Đại dịch Covid-19 sẽ gây tổn thất thêm 2.000 tỉ đô la Mỹ cho ngành du lịch toàn cầu trong năm 2021 sau khi ngành này đã chịu thiệt hại với con số đương tương vào năm ngoái, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO) công bố hôm 29-11.
- Hậu Covid-19: du lịch thế giới thay đổi theo hướng bền vững hơn
- Covid-19 gia tăng làm nhiều điểm đến giữ nguyên các hạn chế đi lại
Báo cáo cho biết tổng lượt du khách quốc tế trên toàn cầu trong năm nay vẫn thấp hơn 70-75% so với 1,5 triệu lượt khách quốc tế được ghi nhận vào năm 2019, trước lúc đại dịch Covid-19 ập đến.
Nếu tính cả năm ngoái, ngành du lịch toàn cầu đã chịu tổn thất đến 4.000 tỉ đô la, trở thành một trong những ngành bị giáng đòn nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Báo cáo cũng dự báo doanh thu của ngành du lịch quốc tế có thể đạt 700-800 tỉ đô la trong năm 2021, cải thiện rất ít so với năm 2020 và vẫn chưa đạt phân nửa con số 1.700 tỉ đô la được ghi nhận trong năm 2019.
Báo cáo ghi nhận lượng du khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ trong mùa hè vừa qua ở Bắc bán cầu nhờ độ bao phủ vaccine được mở rộng, nhiều nước nới lỏng các hạn chế đi lại, niềm tin của du khách tăng lên.
“Dù cải thiện trong quý 3, tốc độ phục hồi của ngành du lịch toàn cầu vẫn không đồng đều ở các vùng trên thế giới do niềm tin của du khách, tỷ lệ tiêm vaccine và các hạn chế đi lại ở các mức độ khác nhau”, báo cáo giải thích.
Lượt khách quốc tế đến một số đảo nghỉ dưỡng ở vùng Caribê và Nam Á cũng như một số điểm đến ở nam châu Âu đã tăng lên sát mức trước đại dịch trong quý 3 và thậm chí có những lúc vượt mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều nước khác vẫn hầu như vắng bóng du khách quốc tế, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nơi số lượt khách quốc tế giảm 95% so với năm 2019 khi nhiều điểm đến ở khu vực này vẫn đóng cửa.
Theo UNWTO, có 46 điểm đến, chiếm 21% tổng số điểm đến trên toàn thế giới, vẫn đang đóng cửa biên giới hoàn toàn với du khách.
Báo cáo của UNWTO được đưa ra giữa lúc châu Âu đang ứng phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới cũng như thế giới đang siết chặt các biện pháp đi lại với khu vực nam châu Phi để ngăn chặn biến thể Omicron, được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Delta.
Cho đến nay, các ca nhiễm biến thể Omicron đã được phát hiện tại Nam Phi, Botswana, Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Israel, Úc và Hồng Kông.
UNWTO không đưa ra dự báo cụ thể về tăng trưởng của ngành du lịch toàn cầu trong năm sau nhưng triển vọng trong trung hạn của ngành này nhìn chung vẫn ảm đạm.
UNWTO cho biết tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 không đồng đều trên khắp thế giới dù có cải thiện trong thời gian gần đây và các biến thể mới như Delta và Omicron “có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi vốn chậm và mong manh của ngành du lịch toàn cầu”.
Trao đổi với hãng tin AFP, Tổng thư ký UNWTO, Zurab Pololikashvili cho rằng việc nhiều nước tái áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế mới để kiểm soát Covid-19 trong những tuần gần đây cho thấy tình hình kinh doanh của ngành du lịch rất khó dự báo.
Ông nói: “Đó là một cuộc khủng hoảng lịch sử trong ngành du lịch… Tôi thực sự hy vọng rằng năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021”.
Dù ngành du lịch toàn cầu đã chịu tác động của các đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ, Covid-19 là một đại dịch chưa có tiền lệ về mức độ lây lan rộng khắp trên thế giới.
UNWTO cho biết bên ngoài những hạn chế đi lại, ngành du lịch cũng ứng phó với sức ép kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, đà tăng của giá dầu và tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn.
Ông Zurab Pololikashvili kêu gọi các nước phải dung hòa các quy trình kiểm tra sức khỏe và các hạn chế khác liên quan đến Covid-19 vì du khách đang bối rối, không biết chính xác làm thế nào để đi du lịch.
Tương lai của ngành du lịch toàn cầu sẽ là chủ đề trọng tâm được thảo luận tại kỳ họp thường niên lần thứ 24 của Đại hội đồng UNWTO, khai mạc ở Madrid (Tây Ban Nha) vào ngày 30-11.
Kỳ họp ban đầu được lên kế hoạch tổ chức ở Marrakesh, Morocco vào cuối tháng 10. Tuy nhiên sau đó, chính phủ Morocco quyết định không đăng cai sự kiện này do số ca nhiễm Covid-19 tăng lên ở nhiều nước.
Hôm 26-11, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo các biện pháp hạn chế đi lại để ứng phó các biến thể của virus SARS-CoV-2 không phải là giải pháp trong dài hạnTổng Giám đốc IATA, Willie Walsh nói: “”Các chính phủ đang ứng phó với những rủi ro của biến thể Covid-19 mới trong hình thức khẩn cấp, gây lo sợ cho những người dân đang du lịch. Chúng ta phải sử dụng kinh nghiệm trong hai năm qua để chuyển sang phương pháp tiếp cận có sự phối hợp dựa vào dữ liệu nhằm tìm ra các giải pháp thay thế an toàn cho biện pháp đóng cửa biên giới và cách ly”.
Chánh Tài
Theo KTSG Online, AFP, CNN