Ngày 7-12, hơn 20 nhà quản lý và nhân viên đến từ các công ty du lịch tại Quảng Nam đã đến và tham quan các mô hình giảm thiểu – tái chế rác thải tại thành phố Hội An.
- TPHCM: sáu đối tượng dự kiến tiêm vắc-xin mũi 3 từ ngày 10-12
- Hành khách thích thú khi lần đầu được đi xe buýt điện thân thiện với môi trường
Chuyến tham quan này nằm trong chương trình “Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – Điểm đến xanh 2021-2023” do UBND thành phố Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến tham quan này là cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành. Tại đây các doanh nghiệp được giới thiệu về cơ sở phục hồi tài nguyên và cửa hàng cộng đồng.
Cơ sở này tính đến nay hoạt động được hơn 7 tháng, được các doanh nghiệp và người dân tại đây nhận bàn giao từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Green Youth Collective và Reform Plastic (hai đơn vị sau chuyên thu gom và tái chế, sản xuất chất thải rắn thành các sản phẩm gia dụng).
Cơ sở này là điểm tập kết các loại chất thải rắn được phân loại, bao gồm tất cả đồ nhựa, giấy, kim loại và chất thải nguy hại. Theo định kỳ, thành viên từ Green Youth Collective và Reform Plastic đến cơ sở này để thu gom và chuyển về cơ sở tái chế hiện được đặt tại trung tâm xử lý rác thải Hội An.
Trong khi đó, cửa hàng cộng đồng tại đây là nơi tập hợp nhiều sản phẩm tái chế.
Điểm đến tiếp theo của đoàn là cửa hàng Đong Đầy (Refillables) nơi đang thực hiện mô hình tái sử dụng sản phẩm và mua sắm không bao bì.
Chủ nhân là một gia đình người Canada, yêu mến Hội An và đến cùng chung sống với bà con nông dân ở làng Thanh Đông, xã Cẩm Thanh. Gia đình mở shop này để giới thiệu các sản phẩn thân thiện với môi trường như xà phòng làm bằng tay từ dầu mỡ thực phẩm thừa, tái chế, các bao bì thay thế vật dụng bằng nhựa dùng một lần, hoặc các đồ dùng làm bằng tre, cỏ, vật liệu địa phương.
Shop Đong đầy quan tâm lớn đến vật dụng tái sử dụng, đồ chứa lớn được đựng trở lại, tránh nhiều bao bì nhỏ, đăc biệt là bằng nhựa thải ra môi trường gây ô nhiễm, nhất là đại dương.
Nhà hàng Chùm Ngây, nơi đang thực hiện mô hình tái chế rác hữu cơ đô thị và cho cơ sở kinh doanh, là điểm “học” tiếp theo của các doanh nhân du lịch trong tour tuần hoàn rác thải này. Tại đây, các mô hình nuôi trùn quế và ruồi đen để làm phân hữu cơ chăm sóc cây trồng, sản xuất nước rửa chén từ vỏ trái cây, ủ rác thực vật thành phân hữu cơ và nuôi gà theo phương pháp hữu cơ được giới thiệu.
Cuối chương trình, thành viên trong đoàn tham gia “bữa ăn tuần hoàn” tại nhà hàng - café Phynig với nhiều loại lá, rau được trồng theo phương pháp hữu cơ và món ăn được chế biến theo công thức hạn chế rác thải.
Cũng tại bữa ăn, thành viên trong đoàn lắng nghe thêm thông tin về chương trình “Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – Điểm đến xanh 2021-2023” cũng như đăng ký tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chia sẻ khi Hội An nâng tầm du lịch xanh, khách sẽ đến Hội An nhiều hơn, tất cả đều hưởng lợi. “Vì vậy tất cả doanh nghiệp phải cùng nhau tham gia làm xanh, bền vững bên cạnh phát huy giá trị di sản bản địa”, ông Thủy chia sẻ.
Nhân Tâm
Theo Kinh tế Sài Gòn Online