(SGTT) - Theo bản tin dịch Covid-19 chiều 22-2 của Bộ Y tế, tính từ 16:00 ngày 21-2 đến 16:00 ngày 22-2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 55.871 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 39.728 ca trong cộng đồng.
- 2 chùm ca lây nhiễm Covid-19 tại quận 1, quận Gò Vấp: chưa có ca nặng
- Nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM lúng túng trong việc xử lý F0, F1
- ‘Mạch Sống’ được tiếp diễn trong tình yêu thương và sự tri ân
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh là Hà Nội (6.860), Bắc Ninh (2.842), Bắc Giang (2.500), Hải Dương (2.485), Quảng Ninh (2.087), Hòa Bình (2.087), Phú Thọ (2.084), Lào Cai (2.056), Nam Định (1.943), Vĩnh Phúc (1.811), Hải Phòng (1.798), Ninh Bình (1.665), Thái Nguyên (1.645), Sơn La (1.494), Nghệ An (1.441), TPHCM (1.352), Hưng Yên (1.312), Yên Bái (1.290), Thái Bình (1.282), Khánh Hòa (1.213), Thanh Hóa (995), Đắk Lắk (989), Quảng Nam (976), Đà Nẵng (946), Tuyên Quang (845), Bình Định (835), Lạng Sơn (765), Hà Tĩnh (690).
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại TPHCM (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1) và An Giang (1).
Công an vào cuộc “vụ giả bác sĩ điều trị F0”
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu Công an TPHCM làm đến nơi đến chốn rồi báo cáo về vụ bác sĩ giả mạo vào khu điều trị F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị cho người bệnh Covid-19.
Theo Plo.vn, ngày 22-1, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đã thông tin về vụ việc liên quan đến vụ việc bác sĩ giả mạo vào khu điều trị F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị cho người bệnh Covid-19 ở Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM (quận 12).
“Tôi đã yêu cầu công an làm đến nơi đến chốn rồi báo cáo, chứ bây giờ chỉ mới thấy báo chí phản ánh thôi, chưa có thông tin nào hết. Tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này”, ông Nên nói.
Trước đó , trong thời gian dịch bệnh, Khiêm đã sử dụng thẻ sinh viên giả để đăng ký làm tình nguyện viên. Sau khi vào trung tâm cách ly, bảy sinh viên chính thức của Trường ĐH Y Dược TPHCM đảm nhiệm các việc như chăm sóc y tế, chăm sóc bệnh nhân, phụ việc hành chính, riêng Khiêm tự nhận là bác sĩ nội trú.
Qua trao đổi, Khiêm cũng cho biết đang làm việc tại Khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).
Trong khi đó, ông Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết qua kiểm tra, không có người nào tên Nguyễn Quốc Khiêm từng công tác, làm việc tại trường hay là sinh viên theo học tại trường tính đến thời điểm hiện tại.
Bộ Công an triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân
Theo Tuoitre Online, ngày 22-2, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), tổ chức họp báo công bố cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua việc cấp căn cước công dân.
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, cho hay năm 2022 sẽ thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử, thay thế các loại giấy tờ cá nhân bằng thẻ căn cước công dân để giảm tối đa việc đi lại của công dân.
Từ ngày 25-2, C06 sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua nghiệp vụ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc.
Thiếu tá Dũng giải thích, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển.
Công dân có thể thay thế căn cước công dân và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Như vậy khi người dân thực hiện giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo", thiếu tá Dũng phân tích.
Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...
Theo đại diện C06, khi sử dụng tài khoản định danh điện tử công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
15 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học vì số ca F0 tăng mạnh
Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại các địa phương tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đã có 48/63 tỉnh, thành tạm dừng việc học trực tiếp tại trường tính đến 17:00 ngày 21-2.
15 tỉnh thành đã dừng việc học trực tiếp bao gồm Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Tiền Giang và TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).
Cụ thể, tất cả 15 tỉnh, thành nêu trên đã cho học sinh mầm non tạm dừng đến trường. Cả nước có khoảng 1,8 triệu trẻ mầm non đến trường (chiếm 55,31%).
Đối với bậc tiểu học, có gần 5,3 triệu học sinh ở 54/63 tỉnh thành tiếp tục cho học sinh đến trường (chiếm 87,06%). Có 9 địa phương dừng việc học trực tiếp, gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) và Hà Nội (12 quận nội thành).
Học sinh THCS có 60/63 tỉnh, thành vẫn tổ chức dạy học trực tiếp với hơn 4,78 triệu học sinh đến trường (đạt 90,41%). Các tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học trực tiếp bao gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội (khối lớp 6 của 12 quận nội thành).
Với khối THPT, cả nước có 62 tỉnh, thành đón học sinh đến trường. Chỉ duy nhất Lào Cai cho học sinh phổ thông dừng học trực tiếp. Tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp là 90,47%, tương đương khoảng hơn 2,3 triệu học sinh đến trường học trực tiếp.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì thời tiết rét đậm, rét hại gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hải Phòng,...
- Lịch đi học trực tiếp của học sinh cả nước
Minh Thảo tổng hợp