(SGTT) - Mùa dịch là thời điểm phòng tập thể dục, thể hình đóng cửa. Để đảm bảo thu nhập, nhiều huấn luyện viên thể hình đã chuyển hướng làm những công việc khác. Trong khi đó, một vài người tận dụng cơ hội này để dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Làm bánh, kinh doanh online
Hiện nay, nghề huấn luyện viên thể hình là công việc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TPHCM đã tạm dừng nhiều hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, trong đó có các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà như gym, fitness, yoga…
Phòng tập đóng cửa, các huấn luyện viên thể hình gần như rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời, thu nhập giảm sút.
Anh Bùi Minh Tỉnh, huấn luyện viên thể hình tại một trung tâm thể thao ở TPHCM, cho biết trong khoảng thời gian hơn một tháng khi phòng tập đóng cửa, các huấn luyện viên thể hình thường sẽ làm nhiều công việc khác nhau để có thể "đủ sống" giữa mùa dịch.
Do đó, nhiều đồng nghiệp của anh Tỉnh cũng đã có những cách thích ứng với dịch như kinh doanh nấu đồ ăn thức uống cho người muốn xây dựng vóc dáng, bán thực phẩm chức năng dành cho người tập thể hình.
“Mình luôn ý thức được rằng phòng tập là nơi đầu tiên buộc phải đóng cửa để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng. Rút kinh nghiệm qua những đợt dịch trước nên mình cũng tự chuẩn bị tinh thần và không còn bị bất ngờ cũng như bị động”, anh Tỉnh chia sẻ.
Tận dụng khoảng thời gian được nghỉ dịch ở nhà, anh Tỉnh bắt đầu nảy ra ý tưởng làm bánh và rao bán trên mạng xã hội facebook. Anh Tỉnh cho biết khi làm bánh anh tập trung vào từng công đoạn để mỗi hộp bánh là hoàn hảo nhất. Việc chú tâm vào một công việc khác cũng giúp anh tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực và phiền muộn, mang lại cảm giác bình yên cũng như tạo ra thu nhập cho anh trong thời gian nghỉ dịch.
Trở thành người review mỹ thẩm, thực phẩm
Từng là một vận động viên thể dục nghệ thuật quốc gia, sau 7 năm theo đuổi sự nghiệp, chị Phạm Thị Thiên Thanh sống ở quận 4, TPHCM, gặp chấn thương với nguy cơ bị liệt nửa người khá cao. Chị buộc phải gác lại ước mơ thi đấu chuyên nghiệp.
Chị Thanh đã tìm hiều về yoga và gym. Cảm thấy yêu thích nên chị đã bắt đầu học các lớp đào tạo để trở thành một huấn luyện viên thể hình.
Cũng như những huấn luyện viên thể hình khác, chị Thanh cũng dần phải tập thích nghi với khả năng công việc gián đoạn bất cứ lúc nào khi dịch Covid-19 ngày càng có chiều hướng gia tăng, ca bệnh mới mỗi ngày mỗi nhiều. Tình hình dịch bệnh phức tạp, các dịch vụ thể dục thể thao cũng chưa biết khi nào mới có thể hoạt động trở lại, và cũng có khả năng cao tình hình này lại lặp lại trong tường lai.
Gắn bó với công việc huấn luyện viên thể hình được 5 năm, chị Thanh tận dụng những lợi thế sẵn có của mình như lối sống lành mạnh, vóc dáng đẹp, kỹ năng giao tiếp tốt, để trở thành một người review (đánh giá) sản phẩm.
"Mình cũng là người khá quan tâm, thường xuyên sử dụng các sản phẩm làm đẹp như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Do đó, khi có những lời mời tham gia trải nghiệm sản phẩm và đánh giá, mình cũng muốn thử sức ở công việc này", chị Thanh chia sẻ.
Không chỉ có thêm thu nhập ở công việc mới, chị Thanh còn trở thành một người review mỹ phẩm được nhiều người tin tưởng vì phương châm của chị là luôn tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đánh giá đúng chất lượng và đưa ra những chia sẻ hữu ích về làm đẹp.
Bên cạnh đó, huấn luyện viên nữ này cũng không quên dành thời gian tập luyện để giữ vóc dáng. Chị Thanh tranh thủ buổi trưa, dành ra hơn một tiếng mỗi ngày để tập với các loại dây kháng lực, tạ nhỏ hoặc bằng các dụng cụ trong nhà. Chị cũng không quên kêu gọi mọi người cùng luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe.
"Đầu tư" tình cảm để gắn kết gia đình
Hiện nay, nghề huấn luyện viên thể hình là một trong những nghề có thu nhập cao, có khi lên đến 40-50 triệu đông/tháng với những người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm.
Tuy nhiên, công việc này cũng lấy đi của người làm nghề từ 10-12 tiếng/ngày với vô vàn công việc từ lên giáo trình, tư vấn, tập luyện cùng khách hàng. Điều này khiến huấn luyện viên ít có thời gian ở cạnh gia đình, người thân.
Chị Dương Thị Trúc Linh, huấn luyện viên thể hình tại một trung tâm thể thao ở quận 7, TPHCM, cho biết vì tính chất công việc, chị thường ít có thời gian dành cho gia đình, đặc biệt là chăm sóc con cái.
Cũng là người phải tạm dừng công việc vì dịch Covid-19, thay vì lại phải lao mình xoay xở, tìm nguồn thu nhập khác để bù đắp các khoản chi tiêu hàng tháng, chị Linh quyết định thời gian này sẽ "đầu tư" tình cảm để gắn kết gia đình, điều mà chị trước đây đã bỏ lỡ vì mưu sinh.
"Bình thường mỗi ngày đi làm vợ chồng mình gửi con đến trường học, cả nhà chỉ gặp nhau vào thời gian ít ỏi buổi tối. Thời gian này, mình ở nhà chăm con, sắp xếp lại không gian sinh hoạt của gia đình, nấu những món ăn ngon, từ đó hai vợ chồng hiểu nhau nhiều hơn", chị Linh nói.
Khoản "đầu tư" sinh lời đầu tiên mà chị Linh thu về trong thời gian giãn cách vì dịch chính là những khoảnh khắc tuyệt vời bên con gái, những tiếng cười giòn giã đầy ắp ngôi nhà, những bữa cơm đầm ấm với những món ăn ưa thích của chồng và cả những lời yêu thương mà ngày thường hiếm hoi nói với nhau.
Chị Linh cũng mong rằng, dịch sẽ nhanh chóng được không chế, cuộc sống của mọi người dần ổn định trở lại và chị sớm có thể trở lại công việc yêu thích của bản thân, sau một khoảng lặng cần thiết trong cuộc sống của mình.
Minh Hoàng
Với chuyên đề “Họ sống thế nào trong đại dịch”, chúng tôi muốn khắc họa một bức tranh cuộc sống mà trong đó, từ những người đang không có một công cụ lao động nào trong tay cho đến những doanh nghiệp quy mô lớn, làm thế nào để duy trì và ổn định được “sức khỏe” của mình trong đại dịch.
Chuỗi nội dung trong chuyên đề này sẽ được đăng tải trên ác ấn phẩm của nhóm Kinh tế Sài Gòn gồm Kinh tế Sài Gòn Online, Sài Gòn Tiếp Thị và The Saigon Times (tiếng Anh).