(SGTT) - Sau một ngày lao động vất vả, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn (miền núi tỉnh Quảng Nam) thường quây quần bên chung rượu để “giải nhức mỏi”. Và một trong những món ăn phổ biến của họ để dùng vào lúc đó là gỏi "đoàn kết".
- Bản đồ ẩm thực: Về Huế lại nhớ món canh măng cán giáo
- Bản đồ ẩm thực: Hấp dẫn hến 3 món chuẩn vị đất Quảng Trị
- Bản đồ ẩm thực: Dân dã cơm chiên muối ớt xanh Phú Yên
Hỏi thăm vài người anh em đồng bào Cơ Tu mới hay, cái tên đoàn kết ra đời bởi do món gỏi này được chế biến từ nhiều nguyên liệu và dùng vào dịp sum vầy, ấm áp. Để chế biến món gỏi này, trước hết, đu đủ mới hái về, bổ đôi trái bỏ hạt, dùng bàn bào bào thành sợi nhỏ ngâm vào nước lọc và ít muối. Sau đó, xả nước và vắt ráo nước đổ ra rổ.
Kế đến là bẹ cây thiên niên kiện (sơn thục), bẹ môn tím hái trên rừng về, qua suối tranh thủ lột vỏ, rửa sạch. Sau đó, xắt mỏng và xả lại với nước suối nhiều lần rồi mang về nhà. Ngoài ra, các nguyên liệu khác như dứa (thơm), dưa leo xắt lát mỏng cũng không thể thiếu.
Kế đến, mua da heo, thịt ba chỉ, tôm suối lần lượt cho vào nồi luộc chín và vớt mỗi thứ ra đĩa. Da heo, thịt ba chỉ thái mỏng. Ngoài ra, muốn mâm gỏi hấp dẫn hơn, thêm trứng tráng xắt thành sợi mỏng vào. Nhớ hái vài nắm rau thơm (rau răm) xắt nhỏ cùng với đậu phộng rang đâm nhỏ để riêng mỗi thứ ra chén. Thế là, món gỏi “đoàn kết” cơ bản đã hoàn thành.
Tuần tự, người Cơ Tu cho những thứ trên vào mâm lớn: đu đủ bào, thịt ba rọi, da heo, tôm, tép luộc, vài lát trứng tráng (hoặc mối cánh rang, khô trâu, bò nướng càng ngon), một ít đậu phộng rang vàng giã nhỏ... Rắc rau thơm lên, và sau cùng chan vài muỗng nước mắm chanh, tỏi, ớt, tiêu bột, bột ngọt rồi đảo đều, nhẹ tay trong khoảng hai phút cho tất cả các nguyên liệu ngấm đều nước trộn gỏi.
Khi thưởng thức, họ dùng muỗng “chung” xúc gỏi cho vào chén riêng của mình, không gắp “lung tung”, lật qua lật lại, hay “đào bới” tìm “mồi” trên mâm gỏi gây mất vệ sinh, nhất là trong thời bão dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Nhưng cũng nên nhớ rằng “nghề ăn cũng lắm công phu”. Công phu ở đây là khâu pha chế nước mắm. Nước mắm pha phải thật nhạt, đảm bảo sao cho có vị ngọt, thơm của nước mắm; vị chua chua hấp dẫn của chanh; vị cay the nhưng không quá nồng của ớt, rau thơm... Và nhất là sau khi thưởng thức, thực khách chỉ muốn húp thêm một ít nước mắm “cho đã”, mặc dù trong bụng vẫn còn thòm thèm muốn ăn tiếp vài chén nữa.
Nhìn mâm gỏi trông rất bắt mắt bởi màu ngà của đu đủ, màu xanh lá cây của bẹ thiên niên kiện, màu phớt tím của bẹ môn tím, điểm xuyết trên nền mâm gỏi là màu vàng của dứa, màu xanh lá mạ của rau thơm, màu đỏ của ớt chín… Khi thưởng thức, món gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm, béo béo, giòn giòn của các nguyên liệu hòa quyện với vị ngọt của thịt, tôm và nhâm nhi vài ly “rượu rừng” đã làm nao lòng và say lòng biết bao thực khách trên dãy Trường Sơn.
Điểm nhấn trong món gỏi, đi đầu là thiên niên kiện (môn thục, sơn thục). Theo Đông y, nói đến việc chữa trị bệnh xương khớp bằng các bài thuốc thảo dược tự nhiên, thì cây thuốc thiên niên kiện chính là một trong số những vị thuốc đầu bảng được sử dụng phổ biến. Nhờ có chứa hàm lượng lớn các loại tinh dầu và các chất có tác dụng tăng cường gân cốt tự nhiên, giảm đau nhức, giúp cơ thể tráng kiện cho nên cái tên thiên niên kiện còn có nghĩa là “ngàn năm tráng kiện”.
Do thiên niên kiện được dùng để chữa bệnh xương khớp rất hiệu quả nên người Cơ Tu có kinh nghiệm sử dụng loại cây này làm món ăn hay ngâm rượu (đúng liều lượng) để giải nhức mỏi sau một ngày lao động vất vả.
Tiên Sa