(SGTT) - Trẻ em không cư trú ở vùng dịch cấp 4, vùng phong tỏa thì khi đi máy bay sẽ không phải xét nghiệm Covid-19, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
- Đề xuất công bố mở cửa biên giới với quốc tế từ ngày 1-5
- Người Việt ở nước ngoài về nước không cần xin bộ, ngành phê duyệt
- Cập nhật: Yêu cầu cách ly, xét nghiệm khi về quê đón Tết của các tỉnh, thành phố trên cả nước
Ngày 21-1, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định nới lỏng điều kiện đối với hành khách đi máy bay nội địa.
Theo đó, hành khách xuất phát từ nơi lưu trú, cư trú, từ sân bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa cần có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ.
Như vậy, điều kiện đi máy bay đã được nới lỏng hơn so với trước. Hành khách từ các địa bàn khác (không phải dịch cấp 4, vùng phong tỏa) sẽ không phải trình giấy đã tiêm đủ liều vaccine hay giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19; trẻ em từ địa bàn này sẽ không phải xét nghiệm trước chuyến bay.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải hủy quy định phải xét nghiệm Covid-19 định kỳ 7 ngày một lần đối với thành viên phi hành đoàn.
Bộ Giao thông Vận tải vẫn quy định hành khách phải khai báo y tế, sử dụng ứng dụng PC-Covid. Khách sẽ không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác.
Giám đốc CDC Bắc Giang bị khởi tố, từng nói "không nhận đồng nào" từ Việt Á
Theo Vnexpress, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang, bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm khi mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Ngày 21-1, ông Tuấn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh, C03 khởi tố, tạm giam ông Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Phan Anh) và Phan Thị Khánh Vân (chị ruột của Văn).
C03 cáo buộc Giám đốc CDC Bắc Giang cùng Phan Huy Văn, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á) và một số người có sai phạm khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Việt Á sản xuất. Tổng giá trị hợp đồng hơn 148 tỉ đồng.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết ông Văn và bà Vân bị nghi nhận trên 44 tỉ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng từ Việt Á. Bà Vân chi một phần tiền cho ông Tuấn.
Tuổi trẻ Online đưa tin, trước đó, thời điểm vụ án nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 bị khởi tố, trả lời trên báo chí, ông Lâm Văn Tuấn khẳng định "không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á hay Công ty Phan Anh, còn quá trình đấu thầu thì thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn".
Ông Hiệu lý giải thêm nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ tỉnh máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã chủ động được nguồn sinh phẩm và máy móc phục vụ xét nghiệm.
Rạp phim ở Hà Nội đã sẵn sàng để mở cửa trở lại
Ngày 21-1, Văn phòng Chính phủ ban hành công điện truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xem xét đề nghị từ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu phim tại Hà Nội.
Theo nội dung công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế cùng các cơ quan ban ngành nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Theo Zing News, ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc nội dung của CGV cho biết đơn vị vẫn chờ quyết định chính thức từ cơ quan ban ngành để mở cửa rạp chiếu phim.
"Chúng tôi trông ngóng từng ngày việc hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại trước dịp Tết Nguyên đán tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Nếu rạp phim tái hoạt động trên cả nước, đây sẽ là mùa phim Tết vui, đáng nhớ của các chủ kinh doanh rạp lẫn nhà sản xuất và khán giả", anh chia sẻ.
Minh Thảo tổng hợp