Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Cái gạt tàn ngoài hiên chưa… tàn

Dịp thi đại học vừa qua, ông Hoàng Thái – bạn tôi kể, ở Trảng Bom, Đồng Nai, ông Tư hàng xóm có đứa con gái út đi thi, ông Tư đặt cược, “con mà thi đậu keo này, ba bỏ thuốc lá!”. Chưa biết kết quả ra sao, nhưng xem ra cuộc cá độ này cũng lạ đời – không có kẻ thắng, người thua mà chỉ có cùng thua hay cùng thắng – cuộc cá độ đầy tính nhân văn.

Bởi con thi đậu, ông Tư sẽ phải nỗ lực để bỏ hút thuốc. Bỏ được, ông Tư... cũng thắng, thắng cái thèm muốn “bệnh hoạn”, thắng lấy chính mình, vượt qua được cơn cám dỗ “đê mê sảng khoái” của khói thuốc. Và động lực để ông cương quyết với bản thân mình, chính là con đậu vào đại học.

Để người nhà không bị nhiễm khói thuốc

Theo người bạn tôi, đứa con trai lớn của ông Tư cũng hút thuốc, chỉ đứa út này nó phản ứng ba nó dữ lắm về cái tội... hút thuốc và nhất là hút thuốc trong nhà; bởi khoảng chục năm trước ông từng bị bệnh phổi. “Ông Tư rất thường sang ghế đá trước sân nhà tôi ngồi hút thuốc, hút trong nhà ảnh hưởng lắm!”, ông Hoàng Thái nói. Thế là, ông Tư và ông Thái – bạn đồng lưu trên cái “bàn đèn” với cái gạt tàn trước sân nhà này – nơi gặp gỡ, ngày ngày tán dóc, phì phà thuốc lá.

Cũng vậy, ông Tô Văn Mã nhà ở quận 10 nghiện thuốc lá đã hơn 30 năm qua, về nhà có ba nhân khẩu, mỗi lần hút thuốc ông phải ra ban công đóng cửa kín lại mà... hành sự. “Mình lỡ ghiền rồi thì chịu, chớ tôi biết, hút thuốc thụ động là hít phải hay bị phơi nhiễm bởi khói thuốc rất tai hại, còn độc hơn là mình hút” – ông Văn Mã trần tình – lúc trước, ông còn lấy cái ghế tựa, cái gạt tàn ra cùng, ngồi ngâm nga, “nhiều khi cũng thú lắm, làm hai điếu một lúc, giờ sợ quá, dẹp luôn ghế, đứng hút lẹ mà vô!”.

Trong thiết kế kiến trúc nhà ống, nhất là ở các thành phố, kiến trúc sư luôn nghĩ suy để “binh” – tổ chức cái không gian thờ tự nằm ở vị trí nào thích hợp. Giằng co việc này giữa kiến trúc sư với gia chủ luôn là “điểm nóng” trên bản vẽ. Quen thuộc, thiết kế ở tầng trệt chung với phòng khách thì nhang khói ngợp, không khí ô nhiễm mà ít trang trọng. Đưa lên tầng trên, gần trung tâm ngôi nhà kết hợp cùng không gian sinh hoạt chung gia đình - có vẻ hợp lý nhưng khói nhang cũng dập dờn khó thoát. Giải pháp mà nhiều gia chủ và kiến trúc sư hài lòng nhất là đưa hẳn lên tầng trên cùng, tạo không gian thờ tự, vừa kín đáo, yên tĩnh riêng tư vừa lưu thoát nhang khói tốt; không gây ảnh hưởng các không gian khác trong ngôi nhà. Và, người hút thuốc lá có thể mượn ở đây để mặc sức nhả khói; ngay cả, làm nơi tổ chức tiệc tùng có nhiều bạn... hút.

1001 lý do để hút và cai

Chính tôi cũng là con ma... hút, toan bỏ thuốc lá không biết bao lần nhưng đều “ngã ngựa”, về nhà cũng ra đầu ngõ hút lén; hay người nhà ở tầng dưới, mình lẻn lên lầu chỏ miệng ra cửa sổ mà... phà khói. Nhớ câu chuyện vui như thể nó “ứng” với mình! Chuyện rằng, có ông ma men một thời gian dài cứ ở lì trong nhà để cai rượu. Sau cả tháng, ông bảo, vậy đã ngon lành rồi, nhưng mình phải đi ngang quán rượu thường uống mà mình không vào mới hay chớ! Ông quyết đi dạo ngang quán vài vòng, vẫn không thấy có động lực gì lôi kéo sự thèm uống; ông bèn ngoái lại quán để... thưởng một xị!

Chuyện nghiện ngập, chao ôi đủ cách để biện minh. Và, để cai cũng lắm chiêu để giành giựt lấy sức khỏe, sức sống cho mình. Trên Internet chia sẻ nhiều phương cách, “Tôi bọc gói thuốc trong một bao nylon và chôn nó dưới đáy một chậu hoa đặt ở sân sau. Mỗi lần thèm thuốc, tôi phải tìm cái xẻng nhỏ đào nó lên, rút một điếu, rồi gói ghém và chôn nó trở lại. Cứ hạ quyết tâm cố tình làm mọi việc phiền phức như vậy mà cuối cùng tôi đã bỏ được thuốc”, Pat Owen sống ở New York tâm sự. Hay, “ Bạn tôi nói với tôi rằng, nếu tôi bỏ thuốc lá trong vòng 1 tháng thì cậu ấy sẽ đãi tôi một bữa thịnh soạn tại nhà hàng nướng danh tiếng Peter Luger ở Brooklyn. Là một người háo thắng, tôi chấp nhận lời thách đố. Phải mất đến 9 tháng tôi mới có được bữa ăn đó. Thật buồn cười, nhưng dù sao tôi cũng đã bỏ được thuốc lá”.

Kết quả thi cử con ông Tư ở Trảng Bom ra sao, chưa biết. Nhưng hy vọng hai cha con ông cùng thắng trong cuộc độ này. Chí ít, ông Tư cũng thắng cuộc bằng mọi giá, dù “đề thi” này của ông khá chông gai.

[box type="bio"] Theo một báo cáo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2010: “Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, trong đó 67,6% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức ở Texas, Mỹ cho biết, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, hàng năm có trên 50.000 người chết và 3.000 người bị ung thư chỉ vì sống chung hoặc tiếp cận với không khí nhiễm độc tỏa ra từ người hút thuốc lá.[/box]

Nguyễn Tục Ngữ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra hơn 108.000...

0
(SGTT) - Theo Bộ Y tế, ước tính thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ...

‘Vaping’ không phải là ‘hút thuốc lá’!

0
(SGTT) - Lời mở đầu: Tôi cố tình tô đậm từ “Vaping” và không muốn dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt mặc dù nhiều...

Cảnh báo ma túy ‘núp bóng’, đề xuất cấm toàn bộ...

0
Tại hội thảo về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức, đại...

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt...

0
Trong đề án xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ngoài nội dung...

Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31-5: Bỏ thuốc lá...

0
(SGTT) - Thuốc lá gây hại cho con người, không chỉ với người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung...

Cần có khung chính sách để quản lý thuốc lá thế...

0
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rất chặt về biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá và quản...

Kết nối