Ngày 29-4, Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam (Vinasoy) tổ chức Hội thảo đầu bờ Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành tại Ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đây là một trong những hoạt động của Vinasoy nhằm mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành trên đất lúa tại huyện Long Hồ, Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
Ông Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC), cho biết từ năm 2020, Vinasoy đã đưa giống đậu nành VINASOY 02-NS trồng khảo nghiệm trên đất lúa tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) và huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Đây là giống đậu nành không biến đổi gen. Kết quả cho thấy giống đậu nành này phát triển rất tốt tại các vùng đất thử nghiệm.
Trong vụ Xuân Hè năm 2022, Vinasoy tiếp tục thực hiện Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành tại ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ với quy mô hơn 10 héc ta và tại Thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng 5 héc ta bằng giống VINASOY 02-NS.
Theo ông Nguyễn Minh Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ, Vĩnh Long, trồng đậu nành sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và có lợi nhuận cao hơn trồng lúa, vì tiết kiệm được chi phí cày, xới đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt một vụ trồng đậu nành chỉ cần cho nước vào ruộng hai lần, một vào lúc mới sạ hạt và một lần khi thấy đất quá khô. Vào mùa mưa thì không cần cho nước vào đợt 2 nữa.
“Trồng đậu nành xen lúa sẽ có nhiều lợi ích hơn và thu nhập cao hơn, như trồng lúa vụ Đông Xuân thường có lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/công. Một vụ đậu này có lợi nhuận đến 4 triệu nhưng đỡ công hơn trong cùng một khoảng thời gian là 90 ngày. Thêm một lợi ích nữa là sau khi trồng đậu nành, trong đất sẽ còn lại những nốt sần của rễ, cây, vỏ đậu… giúp đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Dự kiến mùa Hè Thu năm sau sẽ nhân rộng ra ở xã Tân Hạnh và xã Phú Đức gần 200 héc ta”, ông Thành nêu định hướng trồng đậu nành trên đất lúa huyện Long Hồ thời gian tới.
Hiện tại giống đậu nành VINASOY 02-NS đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy gồm Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long, Miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là giống được Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp lai hữu tính từ giống địa phương có khả năng thích ứng tốt tại các vùng sản xuất, quả chín đồng đều, kích thước hạt lớn, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại, năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần so với đậu nành trước đây và phù hợp làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm của Vinasoy.