Wabi sabi là phong cách nội thất xuất phát từ đất nước Nhật bản. Nét tự nhiên, chân thực là điểm nhấn chính của phong cách nội thất này, trong đó sự độc đáo, tinh tế sẽ thay thế vẻ tẻ nhạt, đơn điệu.
Wabi sabi là sự kết hợp của hai từ có ý nghĩa độc lập, trong đó wabi là sự lược giản hóa, khiêm nhường, còn sabi là sự chấp nhận sự vận hành của thời gian và những vẻ đẹp mà nó mang lại. Đó cũng chính là những đặc điểm dễ nhận thấy khi nhìn vào một ngôi nhà được trang trí theo phong cách nội thất wabi sabi.
Phong cách này chứa đựng nhiều yếu tố kỳ dị về hình dáng và màu sắc nhưng với nhiều gia đình thì wabi sabi lại là hiện thân của sự phóng khoáng, tự do, một trong những giá trị về vẻ đẹp mà phong cách này mang lại.
Có lẽ chính bởi phong cách của những con người yêu thiên nhiên đi theo xu hướng tối giản nên wabi sabi sử dụng chất liệu hữu cơ đến từ tự nhiên là chính, như gỗ mộc, kim loại thô, thổ cẩm, đá, đất sét, bên cạnh đó phần lớn các thiết kế đều loại bỏ các công đoạn gia công làm sạch hoặc đánh bóng, tạo nét ấn tượng nguyên bản bởi tác động của các yếu tố thời gian và môi trường. Điển hình là các loại đồ gỗ mộc xù xì để lộ những đường vân tự nhiên trên những chiếc bàn, chiếc ghế, cùng cách bố cục bài trí nội thất đơn giản, nhân viên thiết kế nội thất của trang web gotrangtri.vn cho biết.
Đã là “tín đồ” của wabi sabi thì các gia chủ nên giữ nguyên thiết kế nguyên thủy của ngôi nhà, hoặc nếu có thì cũng chỉ là các chỉnh sửa tiểu tiết nhằm tôn trọng dáng vẻ tự nhiên, dù cho đó là sự dị thường, lạ lẫm trong mắt người nhìn.
Kết hợp cùng chất liệu thô sơ là kết cấu của các thiết kế, thường tất cả sẽ được giữ nguyên bề mặt xù xì thô ráp, cũng như không can thiệp vào màu sắc nhầm giữ đúng sắc độ không đồng đều và ngẫu hứng của tự nhiên.
Theo anh Phong, kiến trúc sư một công ty trang trí nội thất tại quận 3, TPHCM, nếu ánh sáng giữ vai trò quan trọng trong phần lớn các phong cách nội thất thì với wabi sabi, ánh sáng lại không được tận dụng một cách tối đa, thường chỉ được khuếch tán hoặc làm chìm trên khung nền chung của không gian. Có lẽ cũng chính nhờ mất đi tính cầu kỳ mà sự kết hợp giữa màu sắc và độ sáng tự nhiên đã vô tình tạo ra một cảm giác yên bình, thanh thản cho tâm trí người thưởng thức.
Không gian trong wabi sabi chú ý khá nhiều đến tỷ lệ và góc nhìn, trong đó khoảng trống là điểm nhấn chiếm phần lớn diện tích của ngôi nhà, vừa tạo sự thông thoáng vừa mang lại cảm giác thanh bình đúng như bản chất nhẹ nhàng, giản dị mà các gia đình hướng đến.
Sự đồng bộ, hài hòa giữa nội thất và các vật dụng trang trí sẽ tạo ra những không gian trầm ổn, thanh thản và tĩnh tại cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với mọi bài trí trong phong cách wabi sabi đều sẽ được tiết chế một cách tối đa, nhầm hướng đến sự cân bằng cho không gian bên trong, cũng như sự hài hòa với thiên nhiên bên ngoài.
An Nguyễn