(SGTT) - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là khu vực trưng bày và giới thiệu về văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam và khu vực các nước trong Đông Nam Á. Bảo tàng tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 4,5 ha, bao gồm ba khu trưng bày: tòa Trống đồng, tòa Cánh diều và vườn Kiến trúc.
- Cuối tuần đi đâu: Săn mây phố biển Nha Trang từ chùa Suối Ngổ
- Cuối tuần đi đâu: Vi vu khám phá 5 điểm check-in ấn tượng tại Hà Nội
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm tại đường Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Tòa Trống đồng
Tòa nhà được thiết kế mô phỏng theo hình chiếc trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của nền văn minh sông Hồng thời kỳ Hùng Vương dựng nước.
Tòa Trống đồng gồm hai tầng với tổng diện tích trưng bày 2.000 m², phần lớn không gian trưng bày về 54 dân tộc Việt Nam, được thể hiện bằng hàng loạt hiện vật, phim, ảnh dân tộc học cùng các khu vực tái tạo sống động.
Các khu vực trưng bày đều được thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết, có chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Việt để khách du lịch có thể dễ dàng theo dõi.
Tòa Cánh diều
Tòa Cánh diều gồm bốn tầng, được thiết kế mô phỏng theo hình cánh diều, một nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Tầng 1 của tòa Cánh diều gồm khu trưng bày Văn hóa Đông Nam Á. Tầng 2 gồm khu trưng bày tranh kính Indonesia, một thoáng châu Á và vòng quanh thế giới. Tầng 3 hiện đang trưng bày Di sản nghệ thuật Iran.
Không gian rộng lớn và màu trắng chủ đạo cũng sẽ là một khu vực chụp hình lý tưởng cho khách tham quan.
Vườn Kiến trúc
Đây là khu vực ấn tượng đối với khách du lịch đến với bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Khu vườn Kiến trúc bao phủ bởi màu xanh của cây cối, có suối nhân tạo, khu vực thủy đình và các công trình kiến trúc của các dân tộc Việt Nam như khuôn viên nhà người Chăm, nhà người Việt, nhà rông Bana, nhà dài Ê-đê...
Khách du lịch có thể trực tiếp bước vào những ngôi nhà để trải nghiệm, không gian được thiết kế chi tiết đến từng vật dụng hàng ngày.
Bảo tàng cũng có những sự kiện như múa rối nước dân gian vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần; nhiều buổi trình diễn văn hóa phi vật thể vào những dịp như: Tết Nguyên đán, Ngày quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu… Khách du lịch có thể theo dõi thêm thông tin trên website của bảo tàng Dân tộc học.
Bảo tàng mở cửa hàng ngày, từ 8:30 đến 17:30, đóng cửa ngày thứ Hai và Tết Nguyên đán. Giá vé tại đây 40.000 đồng/lượt, sinh viên là 20.000 đồng/lượt, học sinh là 10.000 đồng/lượt.
Bên cạnh đó, khách tham quan có thể chọn thêm gói thuyết minh bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt với mức giá từ 50.000 - 100.000 đồng để trải nghiệm đầy đủ hơn.
Trang Trang