(SGTT) - Theo Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, hôm nay ngày 31-10, nước ta ghi nhận thêm 5.519 ca mắc Covid-19. Cũng trong ngày, có 1.998 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi tại nước ta đến thời điểm hiện tại là 820.334 ca.
- Cuối tuần chèo SUP ngao du trên sông Sài Gòn
- Du lịch tăng nhiệt, TPHCM mở rộng kết nối ra miền Trung
Trải qua 24 tiếng (tính từ 16:00 ngày 30-10), trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.519 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 5.504 ca ghi nhận trong nước (tăng 280 ca so với ngày trước đó)
Cụ thể, các ca nhiễm mới được ghi nhận tại TPHCM (1.041), Đồng Nai (688), Bình Dương (672), Bạc Liêu (415), An Giang (342), Kiên Giang (295), Tiền Giang (222), Sóc Trăng (180), Đắk Lắk (157), Bình Thuận (130), Cần Thơ (130), Tây Ninh (110), Long An (109), Hà Giang (103), Trà Vinh (83), Đồng Tháp (83), Bà Rịa - Vũng Tàu (64), Gia Lai (63), Cà Mau (60), Ninh Thuận (58), Bến Tre (54), Bình Phước (49), Hà Nội (46), Hậu Giang (38), Vĩnh Long (36), Phú Thọ (35), Bắc Ninh (33), Thanh Hóa (23), Hà Nam (22), Khánh Hòa (21), Bắc Giang (20), Nghệ An (19), Quảng Nam (18), Thừa Thiên Huế (17), Bình Định (15), Quảng Trị (14), Quảng Bình (9), Quảng Ngãi (7), Nam Định (6), Đà Nẵng (4), Phú Yên (3), Ninh Bình (3), Thái Bình (2), Hải Phòng (2), Hải Dương (2), Lạng Sơn (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước bao gồm Tây Ninh giảm 93 ca, Nam Định giảm 18 ca, Ninh Thuận giảm 11 ca. Trong khi, một số địa phương lại ghi nhận số ca nhiễm tăng cao như An Giang tăng 111 ca, Bình Thuận tăng 51 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 39 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 921.122 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.352 ca nhiễm).
Trong ngày, có 1.998 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi tại nước ta đến thời điểm hiện tại là 820.334 ca . Ngoài ra cũng có 2.840 bệnh nhân nặng đang được điều trị. Trong hôm nay, nước ta đã ghi nhận 53 ca tử vong tại TPHCM (21), Bình Dương (7), Cần Thơ (5), Đồng Nai (4), Sóc Trăng (4), Bạc Liêu (3), Long An (3), Vĩnh Long (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Tiền Giang (1), Kiên Giang (1), Đắk Lắk (1).
Đối tượng trẻ em cần trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 5002/QĐ-BYT về “Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em”, thông tin được Thanh Niên cập nhật.
Theo hướng dẫn này, khi khám sàng lọc, trước tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đối với trẻ em, nhân viên y tế cần đo thân nhiệt, nhịp tim. Cần đánh giá sức khỏe thông qua bảng kiểm với 8 yếu tố sàng lọc bao gồm tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin; đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; tiền sử dị ứng với bất kỳ tác nhân nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; trẻ từng có dị ứng phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ tác nhân nào trước đó (cần ghi rõ tác nhân dị ứng…); các chống chỉ định, trì hoãn.
Nếu trẻ đủ điều kiện thì tiêm chủng ngay, khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc-xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Chống chỉ định tiêm vắc-xin cùng loại khi có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin.
Trẻ cần thận trọng tiêm chủng là các trường hợp có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Cần chuyển trẻ đến khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi có mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; hoặc khi nghe tim, phổi bất thường; trẻ từng có dị ứng phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam tiếp cận trên 107 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ các nguồn. Ước tính, Việt Nam cần hơn 18 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm cho hơn 9 triệu trẻ từ 12 - 17 tuổi.
Thu phí từ 40.000 đến 70.000 đồng đối với ô tô vào quận 1 và quận 3, TPHCM
Tuổi trẻ online đưa tin, Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa có báo cáo UBND thành phố về việc lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm (quận 1, 3).
Trong đó, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD - nhà đầu tư) đề xuất thu phí khung giờ cao điểm 6:00 – 9:00 và 15:00 – 19:00. Hệ thống thu phí sẽ được xây dựng bao quanh quận 1, quận 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Một trung tâm điều hành sẽ được xây dựng để xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho xe hơi và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm ôtô biển xanh.
Xe buýt và các loại xe ưu tiên như xe cứu hỏa, xe cứu thương... sẽ được miễn phí. Xe taxi có đăng ký tại thành phố sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe. Theo báo cáo, việc này sẽ giúp cho việc quản lý số xe taxi lưu hành trong thành phố, giảm ảnh hưởng của việc xe công nghệ, các loại xe taxi mang biển số tỉnh đang phát triển quá nhanh, phá vỡ quy hoạch như hiện nay.
Các mức phí như trên, đơn vị đề xuất lập dự án cho biết sẽ được cập nhật trong báo cáo nghiên cứu khả thi do HĐND TPHCM thông qua.
Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 10 năm, tổng kinh phí 2.274 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 478 tỉ đồng và tổng chi phí vận hành trong 10 năm gần 1.796 tỉ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp vốn để thực hiện dự án theo hợp đồng. Khoản thu trực tiếp từ dự án PPP sẽ dùng một phần để thanh toán chi phí vận hành của doanh nghiệp dự án 1.796 tỉ đồng, còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Phương án thiết kế, hệ thống cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai gồm các tuyến đường như Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc.
Doanh thu sửa chữa ô tô, xe máy tại TPHCM đạt hơn 800 tỉ đồng
Pháp Luật Online vừa cập nhật, nhiều đơn vị kinh doanh quá tải, lượng khách tăng mạnh do người dân có nhu cầu bảo dưỡng xe cộ sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 (gồm thương nghiệp, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) dự ước đạt 43.602 tỉ đồng, tăng 27% so với tháng trước.
Một số nhóm ngành có tốc độ tăng cao so với tháng trước như sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ ước đạt 810 tỉ đồng, tăng hơn 8 lần so với tháng trước. Nhiều đơn vị kinh doanh quá tải, lượng khách tăng mạnh do người dân có nhu cầu bảo dưỡng xe cộ sau khi chấm dứt giãn cách xã hội.
Đáng chú ý doanh thu hàng may mặc đạt 1.925 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng năm trước và doanh thu phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước 2.257 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần.
Trong tháng 10, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 598 tỉ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước. Trong đó, hoạt động ăn uống ước đạt 548 tỉ đồng, tăng 13,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 92,6%.
Phùng My tổng hợp