(SGTT) - Người nhóm nguy cơ bao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền sẽ được tập trung nguồn lực nhằm bảo vệ sức khỏe hạn chế tỷ lệ tử vong do Covid-19.
- TPHCM: sáu đối tượng dự kiến tiêm vắc-xin mũi 3 từ ngày 10-12
- Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam và lây lan rất lớn
Sức khỏe và Đời sống đưa thông tin từ UBND TPHCM, TPHCM sẽ chính thức phát động "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" với mong muốn ngăn ngừa, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm Covid-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe, nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Theo đó, giai đoạn đầu của chiến dịch sẽ bắt đầu từ ngày 7-12 đến 31-12, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022.
Về nội dung, thành phố sẽ tiến hành khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm người trên 65 tuổi. Ngay sau đó, những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Người thuộc nhóm nguy cơ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hai lần, cách nhau 3 ngày (nếu lần 1 âm tính). Nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần đều âm tính thì sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành". Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng virus (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho người F0.
Sở Y tế chịu trách nhiệm ưu tiên phân bổ nguồn thuốc kháng virus cho F0 thuộc nhóm nguy cơ. Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện sẽ đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người thuộc nhóm nguy cơ
Cũng theo Sức khỏe và Đời sống, đối với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc-xin an toàn. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm thì tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm vắc-xin tại nhà.
Đối với người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều, triển khai tiêm liều nhắc nếu đã tiêm mũi cuối trên sáu tháng. Đối với các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Văn bản cũng nêu rõ, thời gian hoàn thành tiêm vắc-xin cho người thuộc nhóm nguy cơ sẽ thực hiện trước ngày 29-12.
Song song đó, các hoạt động tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền cho người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" sẽ chịu trách nhiệm và phối hợp Trạm y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn kịp thời phát hiện các trường hợp nặng để sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện.
WHO: Nhóm trẻ từ 5 đến 14 tuổi hiện là nhóm mắc bệnh nhiều nhất
Tuổi trẻ Online cập nhật, trong phát biểu ngày 7-12, giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, lưu ý việc số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh ở mọi lứa tuổi và tăng mạnh nhất ở nhóm trẻ từ 5 đến 14 tuổi.
"Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em cao hơn 2 đến 3 lần so với trung bình dân số không phải điều bất thường", Hãng tin AFP dẫn lời ông Kluge nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc này không chỉ đe dọa sức khỏe của trẻ em mà chúng còn làm tăng nguy cơ lây cho cha mẹ, ông bà của các em ở nhà.
"Các nước nên thảo luận và cân nhắc việc tiêm ngừa cho trẻ em", ông Kluge nói. Ngoài ra, WHO cũng đưa ra các đề xuất như tăng cường thông khí, đeo khẩu trang trong các trường học.
Ngoài ra, vị giám đốc của WHO tại châu Âu khuyến cáo các nước không nên áp biện pháp bắt buộc tiêm ngừa Covid-19. Theo ông, đây nên là giải pháp sau cùng khi mọi cách khác nhằm nâng tỉ lệ tiêm ngừa không còn tác dụng.
Ông Kluge cho biết dù việc bắt buộc tiêm ngừa sẽ giúp nâng tỉ lệ tiêm trong một số trường hợp, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến "niềm tin của công chúng".
Bộ GTVT đề xuất thí điểm bay quốc tế thường lệ từ 15-12
Bộ GTVT ngày 7-12 vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất Kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 12-2021, đây là thông tin được đăng trên Người Lao Động
Tại văn bản mới nhất này, Bộ GTVT đề xuất giai đoạn thí điểm trước khi khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ. Giai đoạn thí điểm chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện ngay từ 15-12, kéo dài 2 tuần.
Trong giai đoạn này sẽ tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và chín thị trường có hệ số an toàn cao gồm Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).
Sân bay tiếp nhận là Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Tần suất là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).
Giai đoạn 2, ngoài chín thị trường trong giai đoạn 1, dự kiến mở rộng các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam tới các thị trường gồm Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Kông, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga).
Ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các sân bay dự kiến đón chuyến bay là Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tăng tần suất lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).
Giai đoạn nay dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1-2022, kéo dài 1 tháng.
Trong thời gian thực hiện Giai đoạn 2 thí điểm khôi phục các đường bay quốc tế, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để tham mưu việc khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ như trước đây.
Phùng My tổng hợp