(SGTT) - Ngoài những kiến thức chuyên môn truyền tải tới sinh viên, tiến sỹ Võ Nữ Hạnh Trang của trường Đại học Đồng Nai còn tạo cảm hứng học tập cho các bạn trẻ bằng những đam mê du lịch và ẩm thực của mình.
- Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thiền và yoga sau dịch
- Khởi động cuộc thi Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam 2022
Món chè bắp nghĩa tình ở Vườn Quốc gia Cát Tiên
Mới đây, tiến sỹ Võ Nữ Hạnh Trang và các giảng viên của Khoa Tổng hợp, trường Đại học Đồng Nai đã song hành cùng các sinh viên năm thứ 2, thứ 3 của ngành Khoa học Môi trường, tham gia chuyến thực tập tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Các em đã được tìm hiểu Trung tâm cứu hộ để biết được công việc của những nhân viên ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, trải nghiệm công việc hỗ trợ cứu hộ cho động vật nơi đây; tìm hiểu về Bảo tàng thiên nhiên, nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Ngoài những kiến thức bổ ích mà các sinh viên trường Đại học Đồng Nai thu hoạch được, các em còn được trải nghiệm nhiều kỷ niệm đáng nhớ: những cơn mưa rừng bất chợt ập đến khi các em tìm hiểu hệ thống thực vật tại đây, không khí trong lành của buổi sớm mai tại Vườn Quốc gia Cát Tiên…. và cả những món ăn thú vị do chính cô Hạnh Trang làm để phục vụ các em khi tham quan Bàu Sấu, vùng đất ngập nước nằm ở phía Nam của Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Trải qua quãng đường di chuyển 15km trong rừng, nữ tiến sĩ U50 vẫn thể hiện sự dẻo dai bằng việc sát cánh cùng các chiến sỹ của trạm Kiểm lâm Bàu Sấu chuẩn bị bữa ăn trưa cho cả đoàn. Mọi người không chỉ được thưởng thức các món ăn dân dã ở Vườn Quốc gia Cát Tiên như: cá rô rừng, nấm mối xào, canh lục bình… mà còn được tráng miệng bằng món chè bắp độc đáo do cô giáo “đạo diễn”.
Sau quãng đường trekking không hề ngắn, các thành viên trong đoàn được nghỉ ngơi ở địa điểm được coi là đẹp nhất Vườn Quốc gia Cát Tiên, thưởng thức các món ăn địa phương và món chè bắp nghĩa tình, đó quả là một kỷ niệm đẹp, nhất là đối với các bạn sinh viên.
Các em vừa thưởng thức vị ngọt, cảm giác hơi dai dai, thơm mùi bắp, độ béo cốt dừa, vừa xuýt xoa khen tài nấu ăn của cô Hạnh Trang. Nữ tiến sỹ quê ở Huế, miền đất nổi tiếng với nhiều loại chè, chia sẻ bí quyết: “Để có được món chè bắp ngon, điều quan trọng nhất là người nấu phải chọn trái bắp chắc tay, vỏ ngoài còn xanh, hạt bắp mẩy, đều nhau. Bắp nên luộc chín tới, nếu không sẽ bị nát và mất độ ngọt”.
Cô Hạnh Trang tỏ ra tiếc nuối vì muốn nấu thêm cả món chè thưng cho cả đoàn thưởng thức, nhưng do thiếu một số nguyên liệu cần thiết nên mọi người vẫn chưa được thưởng thức món chè đặc trưng Nam Bộ này.
Nữ giảng viên Khoa Tổng hợp, trường Đại học Đồng Nai chia sẻ: “Chè thưng với các thành phần khoai, đậu xanh, hạt sen quyện vào nhau, tạo nên hương vị đặc trưng vô cùng độc đáo. Riêng đậu xanh, phải được đánh nhuyễn và để cả vỏ, mới có được hương vị quyến rũ”.
Và niềm đam mê xê dịch của nữ tiến sỹ
Nấu chè ngon, làm bánh xèo miền Trung hay miền Tây đều giỏi, thành thạo ẩm thực các vùng miền khác nhau, tiến sỹ Võ Nữ Hạnh Trang còn được biết đến là một tín đồ đam mê du lịch trong nhiều năm qua.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa (cơ sở TPHCM) năm 1998, cô Hạnh Trang công tác tại Công ty Phát hành sách tỉnh Đồng Nai. Ngoài công việc chuyên môn, cô Hạnh Trang còn dành thời gian cho những chuyến đi du lịch trải nghiệm. Đến mỗi vùng, mỗi miền đất, cô Hạnh Trang luôn ghé thăm các bảo tàng, di tích lịch sử để tìm hiểu, khám phá những địa điểm văn hóa hấp dẫn này.
Năm 2005, cô Hạnh Trang hoàn thành luận văn cao học, ngành Văn hóa học tại trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TPHCM). Sau đó, cô đầu quân cho trường Đại học Đồng Nai.
Với cô Hạnh Trang, những chuyến công tác đưa sinh viên đi thực tế hay bản thân đi thỉnh giảng ở một số cơ sở giáo dục luôn mang lại những kỷ niệm khó quên, điển hình như chuyến công tác đến vùng Langbiang (Lâm Đồng) năm 2012, khi cô Hạnh Trang được tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng, về cuộc sống của người dân tộc Cơ Ho, Chu Ru, Ê Đê… và cả về sự biến đổi văn hóa của cư dân địa phương nơi đây.
Sau này, khi trở thành nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: “Địa danh Tây Nam Bộ dưới góc nhìn văn hóa học”, cô Hạnh Trang cũng có dịp được trải nghiệm ở rất nhiều địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong khi đi thực địa để lấy tư liệu.
Cô Hạnh Trang mê mẩn sự yên bình và giản dị của những miền quê sông nước. Cô chia sẻ: “Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi với miền Tây chính là lần được tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp. Cảm giác được lênh trên sông bằng tắc ráng (một loại thuyền, xuồng, ghe nhỏ, dáng hình thoi, thường được làm bằng gỗ và có gắn động cơ máy) thật tuyệt vời”.
Theo cô Hạnh Trang, những chuyến đi thực tế như vậy luôn rất có ích không chỉ đối với các giảng viên mà cả sinh viên trong thời kỳ 4.0 hiện nay.
Hiện tại, trường Đại học Đồng Nai nơi cô Hạnh Trang công tác, đang tạo rất nhiều điều kiện để sinh viên có thời gian đi thực tế nhiều hơn, được trau dồi các kỹ năng làm việc thực tiễn. Trường Đại học Đồng Nai là trường đại học đa ngành nghề và sắp tới, trường sẽ tuyển sinh ngành Văn hóa Du lịch (đại học chính quy) và tiến sỹ Võ Nữ Hạnh Trang càng có nhiều cơ hội để truyền cảm hứng đam mê du lịch cho các bạn trẻ.
Đinh Nam