(SGTT) - Gần đây, nhiều người rỉ tai nhau đi tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn như một liều tăng cường giúp cơ thể chống chọi với Covid-19. Tuy nhiên, có thực sự như vậy không? Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của TS Tạ Thanh Sơn đang công tác tại Viện Công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg (Đức) về thực chất của loại vắc-xin phòng viêm phế cầu khuẩn.
Tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn giúp cho bệnh nhân giảm nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp thông thường, vốn có triệu chứng gần giống với Covid-19. Tuy nhiên, với người lớn khỏe mạnh dưới 60 tuổi không cần được tiêm phòng phế cầu khuẩn vì đã có sức đề kháng tốt của hệ miễn dịch.
- TPHCM: 3/4 F0 tử vong là người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều
- Phó giám đốc Sở Y tế: Bệnh viện bắt buộc phải tiếp nhận bệnh nhân Covid-19
Đổ xô đi tiêm vắc-xin phế cầu
Sau giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại, tiếp xúc xã hội của người dân tăng cao. Cùng với đó, thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát trở lại. Những người có sức đề kháng kém không thích nghi kịp thời với sự thay đổi của thời tiết, sẽ rất dễ bị nhiễm các bệnh lý hô hấp nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, cúm…
Lo ngại trước tình trạng này, trong thời gian gần đây, nhiều người dân đổ xô đi tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn, cụ thể là vắc-xin phế cầu Prevenar 13 phòng bệnh viêm phổi do các chủng phế cầu gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn. Ngoài ra, triệu chứng các bệnh lý viêm đường hô hấp do chủng phế cầu gây ra có thể bị nhầm lẫn với Covid-19 nên việc tiêm vắc-xin phế cầu giúp loại trừ bớt các bệnh viêm đường hô hấp không do SARS-CoV-2 gây ra.
Theo lời giới thiệu của nhân viên ở một cơ sở tiêm chủng tại TPHCM, “đối với trẻ em trên 24 tháng, cũng như người lớn, loại vắc-xin này có lịch tiêm 1 mũi duy nhất, giúp bảo vệ trọn đời và không cần tiêm nhắc lại”. Mức giá tiêm chủng cho loại vắc-xin phế cầu Prevenar 13 là hơn 1,2 triệu đồng/1 mũi tiêm.
Vậy việc tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn có thực sự cần thiết cho thời điểm hiện tại? Với những người chưa từng tiêm loại vắc-xin này trước đây, có nên nôn nóng đi tiêm chủng và việc tiêm chậm loại vắc-xin này liệu có ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cơ thể không?
Ngộ nhận sai lầm về tác dụng vắc-xin phế cầu
Phế cầu khuẩn (Pneumococci) là vi khuẩn xuất hiện trong vòm họng ở khoảng 5 đến 20% dân số trên toàn thế giới. Phế cầu khuẩn cư trú trong vòm họng của con người, hầu hết không gây ra triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, nếu lây lan cục bộ, chúng có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm tai giữa) và đường hô hấp dưới (viêm phổi).
Nghiêm trọng nhất khi phế cầu khuẩn xâm nhập vào các vùng vô trùng của cơ thể như hệ tuần hoàn và não bộ. Nhiễm trùng huyết thường xảy ra cùng với bệnh viêm phổi. Phế cầu khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi, bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở người lớn và trẻ nhỏ và là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ngộ độc máu ở trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm trùng phế cầu là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng nhất trên toàn thế giới.
Phế cầu được truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Điều này có thể xảy ra, chẳng hạn như khi bạn ho hoặc hắt hơi. Các giọt truyền nhiễm bay vào không khí. Hít phải những giọt nước này có thể truyền vi khuẩn. Vì vậy, con đường lây nhiễm này còn được gọi là nhiễm trùng giọt.
Đáng lưu ý, việc chủng ngừa phế cầu khuẩn không bảo vệ mọi người khỏi Covid-19 vì Covid-19 có nguyên nhân là virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiễm trùng phế cầu có thể dẫn đến viêm phổi nặng và nhiễm trùng huyết, bệnh nhân cần được chăm sóc trong phòng điều trị đặc biệt. Điều này sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho một hệ thống y tế vốn đã quá tải nặng nề.
Việc tiêm vắc-xin cũng giúp ngăn ngừa bớt các bệnh về viêm đường hô hấp trong giai đoạn giao mùa hiện nay, và đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Đối tượng nào cần tiêm vắc-xin phế cầu?
Người lớn khỏe mạnh dưới 60 tuổi không cần được tiêm phòng phế cầu khuẩn vì đã có sức đề kháng tốt của hệ miễn dịch.
Trẻ em dưới 2 tuổi được chủng ngừa tổng cộng ba lần và nên được thực hiện khi trẻ được 3 tháng tuổi, 5 tháng tuổi và 12 tháng tuổi. Để tránh các bệnh nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và gây biến chứng nguy hiểm, thời điểm bắt đầu tiêm phòng vào tháng thứ 3 của cuộc đời cần được tuân thủ.
Ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh, trẻ em vẫn nên được tiêm vắc-xin đúng lịch. Vì hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện, việc trì hoãn lịch tiêm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm phổi... trở nặng và khó điều trị hơn.
Nguy cơ mắc các bệnh nặng do phế cầu khuẩn tăng lên đáng kể từ 60 tuổi trở lên. Vì vậy, tất cả người già đều nên được tiêm phòng ít nhất một lần. Những bệnh nhân có nguy cơ cao và thuộc vào nhóm có chỉ định tiêm phòng như mắc các bệnh mãn tính về phổi hoặc tim, bị suy giảm miễn dịch... cũng nên được chủng ngừa. Việc tiêm phòng cho nhóm này nên được lặp lại 6 năm/1 lần.
Trong các cuộc khủng hoảng y tế, chẳng hạn như đại dịch Covid-19, có thể có tắc nghẽn trong việc phân phối bao gồm cả vắc-xin phế cầu.
Theo các chuyên gia của Viện dịch tễ Robert Koch tại Đức, lúc này những nhóm có nguy cơ cao nên được ưu tiên tiêm vắc-xin. Vì bệnh nhân thuộc nhóm này có nhiều nguy cơ bị bệnh phế cầu khuẩn nặng và gây tử vong. Cụ thể, trẻ em từ 2 tháng đến 2 tuổi được chủng ngừa phế cầu bằng vắc-xin phối hợp Prevenar 13. Nếu vắc-xin Prevenar 13 không có sẵn có thể sử dụng Synflorix. Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người cao niên trên 70 tuổi và bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính nên được tiêm phòng phế cầu bằng vắc-xin Pneumovax 23.
TS Tạ Thanh Sơn
Viện Công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg, Đức