Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê có sự ra mắt ấn tượng và được nhiều người cho là “phim Việt đáng xem nhất trong năm 2018”. Thế nhưng, để có được thành công đó, Leon Quang Lê đã phải vất vả gấp đôi, gấp ba so với làm phim ở nước ngoài để có một tác phẩm thu hút nhiều người xem.
Là phim hiếm hoi chọn cải lương làm bối cảnh nhưng vẫn thu hút khán giả tới rạp, Song Lang nhận được nhiều lời khen ngợi về cách làm phim chỉn chu, tỉ mỉ. Song Lang là cách chơi chữ của Leon Quang Lê, có thể hiểu là dụng cụ “điều phối” và làm nên linh hồn một vở cải lương – song loan, cũng có thể hiểu là câu chuyện tình giữa hai người đàn ông.
Phim kể về Dũng Thiên Lôi – chàng trai có quá khứ buồn – phải chọn con đường trở thành người đòi nợ thuê lạnh lùng, ác độc. Cũng nhờ đó, Dũng gặp Phụng – một kép hát đam mê cải lương. Hai người mến nhau từ sự đồng điệu tâm hồn. Phụng phát hiện ra Dũng có nền tảng cải lương khi còn nhỏ, nên đã khuyên anh bỏ nghề đòi nợ nhiều nguy hiểm để đến với cải lương.
Song Lang tuy được nhiều khán giả xem như một phim đam mỹ (phim về đề tài đồng tính nam), nhưng thật ra câu chuyện chưa đạt tới mức đó. Sự cảm mến mới chớm nở trong Phụng thì đã... hết phim rồi.
Không chỉ là đạo diễn
Trong một buổi tọa đàm nhỏ với khán giả yêu điện ảnh, đạo diễn phim Song Lang chia sẻ về quãng thời gian quay phim dài đầu tay. Song Lang được Leon Quang Lê ấp ủ nhiều năm trời trước khi chính thức được kể lần đầu tiên trên giấy trắng. Với sự hỗ trợ của nhà biên kịch tài năng Minh Ngọc, câu chuyện của Dũng Thiên Lôi và kép hát Linh Phụng dần dần hình thành một cách chặt chẽ. Bối cảnh là cuối những năm 80 của thế kỉ trước, khi cải lương đang sắp sửa thoái trào.
Nhìn chung, Song Lang là một phim chỉn chu, dù có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan chi phối, khiến bộ phim còn nhiều điều chưa trọn vẹn. Với hình ảnh trau chuốt, âm thanh và âm nhạc được xử lý tốt, bối cảnh được đầu tư, có thể nói đây là bộ phim Việt Nam khá nhất ra rạp trong năm nay. Dù là phim dài đầu tay nhưng phim được kể chặt chẽ, tái hiện không khí những năm 80 khá trọn vẹn.
So với phiên bản Song Lang đầu tiên mà Leon Quang Lê muốn kể, phiên bản ngoài rạp đã có sự chỉnh sửa vô cùng lớn, cả về ý tưởng lẫn nội dung câu chuyện. Tiền cá nhân để làm phim không có, xin quỹ thì lâu và hên xui nên Leon Lê tìm tới cách cuối cùng là tìm một nhà sản xuất thích và chịu đầu tư cho phim. Thế nhưng, suốt một năm ròng rã, Song Lang bị từ chối, bởi kịch bản có nhiều yếu tố truyền thống, mà lại không hài hước. “Ai cũng khen kịch bản, nhưng không ai muốn làm”, anh nói. Sản xuất một bộ phim cũng như ra mắt món hàng mới, người đạo diễn không chỉ cần biết nghề, mà còn cần am hiểu “thị trường kinh doanh điện ảnh”, mới tìm được nơi rót tiền cho mình xây giấc mơ.
Quay đi quay lại tới bốn lần, Leon Quang Lê gặp không ít khó khăn để có một Song Lang tử tế. Anh chia sẻ, sự khác biệt giữa điện ảnh các nước phát triển và Việt Nam không phải chỉ ở yếu tố kỹ thuật, trình độ chuyên môn, mà quan trọng hơn là thái độ làm việc.
Leon Quang Lê cho biết ở nước ngoài, bộ phận nào làm công việc của bộ phận đó, tỉ mẩn và cẩn thận tới mức hễ máy chạy là gần như không có sự cố xảy ra. Guồng công việc như bánh răng, khớp nhau thì chạy êm. Việc chuẩn bị tốt phận sự của mình, đối với đồng nghiệp nước ngoài, dường như là tự hào công việc, là danh dự chứ không đơn giản là làm việc.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì không ít người trong nghề mắc bệnh thỏa hiệp và lười biếng nên dễ dàng tặc lưỡi cho qua khiến ảnh hưởng tới cả đoàn. Một ví dụ nhỏ là chuyện làm ảnh phim. Khán giả yêu cải lương sẽ chú ý phần kẻ mắt có một đường màu xanh, một đường màu đen trên mắt kép hát. Theo đúng “chuẩn”, đường màu xanh phải nằm bên trên nhưng trong poster ban đầu nó lại nằm dưới. Khi Leon Quang Lê yêu cầu sửa lại, thì được phản hồi: “Ôi không ai để ý đâu anh ơi! Một hai người biết đâu hề hấn gì”.
Thay vì lo lắng vì “có tận” một, hai người biết, nghĩa là sản phẩm không hoàn hảo, danh tiếng đạo diễn bị đánh tụt thì ở ta, một hai người biết coi như không có gì, số đông không nhận ra, thế là được. Nó đồng nghĩa với việc coi thường khán giả. Sự lười biếng và thỏa hiệp đó khiến sản phẩm lớn – vốn tạo thành từ muôn vạn tiểu tiết – là một thứ không đến nơi đến chốn, qua loa đại khái.
Leon Quang Lê cho biết, vì không tin, nên trong quá trình quay Song Lang, anh phải can thiệp vào nhiều khâu, “ác” với cả đoàn. Không tin, nên phải qua bối cảnh kiểm tra từng chi tiết nhỏ. Không tin, nên thay vì có thời gian nghỉ ngơi, dồn sức vào chỉ đạo diễn xuất, thì đạo diễn còn phải lo trăm việc khác.
Nhưng tuổi trẻ bù lại
Dù có nhiều trải nghiệm không vui về sự thiếu chuyên nghiệp của một số người làm phim nhưng Leon Quang Lê vẫn “thích ê-kíp làm phim, bởi họ là những người mới, trẻ trung và... rẻ”.
“Ê-kíp quay vui lắm, mỗi lần kêu “quay lại phim” là rầm rộ kéo nhau đi, chẳng nề hà. Lâu lâu lại hỏi, thầy ơi, có quay lại nữa không?”, Leon Quang Lê cười. Theo anh, chính những người trẻ đầy nhiệt huyết, ít kinh nghiệm nhưng ham học hỏi ấy đã khiến anh tin rồi sẽ có một sự đổi thay trong làm phim chuyên nghiệp.
“Làm việc với họ, đạo diễn phải “ác”, nhưng đừng la lối. La lối chẳng giải quyết được gì. Ngược lại, phải dẫn đầu, làm gương, và liên tục khuyến khích họ”, Leon Quang Lê nói. Những cành cây khi còn non sẽ dễ uốn thẳng đẹp. Việc của những nhà làm phim không chỉ là chờ đợi sự chuyên nghiệp lớn dần qua thời gian, mà còn cần góp tay vào xây dựng điều đó, bằng cách hướng người trẻ làm chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Leon Quang Lê sinh năm 1977, là diễn viên nhạc kịch, phim truyện, đạo diễn. Năm 13 tuổi, anh sang Mỹ định cư. Sau hơn 10 năm làm việc, tìm kiếm cơ hội và học tập tại New York, anh trở thành một trong số ít diễn viên nhạc kịch người châu Á được trình diễn trên sân khấu Broadway.Anh từng xuất hiện với vai trò diễn viên trong Những nụ hôn rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Để Mai tính của đạo diễn Charlie Nguyễn… Và có hai phim ngắn Dawn và Talk to my mother trước khi làm phim dài đầu tay. Dawn giành được nhiều giải thưởng lớn tại Liên hoan phim ngắn trực tuyến Yxine và Asians on Film Festival tại Los Angeles (Mỹ). Từ nhỏ, Leon Quang Lê đã có một tình cảm đặc biệt với cải lương. Anh vẫn luôn mong muốn được kể một câu chuyện liên quan tới môn nghệ thuật này.
Hà Bi