Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Nhức óc, đinh tai và… chịu đựng!

Ô nhiễm tiếng ồn - LTS: Sự hối hả, tất bật lo toan nhiều mặt trong cuộc sống đô thị dường như khiến cư dân các thành phố lớn không còn để ý hoặc tặc lưỡi bỏ qua trước vô vàn tiếng ồn “khủng khiếp” đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, khắp mọi ngõ ngách. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại, nó đang âm thầm tác động lên sức khỏe tâm thần, lấy đi chất lượng sống của mọi người. Mặt khác, thực trạng này cũng chưa được cơ quan chức năng giám sát, xử lý đến nơi đến chốn.

Tại TPHCM, hiện các cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xử lý về ô nhiễm tiếng ồn là Sở Tài nguyên và Môi trường; song song đó là UBND các cấp từ quận, huyện xuống đến xã, phường. Tuy nhiên, phạt làm sao là một điều thuộc dạng “khó xử”.

Ngừng đèn đỏ để hưởng... tiếng ồn

Ông Lê Thành Trung, nhà ở quận 12, TPHCM đã quá ngán ngẫm khi hàng ngày bốn bận phải chịu tra tấn bởi tiếng ồn được phát ra từ những chiếc loa thùng đặt trên vỉa hè được bật nhạc hết cỡ tại đoạn đường ngã tư Út Tịch-Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Và cứ thế, sáng đi nghe ồn, trưa về nghe ồn, chiều đi làm lại nghe ồn và tối đi làm về lại nghe ồn. Ông Trung nói, với ông, đó là điều ám ảnh. “Ngán nhất là khi đi làm về mệt, mỗi lần đứng chờ đèn đỏ ở đây là đau hết cả tai”, ông nói.

Tại ngã tư mà ông Trung “ngán tới óc”, một bên là cửa hàng bán kính mát với hai chiếc loa thùng cao gần một mét được để trước cửa hàng, với các lời rao về khuyến mãi, các đoạn nhạc. Phía bên kia, một cửa hàng điện máy cũng chẳng chịu thua kém với hai bộ loa to đùng, nhạc mở liên tục, âm thanh chát chúa. Cách đó chừng chục mét, nhạc từ một cửa hàng bán điện thoại cũng luôn trong trạng thái ầm ầm, dường như không chịu thua âm thanh từ cửa hàng điện máy.

Ngay cả những người bán dạo, nhiều người dùng “lời rao điện tử” để cố kiếm tìm một sự nổi bật chốn ồn ào. Ảnh: Thành Hoa
Ngay cả những người bán dạo, nhiều người dùng “lời rao điện tử” để cố kiếm tìm một sự nổi bật chốn ồn ào. Ảnh: Thành Hoa

Tại một đô thị lớn như TPHCM, không quá khó để thấy và nghe những gì mà ông Trung đã thấy. Trên các tuyến đường đông dân cư, nơi có nhiều cửa hiệu mua bán hàng điện máy nhỏ, quần áo, thời trang... âm thanh quảng cáo, nhạc xập xình luôn song hành cùng tiếng máy xe dưới đường, tiếng còi xe inh ỏi. Ô nhiễm tiếng ồn đã tồn tại khá lâu tại nhiều khu vực có mật độ giao thông cao tại TPHCM như ngã tư An Sương, Hàng Xanh, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Ngã tư Thủ Đức... Chưa kể, còn có tiếng ồn phát sinh từ hoạt động xây dựng ở nhiều công trình nằm len lỏi trong các khu dân cư.

Trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, gần đây nhiều người dân nơi đây chưa kịp hết mừng vì sự “hồi sinh” một dòng kênh ô nhiễm thành dòng nước trong xanh thì nay lại chứng kiến hàng quán cà phê mọc lên chóng mặt. Nhiều quán cà phê dọc tuyến đường này để thu hút khách hàng trẻ tuổi đã không ngại đầu tư thêm những dàn âm thanh hoành tráng, mở nhạc rất lớn, kéo dài từ trưa đến tối khuya mới dứt. Ông Nguyễn Thanh Bình, một thợ sửa xe gắn máy trước một quán cà phê nhạc trên đường Trường Sa cho biết, nhiều người đi đường bị hỏng xe ghé tiệm ông vá đã từng bày tỏ sự bực dọc bởi phải ngồi nghe đủ loại âm thanh ầm ầm vang ra từ các quán cà phê. “Cứ chiều xuống, các quán này còn mở nhạc to hơn để cạnh tranh, thiệt không thể chịu làm sao cho thấu”, ông Bình nói.

Nhắc nhở là chính

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, ô nhiễm bụi và tiếng ồn ngày càng nghiêm trọng đang là vấn đề đáng lo ngại cho môi trường sống. Kết quả quan trắc môi trường trên các tuyến đường toàn thành phố cho thấy có đến 78% số liệu về tiếng ồn vượt chuẩn cho phép. Đặc biệt, tại các khu vực ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ là những nơi đáng báo động về ô nhiễm tiếng ồn do mật độ xe máy lưu thông quá cao, chất lượng đường sá kém và nạn kẹt xe xảy ra liên tục.

Mới đây, vào giữa tháng 10-2014, UBND TPHCM đã phải có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra xử lý ô nhiễm tiếng ồn, độ rung tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố. Qua trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết, các cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xử lý về ô nhiễm tiếng ồn tại thành phố là Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, UBND các quận, huyện và cấp xã, phường. Bên cạnh đó, quy định để xử phạt ô nhiễm tiếng ồn cũng đã có tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP với mức phạt tối đa là 170 triệu đồng.

Mặc dù vậy, theo ông Sơn thì việc xử phạt về ô nhiễm tiếng ồn tại thành phố không phải dễ dàng và đến giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa xử phạt được nhiều các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Ông Sơn nêu ví dụ, chẳng hạn một quán cà phê trong khu dân cư mở nhạc lớn, cơ quan chức năng muốn xử lý phải có đơn khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, nhiều người do cả nể hàng xóm, ngại viết đơn khiếu nại nên đành ráng chịu đựng. “Đa phần người dân phản ánh bằng lời trực tiếp lên cán bộ phường, sau đó phường gọi chủ quán gây tiếng ồn lên nhắc nhở, rồi lại thôi”, ông Sơn nói.

Với thực trạng ô nhiễm tiếng ồn bủa vây mọi ngóc ngách thành phố như hiện nay, sức khỏe tâm thần của cư dân đô thị thật sự đang bị ảnh hưởng rất lớn, chỉ có điều nó tác động âm thầm, một cách vô hình, khiến mọi người không để ý, dễ dàng bỏ qua. Ngay cả việc giám sát, xử lý những cá nhân, cơ sở gây ra ô nhiễm tiếng ồn cũng chỉ mới dùng lại ở mức nhắc nhở. Nhưng theo các chuyên gia về y tế, môi trường (mà chúng tôi sẽ có bài đề cập ở số sau), đã đến lúc vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cần được nhìn nhận và xử lý triệt để hơn nữa, nhằm loại bỏ những tác hại cũng như để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.

Văn Nam

(Còn tiếp kỳ sau)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mệt với tiếng ồn

0
Mới đây, tôi ngồi uống cà phê tại một quán cóc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM để thư giãn với bạn...

Người phải “hót” với nhau bằng nốt cao

0
“Tiếng ồn con người gây ra trong thế giới ngày nay làm cho bọn chim phải thức đêm hót để gọi bạn tình, bọn...

Căng thẳng, đau tim, loét dạ dày vì tiếng ồn

0
Theo các chuyên gia về môi trường, sức khỏe và tâm lý, các thành phố lớn là nơi tập trung mọi loại ô nhiễm...

Kết nối