(SGTT) - Hôm nay là sinh nhật của mình, nhưng anh Khang không rộn ràng tổ chức tiệc như mọi năm, không nến cũng chẳng có bánh kem, anh chỉ quây quần trò chuyện cùng gia đình. Năm nay có lẽ là một sinh nhật đặc biệt đối với anh, vì anh được đón tuổi mới trong khu vực bị phong tỏa.
- 15 ngày tận hưởng Đà Lạt đóng băng giữa những ngày hè
- Ký túc xá thành khu cách ly: sinh viên chủ động tìm chỗ ở mới
Vốn là một giáo viên chuyên dạy tiếng Anh online cho một trung tâm ở Hà Nội, nên dù các đợt dịch liên tiếp kéo đến, công việc của anh Lưu Trường Khang (26 tuổi, quận 5, TPHCM) cũng không bị ảnh hưởng mấy. Tuy nhiên, từ hơn nửa tháng trước, khi phát hiện trường hợp F0, chung cư anh Khang đang sinh sống (quận 5) đã bị phong tỏa. Mọi hoạt động của anh và gia đình đều phải thực hiện trong nhà. Và hơn nửa tháng nay, từ chế độ sinh hoạt, làm việc, giải trí của anh mỗi ngày đều lặp lại giống nhau.
15 ngày như 1
Như bao buổi chiều khác, sau khi tập thể dục bên ngoài, anh Khang về nhà chuẩn bị để kịp giờ lên lớp. Tuy nhiên, chiều ngày 12-6 là một trải nghiệm khó quên với anh. Khi vừa trở về, anh thấy khu chung cư của mình đang bị giăng dây phong tỏa, lực lượng công an, nhân viên y tế yêu cầu mọi người trở về nhà của mình vì khu vực này đã phát hiện F0.
Sau khi về đến phòng, khai báo y tế, anh được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. “20:00 giờ, tất cả người trong chung cư tập trung dưới sân để lấy mẫu xét nghiệm, nét lo lắng hiện rõ trên gương mặt của mọi người. Khi nhân viên y tế đưa cây vào mũi mình, cảm giác lúc đó cự kỳ khó chịu. Lần đầu tiên mình được trải nghiệm cảm giác này, cũng coi như là đáng nhớ”, anh Khang nói.
Ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm, công an khu vực và tổ trưởng thông báo bắt đầu từ ngày mai (tức ngày 13-6), chung cư nơi anh ở sẽ bị phong tỏa, ít nhất là 14 ngày cho đến khi được thông báo lại.
“Ngày đầu khi cách ly, mình thấy mọi thứ vẫn ổn, chỉ là các sinh hoạt bên ngoài không còn được diễn ra, kể cả việc đi chợ, tập thể dục hay hàng xóm muốn nói chuyện với nhau cũng khó”.
Sáng 6:00, thay vì ra ngoài công viên hay vỉa hè tập thể dục, anh Khang chỉ tập trong nhà. Đến khoảng 7:00 đến 7:30, tổ trưởng tổ dân phố sẽ nhắn tin lên group chung để báo mọi người xuống lầy đồ ăn. Các gia đình sẽ lần lượt đi xuống, đảm bảo thực hiện giãn cách. Buổi sáng thường sẽ là các phần ăn đã được chế biến sẵn như cơm hộp, bánh ướt, bánh mì…
Khu chung cư của anh Khang may mắn có các mạnh thường quân giúp đỡ, nên chi phí ăn uống của mọi người được hỗ trợ nhiều. "Mọi người bị cách ly ít nhất 14 ngày, những người làm việc online như mình không quá lo lắng. Nhưng đối với những người ra ngoài đi làm như văn phòng hay những công việc chân tay khác, 14 ngày không đi làm đối với họ thật sự là một áp lực lớn", anh Khang chia sẻ.
Sau khi ăn sáng xong, nếu có học viên yêu cầu hoặc có lớp, anh sẽ tiến hành dạy học, nếu không, anh sẽ dành thời gian chuẩn bị giáo án cho các lớp chính vào buổi chiều.
Khoảng từ 11:30 đến 12:00, các gia đình sẽ lấy cơm trưa, đồng thời, lần này, các gia đình sẽ lấy luôn nguyên liệu nấu ăn cho buổi tối. Số lượng nguyên liệu đã được tổ trưởng khu phố phân chia sẵn, phù hợp với số lượng thành viên của từng gia đình. Nguyên liệu nấu ăn thường là thịt, cá, rau củ quả, gia đình nào muốn mua thêm gì có thể liên hệ tổ trưởng.
Từ 14:00 đến 15:00 là thời gian dành cho các bữa ăn xế, các gia đình có nhu cầu sẽ xuống để lấy phần ăn của mình, thường sẽ có những món nhẹ như trái cây, trà sữa, xôi…
Ngoài ra, vì là khu phong tỏa nên xe rác sẽ không được phép ra vào. Các gia đình trong chung cư sẽ chia ngày ra đổ rác, sau đó đưa cho các cán bộ công an, dân quân tự vệ để chuyển ra ngoài.
Sau khi dùng xong bữa tối, anh Khang sẽ tiến hành các lớp chính của mình. Một tuần, anh dạy từ thứ Hai đến thứ Bảy, vào lúc 19:00. Mỗi tiết dạy của anh thường chỉ kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng, buổi tối anh thường có hai tiết dạy.
Tự tạo niềm vui để cách ly không nhàm chán
Anh Khang chia sẻ, những ngày chưa cách ly, thời gian rảnh, anh thường ra ngoài hẹn hò bạn bè cà phê trò chuyện, hoặc trao đổi công việc với đối tác, nhưng hiện tại, mọi hoạt động đó đều được làm tại nhà.
Anh cho biết "Hai ba ngày đầu, mọi thứ có thay đổi một chút nhưng mình vẫn cảm thấy ổn. Thế nhưng những ngày tiếp theo, khi mọi hoạt động được diễn ra như một vòng lặp, ngày nào cũng như ngày nào, khiến mình có đôi chút nhàm chán. Nên mình tự tạo niềm vui cho bản thân, để sử dụng khoảng thời gian rảnh một cách hữu ích hơn".
Để tránh sự nhàm chán, anh đã “giết thời gian” của mình bằng cách tập thể dục, rèn luyện sức khỏe tại nhà, đặc biệt là nuôi dưỡng niềm đam mê boxing của mình. Bên cạnh đó, anh còn chăm chút lại vườn cây nhỏ trong nhà, dành thời gian cắt tỉa, dọn dẹp lại vườn, và không quên sửa sang lại hồ cá nhỏ của mình. Đồng thời, anh còn có thời gian phụ gia đình mình sắp xếp lại đồ đạc, thường xuyên dọn dẹp, bố trí lại nhà cửa cho hợp lý.
Anh Khang cho rằng cách ly là điều không ai muốn nhưng mọi người bắt buộc phải nghiêm túc thực hiện. Bởi vậy, thay vì cảm thấy nhàm chán, mọi người có thể nghĩ ra nhiều cách để làm cuộc sống mình vui hơn. Đối với anh Khang, trong thời điểm dịch bệnh, đặc biệt là những người nằm trong khu phong tỏa giống mình, sức khỏe là điều đáng được quan tâm, thế nhưng tinh thần cũng là yếu tố nên được chú ý, để chúng ta bị cách ly mà không bi quan, không nhàm chán.
Phùng My