Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Bệnh não mô cầu vào mùa, chuyên gia cảnh báo nguy cơ tử vong trong 24 giờ

(SGTT) - Thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 50-100 ca bệnh do nhiễm não mô cầu. Con số này tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là 2-4 ca/năm. Dù số lượng mắc không cao nhưng hậu quả mà bệnh để lại là hết sức nặng nề.
Thông tin trên được TS. BS. Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cung cấp trong buổi tọa đàm "Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà trên thanh thiếu niên" diễn ra tại TPHCM vào ngày 5-5.

Tại các tỉnh miền Nam, thời tiết đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa là điều kiện thuận lợi để bệnh não mô cầu lây lan. Các nhóm đối tượng yếu thế như trẻ nhỏ, trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm ngừa, người trên 60 tuổi, có bệnh nền… dễ bị vi khuẩn mô cầu tấn công.

Não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn meisseria meningitidis gây ra. Từ tháng 6 đến tháng 10 là khoảng thời gian bệnh não mô cầu phát triển mạnh nhất. Do đó, phụ huynh cần lưu ý đến nhóm trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao như trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ thanh thiếu niên từ 10-16 tuổi…

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên lơ là, chủ quan vì đây là bệnh mà tất cả các nhóm tuổi đều có thể mắc phải.

Theo TS. BS. Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận một bé trai 4,5 tháng tuổi (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) nhập viện trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé vào sốc, các nốt tử ban (có màu đỏ thẫm, xanh tím bị hoại tử) lan rộng trên da. Trẻ rơi vào tình trạng suy hô hấp phải thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao. Đến ngày thứ 5, bé đã qua cơn nguy kịch.

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị bệnh nhi phải đối diện với các di chứng nặng nề và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Cụ thể bé bị đoạn chi phải tới đầu gối, cùng với nhiều ngón chân trái và một số ngón tay.

BS. Nghĩa cho biết, chân tay bé bị hoại tử nghiêm trọng, buộc phải cắt chân phải từ đầu gối xuống và tháo nhiều ngón tay, chân để giữ lấy tính mạng. Người mẹ nghe bác sĩ thông báo tin này đã sốc và không chấp nhận. Sau khi các bác sĩ giải thích cụ thể, mẹ của bệnh nhi mới đồng ý ký vào giấy phẫu thuật cho trẻ.

Đội ngũ các y, bác sĩ đã dồn nhiều nguồn lực, nhân sự, trang thiết bị và thuốc thang để cứu sống trẻ nhưng “kết quả cuối cùng vẫn rất nặng nề. Biến chứng sau điều trị thay đổi cả cuộc đời bé và gia đình", bác sĩ An Nghĩa chia sẻ.

Theo TS. BS. Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh não mô diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong cao trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Trước đó, một bé gái 4 tuổi đã không qua khỏi vì viêm màng não do não mô cầu biến chứng nặng. Bé tử vong sau 6 tiếng nhập viện.

 

Một số dấu hiệu đầu tiên của bệnh não mô cầu như sốt, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, phát ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước... Những dấu hiệu này rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh thường gặp khác (cúm mùa) nên bệnh rất khó chẩn đoán.

BS. Nghĩa cảnh báo, trong 8 giờ đầu tiên, trẻ sẽ xuất hiện tình trạng sốt, tinh thần không ổn định, cáu gắt, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, chán ăn, sổ mũi, đau nhức người. Sau 9-15 giờ tiếp theo, trẻ sẽ bắt đầu phát ban, xuất huyết, cứng cổ và sợ ánh sáng. Trong 16-24 giờ, trẻ sẽ gặp phải tình trạng hôn mê, mê sảng, co giật, mất ý thức và trẻ có thể tử vong trong giai đoạn này.

Như vậy, bệnh não mô cầu tiến triển rất nhanh, với những biểu hiện khó phát hiện trong giai đoạn mới nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ.

Đáng lưu ý là trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu nhận biết bệnh càng khó phát hiện. Bệnh diễn tiến nhanh và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, phổ biến nhất là viêm màng não, tàn tật, tổn thương não, điếc...

Vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ để phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để có hướng xử trí kịp thời, giúp trẻ tránh được những di chứng nặng nề về sau.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dù trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong hai năm đầu đời nhưng sau khoảng thời gian từ 4-5 năm, kháng thể ngừa bệnh đã giảm đi khoảng 50%. Vì vậy, việc tiêm các mũi nhắc lại khi trẻ bước sang độ tuổi thanh thiếu niên là rất cần thiết.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối