Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Nhân viên công sở hóa “người sắt” trong ba môn phối hợp bơi đạp chạy

(SGTT) – Với đặc thù công việc hơn tám tiếng mỗi ngày, anh Trần Đình Minh Anh, 34 tuổi, là nhân viên văn phòng, vẫn ghi thành tích nổi bật trong những cuộc thi Ironman nội dung ba môn phối hợp (bơi, đạp, chạy). Tháng 9 sắp tới, anh sẽ là người châu Á duy nhất tham gia cự ly Double Ironman tại Áo.

Bén duyên vì muốn giảm cân

Nhìn lại hình ảnh của mình từ những năm 2013, khi vẫn còn là một nhân viên ngân hàng, anh Trần Đình Minh Anh kể lại đó là hành trình anh tự tìm sự lột xác khỏi bộ dạng của một anh chàng ù lì, chậm chạp. Anh đã đến với chạy bộ vì ý định muốn giảm cân từ năm 2015. Mãi đến đầu năm 2016, khi biết đến giải Ironman 70.3 đầu tiên nhờ người sếp đã từng tham gia truyền động lực, anh đã thử đăng ký và bắt đầu tập luyện, học bơi ếch trong hai tháng trước ngày thi đấu giải Ironman 70.3.

Sau giải đầu tiên 2016 diễn ra tại Đà Nẵng, anh đã hoàn thành chặng đua 113km trong thời gian 6 giờ 30 phút. “Khoảnh khắc tôi lao mình qua vạch đích, tôi liền nghĩ đến những mục tiêu khác xa hơn. Và đó cũng là cơ duyên tôi gắn bó với ba môn phối hợp đến tận bây giờ. Tôi nhớ lúc đấy tại Đà Nẵng rất ít người Việt Nam tham gia mà chỉ toàn vận động viên quốc tế. Đó là Thời điểm tôi nghĩ mình làm được và nên làm điều gì đó lớn hơn để tiên phong”, anh tâm sự.

Anh Minh Anh trên cự ly thi đấu đạp xe. Ảnh: NVCC

Ngay sau đó, anh đăng ký tham gia cự ly Ironman 140.6 ở Malaysia có cự ly bơi biển 3,8km, đạp xe 180km và chạy bộ 42km và may mắn hoàn thành trong 16 giờ 53 phút. Anh bắt đầu niềm đam mê tham gia các cuộc thi Ironman hằng năm và nâng cao thành tích bơi đạp chạy của mình. Anh chia sẻ sau khi đến với thể thao, không chỉ cơ thể anh thay đổi mà nội tâm cũng phát triển theo chiều hướng tích cực.

Theo anh, ba môn bơi đạp chạy đòi hỏi rất nhiều ý chí và sự kiên trì của người chơi, sở dĩ anh không dừng lại ở môn chạy hay đạp hoặc bơi mà kết hợp lại là vì sự thử thách khiến người tham gia “lì” hơn sau mỗi cuộc đua. Đó có thể là lý do ra đời tên gọi vui “người sắt” Trần Đình Minh Anh cho đến bây giờ.

Anh về đích trong Ironman. Ảnh: NVCC

“Tinh thần Ironman thể hiện mạnh mẽ nhất có lẽ ở giải năm 2019 tại Úc, lúc đó tôi gặp chấn thương ở phần đạp xe, đầu gối chảy máu không ngớt. Tôi đã có suy nghĩ hay mình dừng lại, nhưng khoảnh khắc ngồi trước bãi biển thật đẹp, tôi nhìn đồng hồ và nhận ra mình vẫn còn thời gian. Thay vì chạy bộ quãng đường còn lại, tôi chọn đi bộ, chỉ cần về đích là được. Khoảnh khắc về tới đích cũng là lúc tôi được đưa tới khu vực cứu thương luôn”, anh cười nói.

Sau thời gian tập luyện một cách bản năng, tự tìm đọc và lên giáo án tập luyện, cuối năm 2020, anh quyết tâm học chứng chỉ chuyên sâu về huấn luyện viên, tìm hiểu về dinh dưỡng thể thao, cách phục hồi sau giải đấu. Anh nhận định, sau hành trình đi cùng ba môn phối hợp bơi đạp chạy, anh không chỉ giảm cân, rèn sức khỏe mà còn tìm ra giới hạn của bản thân mình.

Đi du lịch mướt mồ hôi

Anh Trần Đình Minh Anh nhớ lại những trải nghiệm của mình trên đường chạy Ironman, anh kể đã có lúc mình suy nghĩ “Tại sao tôi phải ở đây hành xác như vậy, vừa tốn tiền lại còn mệt”. Anh nói tiếp, đó chỉ là ý nghĩ lóe lên trong lúc cơ thể mệt và đuối sức, dù vậy, anh chưa bao giờ dừng lại trước vạch đích ở bất kỳ cuộc đua Ironman nào.

Đường bơi của vận động viên nhìn từ trên cao. Ảnh: NVCC

Nhiều người từng cho rằng người tham gia các trận đấu quốc tế chắc hẳn phải giàu lắm vì kinh phí chi trả cho cuộc thi không hề rẻ, nếu diễn ra ở nước ngoài thì vận động viên phải tự lo tiền vé máy bay, chỗ ăn ở và phí dự thi.

Anh giải thích “Sẽ có người lựa chọn đam mê xe, đồ cổ, thú vui khác, riêng tôi thì chọn chơi thể thao thôi, đó cũng là một sở thích, vậy nên đầu tư cho nó tôi cảm thấy rất hài lòng. Tôi cũng là nhân viên văn phòng bình thường, một năm tham gia hai đến ba giải thì đó cũng là cơ hội đi du lịch theo kiểu mướt mồ hôi”.

Anh thường xuyên đăng ký tham gia các cuộc thi Ironman ở nước ngoài kết hợp với du lịch. Ảnh: NVCC

Mỗi cung đường anh đi qua đều là cơ hội cho anh Minh Anh khám phá, tận hưởng vẻ đẹp của nước bạn và cả quê hương mình. Anh tâm sự đây là cách mình kết hợp du lịch và thể thao theo một cách riêng mà hầu hết vận động viên phong trào rất thích.

Hình ảnh đời thường của anh nhân viên công sở Minh Anh. Ảnh: NVCC

Hiện tại anh đang công tác tại công ty Garmin và chuẩn bị cho cuộc thi vào tháng 9 tới. Double Ultra Triathlon ở Áo cự ly 7,6km bơi biển, đạp xe 360km và chạy 84km quy định hoàn thành trong 35 tiếng. Cự ly này tương đương bơi từ chợ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất, đạp xe từ TPHCM đến Phan Rang, rồi từ đó chạy bộ tới Nha Trang.

Anh cho biết mình đang đặt ra mục tiêu hoàn thành dưới 30 tiếng tại giải đấu giới hạn 40 vận động viên, trong đó chỉ có anh đến từ Châu Á.

Anh Minh Anh cùng bạn bè quốc tế. Ảnh: NVCC

“Tâm lý tôi khá thoải mái vì tính chất của Ironman không tôn chỉ đối kháng mà là tự vượt qua chính bản thân mình, tự độc thoại và chiến đấu với chính mình nhiều hơn. Tôi hy vọng có thể khẳng định rằng người Việt Nam làm được. Điều quan trọng bây giờ là phải làm sao cân bằng lịch tập mỗi tuần 18-26 tiếng mà vẫn đảm bảo ngày đi làm chín tiếng ở văn phòng”, anh nhấn mạnh.

Được biết, ngoài công việc chính, anh Minh Anh còn làm huấn luyện viên và thường xuyên chia sẻ thông tin giáo án, chế độ dinh dưỡng miễn phí lên kênh Youtube và fanpage của mình để mọi người cùng tham khảo và bắt đầu với Triathlon (ba môn phối hợp). Anh hy vọng mình sẽ lan tỏa được tinh thần yêu thể thao đến nhiều người Việt Nam và phát triển phong trào chơi ba môn phối hợp ngày một mạnh mẽ hơn.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chủ thương hiệu thời trang chơi 3 môn phối hợp để...

0
(SGTT) – Chơi thể thao từ nhỏ, mãi cho đến năm 2019, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến mới thử sức tập kết hợp ba...

Run For Green – Những bước chạy đầu tiên đến không...

0
Ngày 15-10-2023 là ngày đầu tiên đánh dấu những bước chạy đến không gian xanh Green Valley City với giải chạy Run For Green...

Gặp cặp vợ chồng U50 thường hóa thân cô gái Hà...

0
(SGTT) - Ở tuổi trung niên, vợ chồng anh Nguyễn Đông Phương Trầm (53 tuổi), ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM vẫn giữ năng lượng dồi...

Nữ CEO chơi ba môn phối hợp: thể thao là liều...

0
(SGTT) – Là một trong số ít vận động viên hệ phong trào nữ đam mê ba môn phối hợp bơi đạp chạy, chị...

Chú khủng long trên đường chạy: “Tôi muốn kéo mọi người...

0
(SGTT) – Nổi bật trên đường chạy với hình ảnh chú khủng long màu cam, anh Trần Minh Trí tiết lộ muốn đem năng...

Bác sĩ “Hà Chuối” mê chạy bộ: “Muốn giúp đỡ người...

0
(SGTT) – Yêu thích thể thao từ những năm cấp ba, anh Nguyễn Ngọc Hà hay được nhiều người biết đến biệt danh “Hà...

Kết nối