Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Không thể sống mãi với gia công

Trong một triển lãm về nông nghiệp tại TPHCM, tại gian hàng một doanh nghiệp sản xuất cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk, những nhân viên bán hàng hồ hởi mời chào và giới thiệu cho khách xem sản phẩm của doanh nghiệp. Đây là nét mới của doanh nghiệp này khi trước đó họ chỉ là đơn vị thu mua, sơ chế cà phê cho đối tác nước ngoài.

Mua thô, bán gốc

Theo ông V.T., phó giám đốc của doanh nghiệp nói trên, dù doanh nghiệp có một diện tích trồng cà phê lớn ở Đắk Lắk nhưng nhiều năm qua, sau mỗi vụ thu hoạch, cà phê được doanh nghiệp sơ chế đóng bao bán cho các nhà rang xay ở nước ngoài mà không sản xuất thành cà phê bột để cung cấp cho thị trường. “Vì thế, dù doanh thu hàng năm của doanh nghiệp tuy lớn nhưng lợi nhuận thường không cao vì chỉ ăn phần chênh lệch giá giữa mua vào, bán ra mà thôi”, ông nói.

Theo lý giải của ông V.T., lý do để nhiều doanh nghiệp nông sản không muốn tập trung sản xuất một sản phẩm khép kín từ khâu trồng, chế biến và phân phối ra thị trường là lo ngại sản phẩm mới không được thị trường chấp nhận. Bên cạnh đó, thiếu kinh phí tiếp thị, phân phối nên họ chọn giải pháp an toàn nhất là bán nông sản qua sơ chế và chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng giảm được những rủi ro kèm theo.

Nhiều doanh nghiệp cố gắng đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp cố gắng đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, giá các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu, điều, gạo... có những biến động lên xuống thất thường nên hình thức kinh doanh nhờ ăn chênh lệch giá mua và giá bán không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, thậm chí, còn bị thua lỗ. Nguyên nhân, lâu nay doanh nghiệp thường giao dịch dưới dạng ký kết những hợp đồng giao xa (hợp đồng tương lai) nhưng trong kho không có hàng dự trữ và chỉ sau khi ký hợp đồng mới mua hàng vào. Tuy nhiên, sau đó, nông sản tăng giá, tức là doanh nghiệp rơi vào tình trạng mua giá đầu vào cao hơn giá bán ra ghi trong hợp đồng, vì thế doanh nghiệp chỉ còn cách “xù” hàng để tránh thua lỗ.

Tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh nông sản như cà phê, hồ tiêu “xù” hàng vì lý do nói trên hầu như năm nào cũng có. Hiệp hội Hồ tiêu nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ký các hợp đồng giao xa để tránh bị thua lỗ, “xù” hàng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, Hiệp hội Cà phê ca cao cũng có những khuyến cáo tương tự.

Thay đổi để lớn mạnh

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm Tân An (TANIMEX-LA) kể rằng, trong một lần công tác nước ngoài, ông đã phát hiện ra hạt điều nhân của TANIMEX-LA mang thương hiệu của một doanh nghiệp khác, bày bán trong siêu thị với giá cao gấp mấy lần so với giá điều nhân mà doanh nghiệp ông bán cho họ. “Họ mua điều nhân của chúng tôi, thêm vào một chút gia vị, đóng bao bì bán với giá cao gấp nhiều lần. Nếu chúng ta không học theo cách này, suốt đời chỉ đi lượm bạc lẻ mà thôi”, ông Thanh nói.

Cũng vì lý do này, ông Thanh chuyển hướng sang sản xuất điều theo hướng giá trị gia tăng, thay vì chỉ tập trung xuất khẩu thô như trước đây. Ban đầu, sản phẩm của doanh nghiệp hướng vào người tiêu dùng nội địa. Không riêng gì TANIMEX-LA mà một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh điều xuất khẩu cũng bắt đầu chuyển hướng sản xuất sản phẩm theo hướng giá trị gia tăng như cà phê sữa hạt điều, rượu điều, điều tẩm mật ong, điều rang muối... như một cách đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị cho cây điều.

Xu hướng này cũng bắt đầu xuất hiện ở các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, lâu nay, vốn chỉ tập trung vào khâu sản xuất chế biến theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu. Trước đây, dù cá tra Việt Nam đang xuất khẩu qua gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu mà ít có những sản phẩm riêng để tiếp thị, bán hàng mang thương hiệu doanh nghiệp. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng đến việc làm ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn như cá tra tẩm bột, cá tra cuốn lá lốt, cá tra măng tây, cá tra viên...

Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, từ sản xuất đến chủ động nguồn tài chính. Đơn cử, trước đây khi chỉ tập trung vào gia công, chế biến rồi xuất khẩu, doanh nghiệp có thể thu tiền về và tiếp tục chu kỳ kinh doanh mới. Còn nay, những sản phẩm giá trị gia tăng của doanh nghiệp làm ra chưa thể thu tiền về ngay mà vẫn ở dạng hàng hóa. Nghĩa là có một lượng lớn nguồn vốn bị “chôn” ở trên các quầy hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Tại doanh nghiệp của mình, ông V.T. cho biết, để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm mới, trong năm 2015, đơn vị dự kiến chi ra khoảng 500 triệu đồng để làm tiếp thị, quảng cáo. “Với chúng tôi đây là một sự cố gắng và nếu không nói là một canh bạc mà tôi đánh cược với vị trí phó giám đốc của mình”, ông nói.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bồng bềnh ‘biển mây’ trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử

0
(SGTT) - Núi Bạch Mộc Lương Tử, hay còn gọi là Kỳ Quan San, nằm trên ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Lai Châu...

Điều gì xảy ra khi phát sinh mâu thuẫn giữa ông...

0
(SGTT) - Trong khi Tổng thống Donald Trump muốn đẩy lãi suất xuống thấp thì các chính sách khác của ông như đánh thuế...

Doanh thu ngành game ước đạt hơn 12.500 tỉ đồng

0
(SGTT) - Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, doanh thu ngành game trong năm 2024 ước đạt khoảng 12.552...

Đổi vị bữa trưa Ấn Độ với bánh Pani Puri

0
(SGTT) – Tạm bỏ qua những món cơm, bún hay món nước truyền thống Việt Nam, "Trưa nay ăn gì" giới thiệu đến thực...

Trạm biến áp 110kV sân bay Long Thành đóng điện sớm...

0
(SGTT) - Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai cho biết, trạm biến áp 110kV sân bay Long Thành đã hoàn thành đóng...

Những quán ăn, nhà hàng có phục vụ ẩm thực Lễ...

0
(SGTT) - Nhân dịp Lễ Tạ ơn (một dịp lễ của người Mỹ, năm nay rơi vào ngày 28-11), một số nhà hàng, quán...

Kết nối