Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Cô, chú tổ trưởng – những mắc xích quan trọng mùa giãn cách

Nhịp đập thị trườngĐời sốngCô, chú tổ trưởng - những mắc xích quan trọng mùa giãn...
(SGTT) – "Chào cả nhà! Đây là combo đi chợ - Chào chú tổ trưởng...", group zalo được chú tổ trưởng tổ 15 của khu phố 1, phường 12 quận Tân Bình lập cho bà con trong tổ dân phố để thông tin được thông suốt trong giai đoạn giãn cách triệt để cả tuần nay hoạt động không ngừng. Chú tổ trưởng tên Võ Châu, năm nay đã gần 70 tuổi và những ứng dụng chat như zalo không phải là dễ dàng sử dụng với người như chú.

Và hiện đang có hàng trăm, hàng ngàn "chú tổ trưởng" như vậy ở TPHCM đang ngày đêm tận tụy giúp đỡ bà con khu phố, không phải vì tiền vì tiền hỗ trợ chẳng có bao nhiêu, mà chủ yếu là tình làng nghĩa xóm, là trách nhiệm khi đã đồng ý đảm nhận "chức" tổ trưởng tổ dân phố. Chưa bao giờ người dân ở TPHCM lại thấy tổ trưởng tổ dân phố quan trọng đến như vậy.

Đã hơn một tuần "ở yên" của người dân TPHCM, tổ trưởng tổ dân phố trở thành cầu nối quan trọng giữa người dân và lực lượng chức năng. Nguy cơ nhiễm Covid-19 là hiện hữu và đặc biệt nguy hiểm khi hầu hết họ đều là người lớn tuổi. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục làm việc của mình, giúp dân hết mình, coi đó là niềm vui cho chính bản thân họ.

Thời gian qua, TPHCM mở nhiều đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân như tổng đài 1022, tăng cường tổng đài viên 115 trực cuộc gọi cấp cứu; các quận huyện, phường, xã cũng công bố số điện thoại đường dây nóng về an sinh, cứu trợ, cấp cứu nhưng vẫn còn những trường hợp người dân phản ánh khi cần không biết gọi ai vì chưa có số điện thoại.

Thành phố thực hiện những biện pháp nâng cao để chống dịch, người dân không được ra đường nên tổ trưởng tổ dân phố chính là cầu nối duy nhất của bà con với chính quyền trong thời điểm hiện tại.

Cô Bích (áo trắng) đang sắp xếp gửi những phần hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn vì dịch. Ảnh: NVCC

Tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, anh Đỗ Quốc Cường cho biết từ những ngày đầu thành phố siết chặt giãn cách, cô tổ trưởng tại nơi anh sinh sống đã tạo nên một nhóm trên mạng xã hội zalo để mọi người có thể đăng ký mua hàng thiết yếu.

Anh Cường cho biết, sáng 23-8, mọi người khu vực đều nhận được lời mời kết bạn zalo của cô tổ trưởng dân phố. Đến nay, anh Cường và mọi người luôn nhận được tất cả thông báo về việc đi chợ những ngày tới, những số điện thoại cần biết, thông tin về xét nghiệm… Bà con khi có những thắc mắc luôn được cô giải thích, mọi người cũng chia sẻ thông tin, khích lệ nhau cùng cố gắng trong những ngày giãn cách.

“Hiện nay, trong tình hình ai ở đâu ở yên đó, mỗi khi gặp khó khăn thì người mà bản thân mình và mọi người nghĩ đến đầu tiên là tổ trưởng tổ dân phố, ngoài nhóm chat, hầu như ai cũng có số điện thoại của tổ trưởng lưu trong danh bạ máy điện thoại”, anh Cường nói.

Khu vực anh Cường đang ở cũng là nơi nhiều dân nhập cư sinh sống, dịch Covid-19 ập đến khiến mọi người gặp muôn vàn khó khăn, nhưng nhờ sự nhiệt tình và sự quan tâm tận tình của tổ trưởng tổ dân phố đã giúp mọi người cảm thấy nhẹ nhàng hơn và hiểu rõ hơn về những khó khăn của tình hình chung.

Cô Nguyễn Thị Bích, tổ phó tổ 13, phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức), cho biết đã làm công việc này được 5 năm. Hiện nay, trong tổ 13 có hơn 280 hộ dân, đa phần là người dân lao động nghèo. Ngoài ra, vị tổ phó này cũng kiêm nhiệm công việc phụ trách, hỗ trợ cho khoảng 30 người dân ở tổ 10 có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều lần, cô Bích phải bỏ tiền túi của bản thân để mua các loại rau củ về để phân phát cho bà con trong khu vực.

"Nhiều bà con không thuộc đối tượng được nhận tiền trợ cấp, mình cũng cố gắng giải thích, có câu trả lời cho thỏa đáng nhất. Bên cạnh đó, mình cũng cố gắng liên hệ đến các mạnh thường quân để xin tài trợ để phần nào san sẻ những khó khăn cho bà còn hiện nay và tìm những nguồn hỗ trợ khác từ nhà hảo tâm. Mới đây, mình có xin được từ một mạnh thường quân vài ngàn trứng cút khi chia ra thì mỗi ra đình cũng được hơn 20 trứng, ai cũng vui vẻ nhận”, cô Bích cười nói.

Tại tổ 169, khu phố 15, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM, người dân cư ngụ tại các xóm trọ đã dần an tâm vơi đi lo lắng, những khu nhà trong vùng phong tỏa an yên hơn nhờ sự tận tụy chăm lo của các cô tổ trưởng dân phố tại đây.

Cô Ngon luôn đồng hành, lắng nghe những chia sẻ, phản ánh của người dân trong khu vực. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Ngon, tổ trưởng tổ 169, cho biết hiện nay, cô luôn tích cực thông báo rộng rãi đến người dân về thông các thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Đồng thời, kiên nhẫn lắng nghe, tiếp nhận các phản ánh, bức xúc của mọi người để tìm biện pháp giải quyết kịp thời và thích đáng nhất giúp cho bà con an lòng cũng là một trong những trách nhiệm của cô.

“Tổ của mình có 120 hộ dân sinh sống, đến nay, mình cũng tích cực kêu gọi bà con tuân thủ các quy định phòng chống dịch để có thể sớm trở về cuộc sống bình thường. Mình cũng cố gắng tìm hiểu nắm rõ hoàn cảnh của mọi người, hướng dẫn bà con gửi thông tin để nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ mùa dịch. Đồng thời, mình cũng cố gắng chăm lo cho đời sống của bà con qua các đợt hỗ trợ về rau củ quả, đến nay đã được tổ chức phân chia được khoảng 9-10 đợt”, cô Ngon nói.

“Nhiều lần sau khi mình nghe tiếng chuông cửa thì đã có một phần quà rau củ được treo ngay trước cổng nhà. Những người như tổ trưởng, tổ phó dân phố đã nối một vòng tay tương trợ cộng đồng trong những ngày quá nhiều lo lắng này”, anh Nguyễn Tấn Tùng ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân chia sẻ.

Để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng "đi chợ hộ" người dân trong thời gian giãn cách tăng cường, tối ngày 29-8, UBND TPHCM có Công văn số 2925/UBND-ĐT cho phép người giao hàng của các nền tảng công nghệ (shipper) hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức dựa trên danh sách của Sở Công Thương.Theo đó, UBND TPHCM thống nhất cho phép lực lượng shipper theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục