Bản ghi nhớ đặc biệt nối lại việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là hết thời hạn hiệu lực. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn tình trạng lao động bỏ trốn nhưng dường như mọi nỗ lực vẫn như muối bỏ biển.
Anh Kiều Văn Trung, quê ở xã Cổ Đông, huyện Sơn Tây, Hà Nội vừa trở về từ Hàn Quốc vào tháng 1-2014 sau bảy năm làm việc. Anh Trung làm việc được ba năm thì bỏ việc và trở thành lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Được gia đình và chính quyền địa phương vận động, anh đã về nước. Anh tâm sự, vì thu nhập ở nhà quá thấp, chỉ 3-4 triệu đồng/tháng so với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng ở Hàn Quốc nên muốn ở lại kiếm thêm.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hương, quê ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương, sang Hàn Quốc gần chục năm thì có đến bảy năm anh làm việc “chui”.
Mặc dù biết mình đang làm việc bất hợp pháp nhưng anh Hương vẫn không có ý định về nước. “Hiện nay thu nhập của tôi 35-50 triệu đồng/tháng, về Việt Nam làm sao có thể có được mức thu nhập như vậy. Hơn nữa, trước đó tôi đã phải bỏ một khoản tiền không nhỏ 12.000 đô la Mỹ để được sang đây nên phải cố ở lại để làm việc, kiếm tiền bù đắp chi phí và trả lãi vay”, anh Hương nói.
Anh Hương kể, ở đây lao động ngoại quốc rất nhiều nên dù là lao động bất hợp pháp, anh vẫn có thể đi lại và sinh hoạt bình thường trên đường phố, không phải sống chui nhủi. “Chỉ khi nào cảnh sát ra quân truy quét lao động bất hợp pháp thì chúng tôi lánh đi”, anh kể.
Nỗ lực nhưng không thành công
Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu ký kết biên bản ghi nhớ tiếp nhận lao động theo chương trình phái cử (EPS) từ năm 2004 và gia hạn hai năm một lần. Nhưng kể từ cuối năm 2010 xuất hiện tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, có những lúc tỷ lệ này lên tới 50%, cao nhất trong tổng số 15 nước có ký kết EPS với Hàn Quốc.
Chính vì vậy, tháng 8-2012, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình EPS với Việt Nam và ra điều kiện chỉ khi nào tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc giảm xuống 27% mới tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam. Đến cuối năm 2013, bản ghi nhớ đặc biệt mới được ký lại nhưng chỉ với thời hạn một năm.
Từ đó tới nay, phía Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp như ký quỹ 100 triệu đồng/lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, xử phạt tối đa ở mức 100 triệu đồng theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP đối với lao động không về nước đúng hạn, tổ chức tuyên truyền tại quê nhà của những lao động Việt Nam không về nước đúng hạn…
Tại Hàn Quốc, Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thường xuyên phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ lao động nước ngoài của Hàn Quốc đến tuyên truyền tại những nơi có đông người lao động Việt Nam làm việc…
Tuy nhiên, theo ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 1-2014, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng hạn lên tới 43,15%. Qua tám tháng vận động, con số này vẫn ở mức 35,34%. “Để giảm xuống còn 27% như yêu cầu của phía Hàn Quốc là rất khó khăn và điều này càng khiến cho cơ hội làm việc của người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc càng ít dần”, ông Long nói.
Liệu cửa có tiếp tục mở?
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về nước khoảng 700 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 1/3 lượng kiều hối của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước.
Song, nhìn vào con số trên 35% lao động Việt Nam không trở về sau khi hết hạn hợp đồng, ông Choi Byung Gie, Giám đốc Chương trình EPS Việt Nam đặt câu hỏi: “Tôi không biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ giải thích thế nào khi gần đến thời điểm phải ký lại biên bản ghi nhớ đặc biệt mà tỷ lệ lao động bất hợp pháp vẫn không được cải thiện, trong khi các nước, tỷ lệ này dưới 15%”.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa tại một cuộc hội thảo gần đây đã nói rằng: “Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là thị trường này sẽ bị đóng cửa hoàn toàn”.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, ông Lee Ki-Kwon hôm 2-10. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc liệu có tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam trong thời gian tới hay không.
Ông Choi Byung Gie cho hay: “Tháng 11 này, hai bên sẽ đánh giá tình hình thực tế, trên cơ sở đó sẽ xem xét liệu có tiếp tục ký thỏa thuận đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc nữa hay không”.
Thùy Dung