(SGTT) - Trong một lần đi xem nơi trưng bày, quảng bá các đặc sản của đồng bào Pa Kô trên miền tây Quảng Trị gần đây, tôi được chị Hồ Thị Họa My (ngụ xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) mời nếm thử món thịt khô nướng chấm với cheo cá mát. Loại nước chấm này có vị ngọt, ngon từ thịt cá, mùi thơm của tiêu rừng và độ cay nồng của ớt bột.
- Khởi nghiệp mực một nắng Cù Lao Chàm từ tình yêu hải sản
- Cô giáo vùng cao ở Kon Tum quyết khởi nghiệp bằng đặc sản quê nhà
- Đầu bếp bỏ phố về rừng làm TikToker triệu view: Nấu ăn không khó đâu, đừng sợ!
Già làng Hồ Mơ (người Pa Kô), trú ở khe Sa Lau, thôn Parin, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, cho hay nét đặc trưng rõ nhất của cheo cá mát chính là vị cay của ớt, thường thấy trong các món ăn của người Pa Kô, Vân Kiều. Với hầu hết người Pa Kô, trong bữa cơm hằng ngày mà không có cheo cá thì bữa cơm trở nên nhạt nhẽo. Vì vậy, cheo cá được ví như “nước mắm khô” của người Pa Kô trên dãy Trường Sơn.
Theo đó, hai gia vị quan trọng làm nên món cheo cá là ớt và củ riềng. Nếu không có riềng, cheo cá không thể ngon, tùy theo khẩu vị của thực khách mà người làm cho thêm các phụ gia khác như lá ngò gai, hạt tiêu, muối… Đó cũng chính là “bí quyết” làm nên hương vị riêng cho cheo cá.
Già làng Hồ Mơ kể, nguyên liệu chính để chế biến cheo cá là cá mát. Đó là loài cá thích sống ở nơi đầu nguồn sông suối, nhất là những vực nước sạch, yên tĩnh. Tháng Chạp hằng năm là mùa sinh sản của cá mát, chúng thường làm tổ ở những hốc nước trong xanh, ăn rêu, tảo mọc theo vách đá hai bờ sông suối nên thịt cá thơm ngon và bùi béo. Đến tháng Giêng, khi cá lớn cỡ ngón tay cái thì mọi người bắt đầu xuống suối đánh bắt cá.
Ngày trước, khi sông suối chưa bị ô nhiễm, vào mỗi đêm đánh bắt họ chỉ việc lặn xuống giữa lòng suối để bắt cá. Với loài cá này, con nào to nhất cũng chỉ đạt khoảng 50g. Cá mát ăn ngon nhất chính là lứa cá nhỏ bằng đầu ngón tay vì xương cá mềm, dễ chế biến món cheo cá.
Các già làng trú trên miền Quảng Trị, cho hay cheo cá thường được ví như “nước mắm khô”, dùng để chấm với cơm, xôi, thịt, rau rừng hay nêm nếm vào các món ăn như xào, luộc, kho… Ngoài ra, cheo cá còn dùng để nhâm nhi với rượu cần trong tiết trời se lạnh giữa đại ngàn Trường Sơn rất là thú vị. Vào dịp cúng tế, cưới xin, hay tết, người Pa Kô thường mời khách uống rượu cần, xôi vò nếp rẫy hay các loại rau rừng luộc chấm cheo cá mát.
Ngày nay, khi giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, vùng miền ngày một phát triển, món cheo cá không còn bó hẹp trong bữa cơm gia đình của người Pa Kô mà nó đã trở thành đặc sản vùng cao phục vụ nhu cầu tìm tòi, khám phá các vùng đất hoang sơ của du khách trên núi rừng Trường Sơn hoang dã miền đất Quảng Trị.
Hòa Vang