(SGTT) - Một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “hiệu ứng phấn hoa” cho thấy mối liên hệ giữa lượng phấn hoa cao và tỷ lệ nhiễm Covid-19 do làm suy yếu hệ miễn dịch.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Hoa Kỳ Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy mối tương quan giữa mức độ cao của phấn hoa trong không khí và tỷ lệ nhiễm Covid-19.
Stefanie Gilles, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Munich, Đức, cho biết trong một cuộc họp báo: “Khi chúng ta có số lượng phấn hoa cao hơn 250 hạt phấn trên một mét khối không khí trong vài ngày, đó là một tỉ lệ phấn hoa lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lây nhiễm”. Các nhà khoa học nhận thấy đây là trường hợp của những người bị hoặc không bị dị ứng phấn hoa.
Trong khi các nhà khoa học quan sát thấy rằng, tỷ lệ nhiễm Covid-19 tăng lên khi nồng độ phấn hoa cao hơn, họ vẫn chưa biết liệu chỉ riêng nồng độ phấn hoa cao có làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 hay không. Các chuyên gia y tế đã trả lời nghiên cứu, cho biết nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ viêm nhiễm.
Ärzteverband Deutscher Allergologen (AeDA), một Hiệp hội Y tế của các nhà dị ứng học Đức, trong một thông cáo báo chí cho biết rằng, mặc dù nghiên cứu sử dụng dữ liệu tốt nhất hiện có, nhưng mối tương quan chính xác giữa nguyên nhân và kết quả không bao giờ có thể được làm rõ trong một nghiên cứu dịch tễ học như vậy.
“Nghiên cứu nói rằng, các yếu tố môi trường, bao gồm cả phấn hoa, có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi số lượng nhiễm bệnh vào mùa xuân năm 2020”, Karl-Christian Bergmann, một thành viên AeDA và nhà dị ứng học tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, nói với DW.
Nghiên cứu tìm thấy gì
Từ tháng 1 đến ngày 8-4-2020, nhóm nghiên cứu quốc tế đã thu thập dữ liệu từ 130 trạm phấn hoa ở 31 quốc gia. Sau đó, họ so sánh dữ liệu phấn hoa này với dữ liệu thời tiết và số lượng ca nhiễm từ khoảng đầu tháng 3 đến đầu tháng 4, khi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên tấn công châu Âu và Hoa Kỳ. Các yếu tố như mật độ dân số và sự cách ly đã được xem xét trong nghiên cứu.
Trong số 31 quốc gia tham gia vào nghiên cứu, phần lớn ở châu Âu, 14 quốc gia được phát hiện có mối liên hệ tích cực và đáng kể giữa lượng phấn hoa cao và nhiễm Covid-19; 7 quốc gia không có đủ phấn hoa để nghiên cứu về hiệu ứng phấn hoa. Chỉ riêng tác động của phấn hoa có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm Covid-19 lên tới 20% và con số này tăng lên 44% khi kết hợp với các yếu tố môi trường khác như nhiệt độ và độ ẩm, Gilles nói.
Theo nghiên cứu, việc cách ly được phát hiện làm giảm một nửa tỷ lệ lây nhiễm ở các mức độ phấn hoa tương tự, nhưng điều này cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như mọi người ít tiếp xúc hơn trong thời gian này. Tuy nhiên, nếu không có cách ly, sự gia tăng 100 phấn hoa trên một mét khối tương quan với mức tăng trung bình 4% của tỷ lệ lây nhiễm. Traidl-Hoffmann cho biết “Chúng tôi thấy rằng không chỉ các yếu tố rủi ro cá nhân là quan trọng mà cả các yếu tố môi trường cũng phải được xem xét”.
Traidl-Hoffmann nhấn mạnh, chỉ riêng phấn hoa không có khả năng gây ra nhiễm Covid-19, nhưng phấn hoa trong không khí có thể mở đường cho các bệnh nhiễm virus.
Các biện pháp bảo vệ bổ sung có cần thiết không?
Claudia Traidl-Hoffmann, Giám đốc Viện Y học Môi trường tại Helmholtz Zentrum ở Munich, Đức, cho biết nếu bạn ra ngoài vào một ngày có nhiều phấn hoa, sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh trong ba ngày sau đó. Gilles nói rằng nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, phản ứng interferon, một phần của phản ứng miễn dịch, nói chung có thể yếu hơn ở những người bị dị ứng và hen suyễn so với những người khỏe mạnh. Tuy nhiên không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Covid-19 gây ảnh hưởng thường xuyên hơn ở người bị tình trạng sức khỏe này, đặc biệt là trong mùa phấn hoa.
Trong mùa phấn hoa, những người thuộc nhóm nguy cơ dễ nhiễm Covid-19 nên tự cập nhật về mức độ phấn hoa, thích nghi với các hoạt động ngoài trời và đeo mặt nạ lọc hạt, các nhà khoa học cho biết. Nhưng Bergmann của Charité nói rằng cho đến khi có thêm nhiều nghiên cứu và kết quả rõ ràng hơn, không có lý do nào biện minh cho các biện pháp bảo vệ bổ sung. “Mọi người có thể tiếp tục ra ngoài và có thể chạy, có thể đi dạo, cho dù người bị dị ứng hay không. Không ai phải ở trong nhà bây giờ”, ông nói.
Phấn hoa có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng khi virus xâm nhập vào cơ thể cùng với các hạt phấn hoa, phấn hoa sẽ cản trở phản ứng miễn dịch của cơ thể, cho phép virus nhân lên dễ dàng hơn.
Dòng suy nghĩ này theo sau một nghiên cứu do Gilles đồng tác giả vào năm 2020, phát hiện ra rằng, khi có nhiều phấn hoa trong không khí và hít phải vào, nó làm suy yếu phản ứng miễn dịch của đường hô hấp đối với virus hô hấp gây ra cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như rhinovirus.
Khi những virus này được hít vào, một tế bào bị nhiễm virus sẽ gửi ra các protein tín hiệu gọi là interferon, các protein này sẽ ra lệnh cho các tế bào lân cận khác thiết lập cơ chế bảo vệ của chúng.
Nhưng nếu hạt phấn có mặt khi các phần tử virus xâm nhập vào cơ thể, phấn hoa sẽ giải phóng các chất gây cản trở trực tiếp đến phản ứng miễn dịch interferon của tế bào, cho phép virus nhân lên tự do hơn và lây lan sang các tế bào lân cận. Các nhà khoa học đang có kế hoạch thực hiện một nghiên cứu tương tự đối với SARS-CoV-2 để xác định xem liệu sự suy yếu tương tự của hệ thống miễn dịch có xảy ra khi phấn hoa có mặt với coronavirus hay không.
Nguyễn Hưng dịch