(SGTT) - Dù mang trong mình một số căn bệnh, cộng thêm sức khỏe không tốt, thế nhưng chú Minh Hùng, ngụ quận 10, TPHCM vẫn phải mưu sinh bằng chiếc xe cơm cũ kỹ được truyền từ hai thế hệ đến nay. Tuy nhiên, khó khăn cũng không làm lụi tàn niềm lạc quan nơi người đàn ông này.
- Ở nhà mùa dịch: Những kiếp mưu sinh và tình người ấm lòng mùa dịch
- Người lao động tại TPHCM: Nặng gánh mưu sinh trong đại dịch Covid-19
Đó là câu chuyện tôi được biết khi tình cờ lướt mạng xã hội Facebook gần đây. Không thể đợi lâu, tôi tới xem thử chiếc xe cơm cũ kỹ và người chú đó như thế nào khi mà thành phố đã phần nào bớt giãn cách.
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Vĩnh Viễn, quận 10, TPHCM, chiếc xe cơm của chú Nguyễn Minh Hùng, sinh năm 1968 là tài sản duy nhất nuôi sống chú cùng những người cháu. Không vợ, không con, người chị thân nhất lại ra đi vì cơn đột quỵ, chú Hùng giờ đây còn chất chứa thêm những nỗi lo về tiền thuê nhà, thuốc men và các chi phí sinh hoạt mà đến tháng điểm danh lại phải chi trả.
Nhìn qua chiếc xe cơm nằm khép mình trong con hẻm nhỏ mà tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng thực ra ẩn sâu trong đó còn là tình người, tình hàng xóm khi chú được sự quan tâm của các cháu và hàng xóm ra phụ bán giúp bởi sức khỏe không cho phép chú đi lại nhiều.
"Trời ơi, xem xe cơm chay vậy chứ mà cực lắm con ơi, bán buôn ngày rằm đông khách thì đỡ chứ mấy ngày còn lại thì thiệt hên xui. Tối nào ra mà thấy cái nồi còn y nguyên là cô rầu thay”, cô Nguyễn Thị Hoa, người hàng xóm kế bên nhà chú Hùng bộc bạch.
Nếu như trước đây khi dịch chưa xảy ra thì chú còn mạnh dạn bán hơn 10 món ăn mỗi ngày nhưng dịch ập đến, tạm nghỉ bán vài tháng, rồi sức khỏe kém nên giờ chỉ còn duy trì mỗi ngày khoảng 4-5 món. “Nhiều khi đến hạn phải trả các loại chi phi sinh hoạt mà không có tiền nên tôi phải đi bán máu, rồi mỗi lần bán xong được một triệu mấy cộng thêm bánh mì, sữa bồi bổ cũng phần nào đỡ khó khăn hơn”, chú Hùng ngậm ngùi.
Chú chia sẻ vốn dĩ chú có nhà riêng nhưng phải thế chấp ngân hàng để chuyên tâm trị bệnh cho người chị. Rồi cứ thế, tiền lãi đóng nhiều, không xoay sở được đành phải bán, trả nợ rồi giờ thành ra ở thuê.
Dù cuộc sống khó khăn là thế, nhưng chú Hùng vẫn lạc quan bởi chú cảm nhận được sự ấm áp, tình thương của chòm xóm và nhất là những người cháu ở cùng phụ giúp, trông nom chiếc xe cơm cũ kỹ ấy. Chào tạm biệt chú, tôi cũng thấy lòng mình ấm áp hơn bởi ở nơi phồn hoa đô thị này vẫn còn nhiều sự yêu thương, bảo bọc nhau, hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Bài và ảnh: Kim Chi