(SGTT) – Những năm gần đây, môn thể thao giải trí lặn biển đang dần trở nên phổ biến hơn với người dân Việt Nam. Để tham gia lặn biển, người lặn phải trải qua các khóa học cũng như đảm bảo quy tắc an toàn riêng để khám phá hệ sinh thái chưa từng thấy dưới lòng đại dương.
- Những vùng biển nào ở Việt Nam có thể du lịch lặn biển bằng tàu ngầm?
- Xây đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870 ha nhưng không làm ảnh hưởng hệ sinh thái
- Trải nghiệm lặn biển, lướt sóng… ở Đà Nẵng
Học lặn đạt chuẩn quốc tế
Đến với môn thể thao lặn biển và được cấp chứng chỉ lặn căn bản đầu tiên từ năm 2010, chị Trần Ngọc Anh hiện là huấn luyện viên ở trung tâm lặn biển Viet Divers cho biết mình đã nên duyên với tình yêu đại dương cho đến tận bây giờ.
Theo chị Ngọc Anh, thời điểm đó môn lặn biển chưa phổ biến ở Việt Nam dù đây không phải là môn chơi quá phức tạp. Vì ai cũng có thể tham gia được nên chị đã thử giới thiệu và quảng cáo bộ môn này ở nước mình. Đến năm 2013, chị lập một trang trên facebook chuyên giới thiệu về môn lặn và là nơi giao lưu của nhiều người Việt yêu thích lặn biển với nhau.
“Sau này nhiều người đã quan tâm và nhận ra môn này không chỉ có ở nước ngoài mà còn có ở Việt Nam. Nước ta có bờ biển dài gồm nhiều đảo, vùng vịnh đẹp mà không phát triển các dịch vụ du lịch biển thì tiếc lắm, thế là tôi vận hành câu lạc bộ rồi dần học lên huấn luyện viên và đi dạy chính thức từ 2014”, chị tâm sự.
Là người thầy dày dặn kinh nghiệm ở trung tâm lặn biển Viet Divers, chị Trần Ngọc Anh cho biết đây là môn thể thao giải trí đặt ra tiêu chuẩn quốc tế với cả người chơi và người huấn luyện. Hiện nay có các chứng chỉ của nhiều hiệp hội lặn đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo người tham gia có giáo trình học, tuân theo tiêu chuẩn được hội đồng kiểm định quốc tế công nhận, hiện trung tâm của chị theo tiêu chuẩn của hiệp hội lặn SSI. Chị nói thêm để dạy bộ môn này ở Việt Nam thì trung tâm lặn phải đăng ký và cam kết tuân theo các tiêu chí của hiệp hội quốc tế đó.
Được biết, một khóa học lặn dành cho người mới bắt đầu lấy chứng chỉ yêu cầu người chơi phải biết bơi căn bản, tâm lý không sợ nước, có khả năng tự xử lý, cứu mình khi ở dưới nước mà không có thiết bị hỗ trợ.
Chị Ngọc Anh cho hay khóa học sẽ bắt đầu với chương trình lý thuyết, kế đó là học thực hành tại hồ bơi hoặc hồ nước nông cùng huấn luyện viên ở trung tâm. Đây là yêu cầu bắt buộc để người lặn quen với cách xử lý thiết bị, đối mặt với các tình huống dưới nước. Sau đó, người học sẽ chính thức thực hành ở biển tối thiểu bốn ca lặn, mỗi ca kéo dài ít nhất 20 phút và nhiều nhất một tiếng để tự thao tác các kỹ năng ở vùng nước nông, độ sâu 5-7 mét, 12 mét và tối đa là 18 mét phù hợp với chứng chỉ đầu tiên của người đi lặn, được lặn tối đa 18 mét cùng bạn lặn của mình. Một khóa học lặn có giá 7.800.000/đồng bao gồm trang thiết bị và chứng chỉ quốc tế, trải nghiệm hai ngày lặn ở biển.
Những vùng biển phù hợp để lặn phải đảm bảo các yếu tố như nơi đó có hệ sinh thái, môi trường sinh vật biển phong phú cùng địa hình địa thế thú vị. Ngoài ra, biển phải có độ sâu thuộc giới hạn lặn giải trí, điều kiện thời tiết phù hợp, không xuất hiện hiện tượng dòng chảy xiết bất ngờ, nước xoáy hay nước quá đục, quá lạnh hoặc quá nóng. Đồng thời, vùng biển phải đó phải được bảo tồn an toàn cho người đi lặn, người tham gia cũng không được phép lặn ở những nơi có quy định đang được bảo tồn.
Yêu thiên nhiên, bảo tồn biển
Trong quá trình học lặn, người tham gia thường xuyên gặp một số vấn đề khó khăn liên quan đến tâm lý vì ta sẽ vào một môi trường khác hoàn toàn khác với nơi có không khí đang hít thở mỗi ngày. “Bạn sẽ cảm nhận toàn bộ cơ thể, gương mặt chìm trong nước, nhiều khi nước vào mũi, mắt là chuyện bình thường nhưng người lặn cần thời gian để xử lý. Ngoài ra để đến các điểm lặn, học viên phải đi tàu ra, những ai bị say sóng thường khá khó chịu nên cũng cần chuẩn bị tâm lý cho vấn đề này”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Theo chị Ngọc Anh, sự khác biệt giữa môn lặn Việt Nam và nước ngoài chính là điểm lặn ở Việt Nam đưa vào khai thác chưa được bảo tồn tốt. Người dân biển vẫn chưa có ý thức cao bảo vệ san hô, môi trường dưới lòng đại dương, họ vẫn đánh bắt cá bằng hóa chất, lưới cào… gây tổn hại nặng đến các rạn san hô. Hệ sinh thái dưới biển đầy rẫy rác nhựa, lưới ma trôi nổi máng lên các rạn san hô và vô tình trở thành cái bẫy cho sinh vật sống ở biển.
“Ở Việt Nam vẫn khó nhất là sự quản lý ưu tiên cho hoạt động lặn cũng như kiểm soát chất lượng dịch vụ lặn để đảm bảo hoạt động đó không gây hại đến rạn san hô hay đến hoạt động khai thác du lịch khác”, chị nói thêm. Chính điều này làm điểm lặn ở Việt Nam không đa dạng sinh vật, hùng vĩ cảnh quan bằng nước ngoài, công tác tổ chức đi lặn cũng vất vả hơn vì không có tàu chuyên biệt mà phải dùng chung với dịch vụ du lịch khác.
Trước khi bắt đầu một khóa học, chị Ngọc Anh nhớ lại kể, mình đều hỏi các học viên đi lặn vì điều gì? “Giây phút đó ai cũng trả lời là muốn ngắm nhìn thế giới đại dương một cách trực tiếp mà trước đây chỉ ngắm qua phim ảnh, vượt qua sự sợ hãi của bản thân và mở mang tầm mắt. Tôi có thể nhìn đàn cá, san hô bơi tung tăng ngay cơ thể của mình và nắm được kỹ năng sinh tồn khi ở dưới nước. Hơn thế nữa, chính là ý thức gìn giữ vẻ đẹp dưới lòng đại dương”, chị tâm sự.
Trong tương lai, chị Ngọc Anh cùng nhóm của mình sẽ tìm hiểu và phát triển thêm các điểm lặn ở biển Quy Nhơn, vùng biển miền Trung và giúp môn thể thao này đi theo chiều hướng tích cực ngoài mục đích lặn để khám phá giải trí.
“Lặn biển cho bạn nhiều cơ hội để trải nghiệm thế giới nằm dưới lòng đại dương cùng nhiều kiến thức thú vị. Tôi cũng hy vọng rằng, qua việc tận mắt nhìn thấy môi trường biển đang ngày bị đe dọa, chúng ta sẽ có ý thức kêu gọi hành động bảo vệ như thường xuyên tổ chức nhặt rác dưới biển, tạo cảm hứng mọi người đi lặn để bảo tồn hệ sinh thái và làm biển ở Việt Nam ngày một hấp dẫn hơn”, chị Ngọc Anh bộc bạch.
An Phú