(SGTT) – Tuy chỉ trải qua một tuần ngắn ngủi tham gia chống dịch tại phường 13, quận 4, nhưng chuyến đi lần này đã để lại cho tôi không ít kỷ niệm, bài học và cả luyến tiếc.
- “Lên dây cót” tinh thần chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới
- Quầy thuốc 0 đồng mang thuốc đến tận nhà dân miễn phí
Khi nhận được thông báo kết thúc nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch Covid-19, tôi sững người và bất ngờ vì tôi chỉ mới tham gia được 1 tuần. Sau đó, khi biết được lý do, tôi cũng bớt suy nghĩ, nhưng vẫn không tránh khỏi xúc động và tiếc nuối, tiếc vì phải chia xa công việc ý nghĩa mà mình mới bắt đầu quen, tiếc khi phải rời xa những con người xa lạ nhưng lại quá đỗi thiện lành đã cùng chung sống với tôi suốt một tuần qua.
Mỗi ngày đều học những điều mới
Tôi được phân công đi tham gia chống dịch theo quyết định của Tổ điều phối nguồn nhân lực thuộc UBND thành phố.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi hoàn toàn bị động vì không biết phải bắt đầu từ đâu? Làm như thế nào? Tôi phải mất một buổi sáng để quan sát, tìm hiểu và coi cách mọi người làm việc để học hỏi. Tới buổi chiều, tôi đã tự chủ động tìm công việc bằng mon men xuống khu vực phân lương thực, thực phẩm cho người dân. Và ở đây, tôi đã bắt đầu công việc đầu tiên của mình.
Cùng làm với tôi là anh Hiếu, anh cũng là một tình nguyện viên, anh vui vẻ bắt chuyện để tôi bớt ngại ngùng. Anh hướng dẫn tôi loại bỏ những phần bắp cải bị hư, dập, úng trong quá trình vận chuyển. Ban đầu tôi còn nghĩ, nếu chỉ ngồi cắt rau như vậy thì công việc này quá nhẹ nhàng rồi, nhưng đó chỉ là suy nghĩ ở bao bắp cải đầu, tới những bao sau, tay tôi bắt đầu đau và chai vì phải ghì dao.
Và 3 ngày liên tiếp sau đó, tôi chỉ quanh quẩn với việc nhặt rau, phân loại và đóng gói các phần thực phẩm, gia vị, gạo… sau đó chuyển cho các chú bộ đội đi phát cho người dân. Và mỗi phần quà đến tay người dân đều phải đảm bảo tươi, nguyên vẹn, không hư hỏng, không móp méo và không dập úng.
Cũng từ đây mà tôi đã trang bị cho mình nhiều kỹ năng như cách phân biệt trứng hư và sắp hư bằng mắt thường hoặc bằng một chiếc đèn nhỏ, hay cách nhận biết rau đã hư mặc dù bên ngoài vẫn xanh tươi… Có thể với nhiều người, những kiến thức này quá bình thường nhưng với một cô gái không có chút hiểu biết gì về rau củ, nấu nướng, thậm chí tôi còn không phân biệt được đâu là bầu và bí đao, thì những bài học trên đối với tôi là điều mới lạ vô cùng.
Ngoài ra, không chỉ biết thêm được nhiều kiến thức, mà tôi cũng nâng cao được tay nghề lựa, nhặt rau. Nếu ngày đầu, trong một tiếng đồng hồ, tôi chỉ lựa được khoảng hai bao bắp cải, thì tới ngày thứ tư, cũng hai bao bắp cải đó tôi chỉ làm trong 40 phút.
Tốc độ đóng gói các phần quà của tôi cũng khá lên nhiều, có ngày, chỉ trong ba tiếng, tôi cùng hai chị trong phường và ba chú bộ đội đã phân loại và đóng gói được gần 1.000 phần quà, mỗi phần bao gồm cả gia vị, sữa, mì.
Tôi cũng có vài lần được đi theo các chú bộ đội xuống địa phương phát quà cho người dân. Trước đây, tôi cũng đã từng được đi phát quà từ thiện, nên tôi nghĩ công việc này chắc không quá khó, và tôi sẽ hoàn thành nhanh chóng. Thế nhưng, khi xuống tới nơi, mọi thứ không như tôi tưởng tượng, nếu không có các cô chú tổ trưởng và các anh chị bên phường giúp đỡ, có lẽ tôi cứ mãi loay hoay không biết phải bắt đầu phát từ đâu? Làm sao đưa tờ giấy cho người dân ký xác nhận kịp với tiến độ phát quà mà không bị sót? Đối với những bệnh nhân F0 cách ly tại nhà phải làm sao để an toàn khi đưa cho họ ký? Đồng thời, tôi còn học được cách giải quyết khi có mâu thuẫn, hiểu lầm từ phía người dân hoặc các tình huống phát sinh khác.
Những ngày tiếp theo, khi các công việc phân quà, lương thực, thực phẩm bắt đầu ít đi dần, tôi được các anh chị ở phường cho đi phát thư mời hoặc đi phát tiền hỗ trợ khó khăn cho người dân. Vẫn với suy nghĩ đơn giản, chỉ xuống phát xong rồi về, tôi lại một lần nữa bị ngỡ ngàng khi trực tiếp làm việc.
Có rất nhiều vấn đề phát sinh như người dân có tên trong danh sách bị đi cách ly, hoặc đã về quê, hay người dân bị cách ly tại nhà khó ra ký nhận, hoặc theo danh sách được tổ trưởng khu phố đưa lên sai sót về họ tên, chứng minh nhân dân, sai địa chỉ nhà thì phải làm sao? Rồi phải giải thích cho người dân vì sao có người được nhận và có người không được nhận tiền hỗ trợ?
Cũng trong những lần đi xuống với bà con, tôi đã gặp được nhiều người dân tốt bụng vô cùng, thấy tôi đi giữa trời nắng, họ liền lấy cho tôi cái mũ, hay họ chủ động lui vô nhà, giãn cách 2m để tôi đứng nép dưới hiên nhà họ tránh nắng. Vì không quen thuộc địa bàn nên có một vài người dân đã dắt tôi đi đến địa chỉ nhà mà tôi cần, hoặc trực tiếp gọi người có tên trong danh sách xuống nhận thư mời, nhận tiền để tôi đỡ mất thời gian và công sức.
Đối với tôi, đó là những trải nghiệm thực tế quý giá mà tôi sẽ không bao giờ có được nếu không tham gia công tác chống dịch lần này.
Những con người xa lạ trở thành người thân
Thú thật, trước đây, dường như có một khoảng cách vô hình nào đó giữa tôi và các cán bộ công chức, viên chức nhà nước, trông họ có vẻ uy nghiêm, lạnh lùng, dứt khoát trong khi tôi thì khá nhút nhát, e dè.
Nhưng sau khi trải qua 1 tuần gắn bó với các anh chị ở phường 13, tôi đã có một cái nhìn mới về những người mà trước đây tôi “không mấy thiện cảm”, thì ra họ cũng giống như bao người, khi không thực hiện nhiệm vụ, họ cũng vui vẻ, hòa đồng, cũng có lúc đáng yêu.
Các anh chị tại phường 13, họ là người đã dạy cho tôi nhiều kiến thức mới lạ trong quá trình làm việc, cũng chính họ là người đã truyền sự lạc quan, tích cực cho tôi khi gặp phải những tình huống khó khăn, và cũng chính họ là người đã dành thời gian quan tâm, chăm sóc cho tôi trong suốt quá trình tham gia công tác chống dịch.
Với khoảng 20.000 nhân khẩu thuộc hơn 5.000 hộ dân trên địa bàn phường, mà chỉ có khoảng 40 con người tại phường đang làm việc, nên điện thoại của họ lúc nào cũng hoạt động để trả lời thắc mắc từ người dân.
Một cán bộ trong phường tâm sự với tôi, phường cũng có nhiều anh chị là F0 khỏi bệnh, vừa mới khỏi là lại bắt đầu lao vào công việc, quên ăn quên ngủ, có cả những người mấy tháng rồi không về nhà, chỉ dám gọi điện thoại nhìn người thân cho đỡ nhớ.
Rồi những trưa nắng gắt không ngủ đi phát thư mời nhận tiền hỗ trợ, có cả những buổi chiều mưa nhưng vẫn ráng phát tiền cho bà con, để bà con bớt đi phần nào khó khăn. Lắm lúc bị người dân hiểu lầm, có những lời nói không hay cũng chỉ dám buồn trong lòng, không để ảnh hưởng đến công việc. Để gửi đến sự an tâm cho bà con trong mùa dịch khó khăn này, những người cán bộ bận bịu không thua gì lực lượng y bác sĩ tuyến đầu.
Những cán bộ phường 13, quận 4 nói riêng và trên cả nước nói chung là những người mà tôi luôn kính nể, khâm phục và biết ơn. Tôi cũng mong, mọi người dân đều có suy nghĩ giống tôi để hỗ trợ với họ thuận lợi hơn khi thực hiện nhiệm vụ.
Một tuần qua tuy ngắn ngủi nhưng đối với tôi, đó là một đoạn ký ức thật đẹp và thật ý nghĩa, không chỉ vì tôi được làm những công việc có ích, được cống hiến cho cộng đồng, mà còn vì tôi đã gặp được những con người đáng trân quý, tuy xa lạ nhưng họ luôn yêu thương tôi như người nhà.
Đây sẽ là một ký ức đẹp trong những ngày tháng tuổi trẻ của tôi, và sẽ là hành trang quý giá mà tôi luôn quý trọng đến mãi sau.
Phùng My