Các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán 2015 sắp tới, và kỳ vọng sức mua sẽ được cải thiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Trong khi đó, các tiểu thương ở chợ vẫn đang theo dõi nhịp đập của thị trường để tích trữ hàng hóa bán dịp tết.
Nguồn cung tăng nhẹ
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), dự báo sức mua thị trường Tết 2015 cải thiện, nhưng tốc độ tăng sẽ không nhiều so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như lạp xưởng, giò lụa, giò thủ, thịt heo đùi... vẫn là ưu tiên hàng đầu trong mua sắm, nên Vissan sẽ tăng thêm nguồn hàng khoảng 10% so với ngày thường và tết năm ngoái, với tổng doanh thu dự kiến khoảng 670 tỉ đồng.
Vissan đã chuẩn bị 46.000 con heo, 1.500 con bò để cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 tấn thịt tươi và 4.000 tấn thịt chế biến các loại. Bắt đầu từ ngày 1-12, công ty này sẽ tung ra thị trường ba sản phẩm mới, đó là lạp xưởng tươi hút chân không, giò bò không hàn the và xúc xích tươi.
Ông Mười cho biết, sau khi giảm giá các mặt hàng thịt tươi từ ngày 5-11, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, Vissan dự báo giá cả các mặt hàng sẽ ổn định đến qua tết. Đồng thời, để kích cầu tiêu dùng, công ty sẽ có những chính sách giảm giá, khuyến mãi cho khách hàng tùy theo từng thời điểm của tết.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food (SGF), chuyên thức ăn chế biến, thực phẩm đóng gói, nhận định trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu nên sức mua sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, vì là năm nhuần, Tết Dương lịch và Âm lịch cách xa nhau, nên cơ hội bán hàng sẽ tốt hơn tết năm ngoái. Do vậy, SGF dự kiến sản lượng tiêu thụ và doanh thu Tết 2015 sẽ tăng 5-10% so với dịp Tết năm 2014.
Bà Lâm cho biết SGF đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, với số lượng dự kiến khoảng 550 tấn thành phẩm. Trong đó, giá các sản phẩm hầu như không tăng, ngoại trừ giá một số mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng khoảng 5-8%. Để thu hút người tiêu dùng, SGF đã có những cải tiến cả về chất lượng và bao bì sản phẩm. Đồng thời, ngoài những mặt hàng truyền thống như lẩu, lạp xưởng tôm, lạp xưởng xông khói ăn liền... công ty sẽ đưa ra thị trường hai đặc sản là cồi sò điệp đông lạnh và tôm hấp đông lạnh.
Bà Lê Ngọc Phượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, dự đoán xu hướng tiêu dùng thực phẩm mùa Tết Ất Mùi 2015 chủ yếu vẫn là thịt heo tươi, song sản lượng có thể không tăng so năm ngoái; ngược lại, mức tiêu thụ thịt gà có thể sẽ tăng hơn năm ngoái. Mức tiêu thụ của nhóm hàng thực phẩm chế biến như chả lụa, lạp xưởng, chả giò dự kiến tăng khoảng 5%, còn các sản phẩm còn lại như xúc xích, jambon, pâté... cũng có mức tiêu thụ tương đương với mùa tết năm ngoái.
Ngay từ đầu tháng 9, công ty này đã dự trữ nguyên liệu thức ăn gia súc và gia cầm, đàn heo, đàn gà và các nhóm nguyên liệu phục vụ chế biến thực phẩm. Theo kế hoạch, sản lượng tiêu thụ cho ba tháng tết (trước, trong và sau tết) phục vụ chương trình bình ổn thị trường gồm 235 tấn thịt heo tươi sống, 140 tấn thịt gà thả vườn nguyên con, 65 tấn thực phẩm chế biến. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cung ứng thêm cho thị trường 20 tấn thịt heo, 10 tấn gà thả vườn nguyên con và 20 tấn thực phẩm chế biến.
Tiểu thương nghe ngóng
Không giống như các doanh nghiệp sản xuất, các tiểu thương ở chợ chưa rục rịch gì nhiều trong việc chuẩn bị hàng bán tết, vẫn đang nhìn vào sức chi tiêu của người tiêu dùng để lên kế hoạch nhập hàng bán mùa tết. Sự chuẩn bị, nếu có chủ yếu tập trung vào các ngành hàng gia dụng, còn các mặt hàng bánh mứt, quần áo, giày dép chưa có chuyển biến gì nhiều.
Chủ gian hàng Ba Minh, chuyên bán sỉ và lẻ các mặt hàng gia dụng tại chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM, cho biết hiện nay lượng hàng Tết 2015 bà chuẩn bị tăng khoảng 20% so với ngày thường. Sở dĩ bà lấy hàng từ bây giờ vì chính sách khuyến mãi, giá tốt từ công ty và được lựa chọn những sản phẩm đầu tiên. “Mặt hàng tôi bán không sợ hư hỏng, nên tranh thủ đợt này lấy hàng luôn. Nếu dịp tết không bán hết, tôi có thể để ra tết”, chủ gian hàng này cho biết.
Tương tự, chị Hoa, chuyên bán sỉ và lẻ các sản phẩm gốm, sành sứ tại chợ Bến Thành, cho biết cửa hàng chị đang chuẩn bị nhập hàng mới về để bán dịp tết. Dự kiến lượng hàng tăng khoảng 10% so với tháng bình thường.
Trong khi đó, chị Quỳnh Như, bán quần áo tại chợ Nguyễn Thái Bình, quận 1, cho biết tình hình kinh tế năm nay khó khăn, lượng người đi mua hàng có thể sẽ không nhiều, nếu có người mua cũng thắt chặt chi tiêu. Do vậy, đến thời điểm này, chị vẫn án binh bất động, chưa có kế hoạch cụ thể về việc tăng nguồn hàng. “Mọi năm, thời điểm này tôi đã lấy hàng tết rồi, nhưng năm nay năm nhuận, sức mua lại thấp nên tôi chưa lấy. Mà nếu có lấy hàng cũng với số lượng cầm chừng, thăm dò xem sức mua thế nào, chứ không lại ôm hàng”, chị Như cho biết.
Giống như đồng nghiệp của mình, chị Hoa Liên, chuyên bán bánh kẹo, mứt các loại tại chợ Bến Thành, cũng đang theo dõi chuyển động của thị trường khi lượng hàng bán từ đầu năm đến nay khá thấp. Hiện cửa hàng chị vẫn bán những sản phẩm cũ, chưa nhập sản phẩm về. Chị cho biết cũng không có ý định trữ hàng bởi chưa biết sức mua tết thế nào. “Chắc tầm Noel tôi mới tăng lượng hàng một chút so với ngày thường. Lượng tăng này, thực chất cũng không hy vọng ở khách mua lẻ trong nước ăn tết, mà chủ yếu bán cho Việt kiều về nước mang đi, bán cho khách mua gửi sang nước ngoài cho người nhà”, chị Liên nói.
Ngoài chợ Bến Thành, dạo qua các chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1), Phạm Văn Hai và Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức)..., các tiểu thương vừa kinh doanh, vừa nghe ngóng thị trường và kỳ vọng sức mua sẽ tăng dần trong mùa tết sắp tới.
Vũ Yến