Nếu “hòn đất mà biết nói năng”, thì đất sẽ nói gì nhỉ?

“Tôi chỉ tin vào cảm giác”, thi sĩ Guillaume Apollinaire đã nói như vậy. Nhưng tôi còn muốn nói thêm: “Tôi tin vào cảm giác đất nung”, khi đứng trước các tháp Chàm. Người ta nói, gạch xây lên các tháp Chàm là gạch sống (chưa nung). Có lẽ đúng vậy. Nhưng thứ gạch ấy đã được nung, qua thời gian, qua nắng gió. Và tháp Chàm đã được nung, như một người cởi trần đi suốt qua những tháng năm. Nếu ngắm kỹ, bạn sẽ thấy có những tháp Chàm nam tính và những tháp Chàm nữ tính.

Tháp Bánh Ít

Chẳng hạn, ba ngọn tháp Dương Long (Bình Định) như ba anh em trai, còn những ngọn tháp ở Phan Rang (Ninh Thuận) lại giống như những người đàn bà Chàm đầu đội những chiếc vò bằng đất nung.

Tại sao đất nung lại tạo ra và truyền được cảm giác mạnh hơn đất thường? Có lẽ, đây là sự kết hợp kỳ lạ giữa Thổ và Hỏa để tạo nên một vật chất mới, nhẹ hơn, xốp hơn, rỗng hơn. Hỏa - Thổ tương sinh.

Vâng, tôi đã thấy cái ánh lửa màu gan gà ấy rừng rực những tháp Chàm hoàng hôn. Khi xây lên những đền đài theo kiểu riêng, những kim tự tháp Chàm, người thợ nghệ sĩ chỉ để cất giấu niềm tin về sự phục sinh. Không phải phục sinh những vương triều mà phục sinh một khát vọng hòa đồng cùng vũ trụ, một niềm tin vào sự tồn tại bí ẩn của con người. Tất cả thông qua vật dẫn là đất nung.

Nếu bây giờ người ta đang nghiên cứu một loại sứ đặc biệt làm vật liệu siêu dẫn, thì từ rất xa xưa, người Chàm đã biết điều đó. Và họ chọn đất nung để dẫn cảm giác, và như một cảm giác, một cảm giác siêu dẫn. Tại sao mỗi khi áp tai vào những viên gạch Chàm, vào một bức tượng nhỏ bằng đất nung, thậm chí vào một chiếc nồi đất ở quê ta, chợt một luồng ấm nóng truyền nhanh từ bàn tay đến khắp châu thân. Lúc ấy, ta đã vào được đất nung, đã có cùng cảm giác với đất nung, nhẹ và ấm.

Thánh địa mỹ sơn
Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam được giới thiệu trên Google Arts & Culture. Ảnh chụp màn hình.

Tiếp xúc với đất nung, tự nhiên các giác quan của ta hòa hợp: mắt và tai được nghỉ ngơi trên màu và âm thân mật, ấm áp. Làn da và mũi nghe được hơi thở và mùi thơm của đất chín. Cuối cùng, có thể cảm trong miệng một vị cay và hơi mặn. Nhưng sự mở cửa của ngũ quan là để cho ta một cảm giác về thời gian, một thời gian xa hàng vạn, hàng chục vạn năm trước đọng trong đất nung, một thời-gian-đất-nung. Có thể, đó là một trong số ít người bạn thân thiết đầu tiên của loài người, lặng lẽ theo con người qua nhiều thiên niên kỷ phát triển. Và như thế, cặp mắt hôm nay của ta nhìn đất nung là cặp mắt của hàng vạn năm đã nhìn đất nung.

Những cảm giác hôm nay ta có được từ đất nung cũng là những cảm giác thuở nào của con người trong hang đá có được lần đầu khi họ sáng tạo ra những vật phẩm từ đất. Nếu bây giờ người ta lo sợ xã hội hiện đại như một “chiếc hòm công cụ” mà con người tự nguyện hay không tự nguyện nhốt mình trong đó, thì tôi tin, đất nung có thể góp phần giải thoát cho họ, bởi từ lâu rồi, đất nung không còn là công cụ nữa. Đất nung chỉ còn là một cảm giác thân mật, ấm áp đối với con người, chỉ còn là vật truyền dẫn cho những ý tưởng sáng tạo, nó đã là một thứ vật chất-tinh thần, một môi trường chứa khả năng thăng hoa.

May mắn cho nhà điêu khắc hiện đại nào chọn đất nung cho những sáng tạo của mình. Tôi đã được xem một số tượng nhỏ bằng đất nung của Lê Liên và tôi cảm nhận được điều đó. Không phải vô cớ mà những nghệ sĩ Chàm đã chọn đất nung cho những tượng đài vĩnh cửu-những tháp Chàm. Và những phù điêu của họ khắc thẳng vào đất trên những tháp Chàm đã chứng tỏ sức sống linh thánh của chúng qua hàng thiên niên kỷ. Được nung nấu bởi thời gian, những tháp Chàm bằng đất càng thêm tuổi thì càng sinh động, càng sống.

Dù là Thổ - Mộc tương khắc chăng nữa, thì những cây địa lan, địa y mọc trên thân hình những tháp Chàm có thể phần nào ảnh hưởng đến độ bền vững của tháp, nhưng chúng lại tạo cho tháp một vẻ cổ xưa, một sự sống động hoang dã thần bí hoàn toàn đáp ứng tâm nguyện của những người xây dựng tháp. Ở đó, vào những thời khắc mặc định trong một ngày, một mùa, tháp-Chàm-đất-nung đã thăng hoa thành âm thanh, thành âm nhạc. Những lúc ấy, độ trong và ấm của đất nung đã đạt tới cõi. Nó không còn là vật chất nữa. Nó đã là tinh thần. Có thể nghe được những thì thầm của nó, như những lời khấn nguyện. Ai cũng biết trong ngũ hành, đất là trung tâm. Chỉ cấu trúc của đất, tiếng nói của đất đáp ứng thẳng được với những hành tinh khác trong vũ trụ.

Những tháp Chàm xây rỗng bên trong, với cửa quay thẳng hướng mặt trời mọc, với một ô vuông trên đỉnh tháp mở thẳng vào trời xanh, đúng là nơi tích tụ khí thiêng trong cái vỏ đất nung. Và qua đất-nung-siêu-dẫn, những ước nguyện của mỗi con người, của cả dân tộc sẽ được siêu thoát.

Từ lâu rồi, những cuộc hành lễ đã không còn được thực hiện ở phần lớn các tháp Chàm. Đó là một thiếu hụt cho con người hiện đại, dù họ không phải người Chàm, bởi niềm tin vào những điều thiêng liêng dành cho tất cả mọi người. Cũng như từ lâu rồi, người ta không còn dùng những nồi đất, trã đất, ấm đất trong nhà nữa mà thay vào đó là những vật dụng bằng những chất liệu “tân kỳ” hơn. Nhưng rồi một lúc nào đó, ta chợt nhớ, ta chợt thấy thiếu cái gì. Ta cần một chất liệu ấm nóng đã quên lãng.

thánh địa mỹ sơn
Thánh địa Mỹ Sơn

Bấy giờ, đất nung sẽ hiện lên trong tâm trí ta. Bấy giờ, ta sẽ thèm một bát “cơm niêu”, một tô “nước lọ”, tất cả đều ở trong cái vỏ đất nung. Bấy giờ, ta sẽ thèm chạm làn da tay nhạy cảm vào màu nâu, vào sự thô nhám thân mật, tai ta thèm nghe một âm thanh trầm ấm, và mũi ta như đánh hơi được hương đồng nội, với mùi lúa, mùi bùn, mùi nắng. Ta thèm đất nung, như những người đàn bà mang thai thèm đất nung. Những người đàn bà sắp làm mẹ ấy, họ có thể ăn ngon lành cả một cái nồi bằng đất. Họ có nhu cầu truyền đất nung cho con họ.

Nghĩa là tự bản chất, con người là anh em với đất nung. May mắn thay cho ai cảm giác được điều đó, nó sẽ cho họ sự an ủi và giải thoát. Như tổ tiên họ đã từng được an ủi và được giải thoát. Nhờ đất nung.

Nhật Chung

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây