép vế. Ngược lại, anh chàng có khối lượng người hâm mộ rất lớn. Gudetama có riêng một bộ phim hoạt hình về mình, mỗi tập chỉ dài có vài chục giây nhưng thu hút lượng khán giả vô cùng lớn. Giọng lồng tiếng đáng yêu, tạo hình đơn giản nhưng dễ thương và bắt mắt, cộng với tính cách có phần “lầy lội” là những yếu tố khiến Gudetama hấp dẫn khán giả và người hâm mộ.

Tính sơ sơ những video re-up (đăng lại) trên các tài khoản không chính thống cũng thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Trên Twitter (một mạng xã hội dùng chia sẻ tin ngắn), Gudetama có tới hơn một triệu lượt theo dõi dù dòng trạng thái anh chàng đưa lên vẫn chỉ là than vãn: “Tớ chẳng thích viết tweet mỗi ngày tí nào, mệt lắm! Tớ làm vì cấp trên bảo thế, cơ mà tớ biết mình sớm muộn gì cũng bị ăn thôi”.

Ở Hàn Quốc, anh chàng còn là “đại diện thương hiệu” cho một dòng sản phẩm trang điểm mang tên mình. Đó là sự kết hợp giữa Sanrio và hãng Holika Holika nhằm phát triển dòng mỹ phẩm đơn giản, dễ dùng, tiết kiệm thời gian, y hệt như tính cách anh chàng này.
Bên cạnh đó, Gudetama xuất hiện trên hơn 1.700 loại sản phẩm, trong đó có bút chì, gấu bông, quần áo, vali, sổ bút, sách vở… Sanrio cũng đã ký hợp đồng với nhà hàng Plan Check’s ở Los Angeles (Mỹ) để đưa thêm ba món Gudetama vào thực đơn của họ.

20 năm trước, khi Sanrio đưa ra hình ảnh chú mèo Hello Kitty không có miệng, là người bạn của các bé gái với phương châm luôn sẵn sàng lắng nghe và không phán, cộng đồng hâm mộ chú mèo này đã nhanh chóng phát triển rộng khắp châu lục. Đến nay, sự hấp dẫn của Gudetama không đơn thuần chỉ dựa vào hình ảnh đáng yêu, tính cách kỳ dị, đặc biệt, mà nằm ở chỗ thấu hiểu nhu cầu bên trong của con người vào mỗi thời đại.

Tiếng nói trong mỗi người

Để có một nhân vật trở thành biểu tượng xuyên quốc gia, không phải cứ bám vào những mô-típ như anh hùng, tài giỏi, kiên định... là thành công. Trên thực tế, có rất nhiều nhân vật hoạt hình hay biểu tượng được sản xuất mỗi năm song không nhiều trong số đó có ảnh hưởng rộng khắp.

Khi Hello Kitty ra đời, chú mèo không miệng chân thành là kết quả của một sự nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu của đối tượng chính. Con người thiếu sự lắng nghe chân thành, họ khao khát có một ai đó chịu để mình lải nhải những chuyện vô thưởng vô phạt, than thở mỏi mệt, khóc lóc buồn bã, dù có thể mình là người sai mà vẫn không bị trách móc, phán xét.

Tới lượt Gudetama, dù luôn là một nhân vật tiêu cực, nhưng trái tim yếu đuối, nhạy cảm, mệt mỏi của chàng trứng khiến người xem thấy mình trong đó. Hàng triệu người trên thế giới này đã từng trải qua ngày dài làm việc căng thẳng, chỉ mong được nằm ườn lười biếng trên giường, thở than mỏi miệng, bỏ cuộc và thất bại. Có thể nói, Gudetama là cuộc cách mạng về sự cảm thông.

Gudetama không phải là nhân vật có tính cách tiêu cực duy nhất. Trước nó cũng có Mimikyuu trong Pokémon Sun - chú chó u buồn có ngoại hình giống Pikachu; hay một linh vật có hình cục phân đáng yêu làm bạn với những người mắc bệnh tiêu hóa khó nói.
Có câu chuyện đi kèm về sự ra đời của Gudetama lan truyền trong giới làm hoạt hình (anime) rằng, nhà thiết kế của thương hiệu này - Amy - đã liên tưởng đến thế hệ Satori khi sáng tạo ra Gudetama. Satori là thế hệ có tài nhưng buông bỏ mọi thứ, không dục vọng, không cố gắng, không nỗ lực làm gì. Thế hệ chán chường này là hệ quả của Internet, mạng xã hội, kết nối ảo... khiến con người trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong thế giới của chính mình.

Gudetama trở thành đồng minh của bất kỳ ai từng có một khoảng thời gian mỏi mệt, mất phương hướng, là tiếng vọng từ bên trong của chính bạn, khi bạn không thể đường hoàng nói ra điều mình cảm thấy. Đó cũng chính là lý do quả trứng dễ thương và hay mệt mỏi này sở hữu tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy.

Hà Bi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Toàn cầu hóa 2.0 mở ra thế cân bằng mới

0
(SGTT) - Việc Mỹ áp thuế “đối ứng” 10% với hầu hết hàng nhập khẩu và đến 145% với hàng Trung Quốc được xem...

Khoảng 13.000 hộ kinh doanh ở TPHCM sẽ phải khởi tạo...

0
(SGTT) - Từ ngày 1-6, hộ kinh doanh có doanh thu khoán từ 1 tỉ đồng/năm trở lên, thuộc 6 nhóm ngành nghề theo...

Khuyến cáo người dùng không sử dụng 12 loại sữa giả,...

0
(SGTT) - Bộ Công an khuyến cáo người dân không sử dụng 12 sản phẩm sữa đã được xác định là hàng giả và...

Bữa trưa văn phòng thơm lừng với cánh gà nướng chao

0
(SGTT) – Nếu đã quen với vị cánh gà chiên nước mắm, gà nướng mật ong hay gà sốt cay Hàn Quốc thì cánh...

Những kỷ vật gắn với ngày 30-4-1975 tại Bảo tàng Lịch...

0
(SGTT) – Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843, xe Jeep số 15770, cùng bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”......

Nghe đầu bếp ‘Michelin’ kể chuyện món mì xứ Quảng

0
(SGTT) - Trong bài viết mới đăng tải trên trang chủ Michelin Guide, các đầu bếp đang điều hành những nhà hàng nhận được...

Kết nối