Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cuộc sống của nữ giáo viên tiếng Anh trong mùa dịch Covid-19

(SGTT) - Cô Đặng Thị Hồng Phúc là giáo viên dạy IELTS tự do tại nhà và ở một trung tâm tiếng Anh tại TPHCM. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, cô phải bắt đầu làm quen với cuộc sống phòng, chống dịch kết hợp với hình thức dạy học trực tuyến.

Hơn nửa năm “kết bạn” cùng bốn bức tường, cô Hồng Phúc dần thích nghi với việc truyền đạt kiến thức thông qua màn hình máy tính và hình thành tâm thế luôn sẵn sàng dự trữ lương thực trong chiếc tủ lạnh của mình.

“Chỉ cần có rau là được là suy nghĩ của tôi trong thời gian đó. Vì vậy, khi nhận được rong biển do người nhà gửi lên tôi đã rất vui và rong biển để được lâu hơn. Dù ngon hay dở, ba mẹ cũng gửi lên vì sợ tôi đói", cô Phúc cho biết. Giờ đây, tủ lạnh của cô Phúc luôn đầy ắp đồ đông lạnh lẫn rau củ quả. Khoảng thời gian ở yên tại chỗ, cô Phúc lên mạng tìm các siêu thị để đặt hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên vì giá cả khá đắt đỏ nên nữ giáo viên đã gọi về gia đình. Lúc ấy, gia đình cũng liên tục gửi đồ khô, đồ đông lanh, rau củ, gạo, mì tôm để cô không phải đi ra ngoài khi bị phong tỏa.

Trong hai tuần hạn chế đi lại, nguyên liệu nấu ăn của cô chủ yếu là bí đỏ, bí xanh, rong biển do mẹ ở Buôn Ma Thuột gửi lên. Đây đều là những loại rau củ dễ bảo quản và sử dụng tiện lợi, giữ được độ tươi lâu hơn nhiều loại khác.

Vì vậy, khi lệnh hạn chế đi lại bắt đầu, cô đã có đầy đủ bánh bao, đồ ăn dự trữ. May mắn thay, kết thúc 2 tuần khó khăn này, cô Phúc cũng được đi chợ định kỳ, mua đồ dự trữ thêm.

Dù bình gas đang sử dụng được mua từ hai tháng trước, nhưng khi nhận thông tin thành phố sẽ giãn cách xã hội, "tôi đã chủ động thay bình gas mới để đảm bảo trong nhà không thiếu bất kỳ đồ gì", cô Phúc cho biết.

Từ lúc học viên bắt đầu về quê nghỉ lễ 30-4, cô Phúc đã linh hoạt cho các lớp của mình chuyển sang hình thức học trực tuyến, chỉ duy trì một lớp học trực tiếp. Khi có lệnh nhà cách ly với nhà, tất cả lớp học của cô cũng chuyển sang trực tuyến. Để giúp các bạn không bị gián đoạn học tập mà vẫn tiếp thu được kiến thức từ xa, lần đầu tiên cô đã phải tìm cách tự in và gửi sách về tận nhà cho từng bạn.

Một ngày, cô Phúc dạy từ 3-4 ca, mỗi ca dao động từ 2-3 tiếng với 3-4 học sinh, đủ mọi lứa tuổi, có người đang là học sinh lớp 12, người thì đã đi làm. Việc dạy học diễn ra liên tục đều đặn từ sáng đến tối. Sau khi dạy xong, cô sẽ tranh thủ chấm bài và soạn bài cho buổi học sau.

Công việc dày đặc là vậy, nhưng khi nhớ lại cô vẫn vui vẻ khi kể về những ngày không quên của mình. Nữ giáo viên tâm sự rằng bản thân đã tận dụng các khoảng thời gian trống trong ngày để học thêm nhiều điều mới, chẳng hạn như làm bánh, tưới cây, thiết kế bài giảng…

Cô Phúc thường xuyên làm bánh bao để chuẩn bị bữa sáng tại nhà cho mình trong thời gian phong tỏa.

Căn hộ cô thuê nằm trên tầng cao nhất, đó là một ngôi nhà nép mình trong con hẻm liêu xiêu. Ở đây vào mùa dịch, mọi thứ như chênh vênh đến lạ. Những căn nhà ba tầng, bốn tấm nằm sát nhau lặng lẽ cùng với tán cây đón nắng cao vời vợi. Công cụ nhận hàng chính của cô là sợi dây dài buộc vào một cái xô để thả xuống mặt đất mỗi khi shipper đến.

Thời điểm đó, người giao hàng như là “vua” của mọi nhà nên khi họ bực tức, ném hàng của mình xuống, mình cũng phải lấy thôi, cô kể với giọng cởi mở.

Khi nghe hỏi về cảm xúc trong giai đoạn khó khăn vừa qua, cô suy tư một lát rồi nói: "Bình thường, tôi thấy hai tuần nó nhanh, còn thời gian đó trôi qua rất lâu. Tôi chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường của phòng trọ. May là còn có hai chú mèo và ban công nên đỡ cảm giác tù túng hơn. Đó là những ngày tôi không bao giờ quên được".

Sẹp là tên chú mèo đã đồng hành cùng cô Phúc suốt nửa năm ở yên trong nhà, ngoài ra cô cũng có chú mèo khác tên là Mây nhưng tính khá nhát nên thường lẩn trốn riêng một góc. Cô Phúc xem Sẹp và Mây như thành viên thân thiết trong gia đình.  Lúc rảnh rỗi, cô thường chơi với hai chú mèo nhằm giải tỏa căng thẳng sau hàng giờ liền đối diện với chiếc máy tính.

"Thời điểm nghỉ dịch khiến tôi cũng stress nhưng may mắn là tôi có người yêu và gia đình động viên, cùng 2 chú mèo nên bớt áp lực hơn. Khi stress tôi thường làm bánh, bánh bao hoặc bánh quy để bớt cảm xúc tiêu cực. Có những ngày do lịch dạy dày nên đến 12:00 đêm, tôi mới làm bánh", cô Phúc chia sẻ.

Góc làm việc của cô Phúc từ thời điểm phong tỏa đến nay.
Cô Phúc thức đến tận khuya để soạn bài giảng cho ngày hôm sau.

Dịch bệnh dai dẳng kéo theo thông tin học sinh xin nghỉ học dài hạn mà cô Phúc nhận được ngày càng nhiều, thậm chí là dừng học vì kinh tế gia đình không cho phép. Các khoản thu nhập của cô Phúc cũng giảm dần.

Tuy nhiên, nhờ công việc giảng dạy tại trung tâm tiếng Anh tại TPHCM nên cô Phúc vẫn có thu nhập trong thời gian khó khăn. Bên cạnh đó, chủ nhà nơi cô đang thuê cũng hỗ trợ, giảm tiền nhà nên đỡ một phần kinh tế nhất định.

“Bởi vì tôi không ràng buộc vào ai, chỉ ràng buộc trách nhiệm với học viên của chính mình. Đó là sự ràng buộc về chất lượng hay chính là ràng buộc về lương tâm của mình. Mình dạy không tốt thì sẽ không có học viên”, cô Phúc tâm sự.

Theo cô Phúc, bí quyết để hiểu và giữ chân học viên chính là tâm sự, lắng nghe những câu chuyện từ học viên của mình.

Quan điểm của cô Phúc đặt ra là giáo viên IELTS nên trở thành người đồng thành, thay vì là thợ dạy để học sinh có tâm lý vững chãi vượt qua đợt dịch, sau đó mới nên chú ý đến việc dạy kỹ năng giao tiếp và vui với tiếng Anh hơn. Dù không có nhiều lớp trong dịch, thu nhập không cao nhưng đây cũng có thể là khoảng thời gian nghỉ xã hơi và là cơ hội để rèn luyện kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ.

Chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn trên, cô vui vẻ đáp: “May mắn nhất là khi tôi nhận tin nhắn của học sinh, không có một bạn nào báo mình bị dương tính”.

Có lẽ với cô Phúc, điều quan trọng nhất không phải là tăng thêm thu nhập hay đỡ đi một phần cơm áo gạo tiền mà chính là sự an toàn của các học trò. Những ngày không quên có thể lấy đi nhiều thứ nhưng chắc chắn nó sẽ không thể lấy đi được tấm lòng tận tụy của một người thầy.

Đặng Phương Minh

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối