Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Những phận đời “xóm lênh đênh” trên vịnh Xuân Đài

(SGTT) - Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) là danh thắng cấp quốc gia. Vịnh có diện tích mặt nước khoảng 130km², trải dài từ Vũng Lắm đến Vũng La. Cả ngàn người dân quanh vùng đều làm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè. Họ trú ngụ ở phía trên nhà chòi, cả ngày lênh đênh trên mặt nước.

  Đi chợ nuôi tôm hùm

Chòi nuôi tôm hùm ở Vũng Chào. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) đi vòng qua vịnh Xuân Đài, chạy dọc từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào rồi đến Vũng La. Ngồi trên ghe đi qua các vũng, lồng bè nuôi tôm hùm nhấp nhô.

Bè nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Sáng, ông Lê Ngọc Anh chèo thúng chai từ Vũng Chào vào bờ rồi xách giỏ đi chợ mua thức ăn cho tôm hùm. Chợ xổm bán thức ăn cho tôm cách chỗ ông cập thúng khoảng 50m. Đến nơi, ông Anh mua cá mang về rồi ngồi cạnh bờ vịnh làm cá.

Đi chợ bằng thúng mua thức ăn cho tôm hùm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Ông Anh cho hay “Bạn hàng bán “trụm” (bán sỉ) thức ăn cho tôm, cứ 20.000 đến 30.000 đồng/rổ cá tùy theo lớn nhỏ, rồi cá được cắt bằng kéo; cá liệt thì cắt làm hai, cá nục, cá đổng thì cắt làm ba, còn cá hố cắt làm bốn làm năm. Chịu khó làm vậy tôm mới ăn mạnh, chứ để nguyên con, tôm nhát ăn lắm!”.

Bến thúng (thuyền thúng) vận chuyển thức ăn cho tôm hùm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Nói về khâu đi chợ lo thức ăn cho tôm hùm, anh Tống Văn Hùng, một người nuôi tôm có thâm niên trên 10 năm ở Vũng Sứ, cho hay "Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống nên dù mùa mưa đi chợ xa nhưng ngày nào cũng phải đi. Tôm nó ăn mạnh mình mừng, nó lơ ăn là mình buồn nẫu ruột, đứng ngồi không yên.

Theo nhiều người nuôi tôm, tính ra mỗi lồng nuôi tôm hùm đầu tư cả vỏ lẫn ruột (lồng nuôi, giống, thức ăn) gần 30 triệu đồng. Nếu nuôi thành công cộng giá tôm thương phẩm cao 1,9 triệu đồng/kg thì mỗi lồng nuôi kiếm 30-40 triệu đồng, có bè nuôi 10 lồng, còn trung bình 4 đến 5 lồng.

Lựa tôm hùm phân loại bán cho thương lái. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Cũng theo người dân, trước đây nuôi năm nào cũng trúng, còn nay nuôi tôm có năm trúng năm thất, có năm tôm nuôi còn nhỏ (4 đến 6 lạng/con). Chúng bỏ ăn rồi ngắc ngư trồi đầu lên mặt lồng, người nuôi vội bán đổ bán tháo. Gần đây giá tôm hùm thương phẩm giảm xuống làm nhiều người lo lắng.

Ngắm chòi nuôi tôm hùm

Trên vịnh Xuân Đài, hàng trăm người ở các nơi đến đây nuôi tôm, lâu ngày thành thân quen như người một nhà. Có người bám trụ 10 năm, có người 2 năm. Người nuôi tôm lâu năm chỉ người mới đến kỹ thuật nuôi sao cho không dịch bệnh. Người mới đến tặng lại chai rượu, gói trà gọi là “ơn qua nghĩa lại”. Từ đó, họ thắt chặt tình cảm giữa những người trên "xóm lênh đênh” này.

Buổi chiều, ông Nguyễn Văn Lâm ngồi dựa lưng vào căn chòi trên bè ở Vũng Chào kể chuyện. Ông ở miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) xuống đây nuôi tôm. Mấy năm nay nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người nuôi lâu năm mà ông nuôi tôm có lãi.

Thu hoạch tôm hùm từ ngoài vè đưa vào bờ bán. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Thấy làm ăn được, ông “kéo” em vợ xuống cùng nuôi. Hoàn cảnh gia đình của em vợ ông trước đây kể ra thảm lắm. Ở quê có sào đất ruộng và sào đất gò, em vợ ông làm quanh năm cũng không đủ ăn. Qua mấy năm nuôi tôm tích lũy, mưa dầm thấm lâu, nay chái bếp được lợp mới, vách nhà đã sơn bóng!

Những lúc rảnh, ông cùng người em vợ bắt cá trong lồng tôm (cá chui vào lồng ăn thức ăn của tôm rồi lớn dần) phơi khô. Cứ năm, mười ngày hoặc nửa tháng, ông mang cá khô về quê làm quà với xóm làng. Bà con ở miền núi quý lắm. Rồi ông cười sảng khoái, nói: “Tôi là người miền núi nhưng dân biển!”.

Nằm chếch về phía Đông Vũng Chào là bè nuôi tôm hùm của ông Bảy Tính (Bùi Văn Tính). Ông thường tranh thủ lặn xuống bờ gành bắt hàu mang về, rồi cần mẫn dùng dao cạy tách vỏ, lấy thịt cho tôm hùm ăn để giảm tiền mua thức ăn. Vỏ hàu cứng như đá nên cạy “trầy da tróc vảy”. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, một mình ông cứ lui cui cạy hàu trên bè.

Ông Tính cho biết quê ông ở tận huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ra đây nuôi tôm hùm. Hồi mới ra, đứa con gái đầu của ông học lớp 3, nay đã vào đại học. Vợ ông ở quê lo cho đứa con trai đang học lớp 10. Ông cười nói “Nhiều lúc một mình mệt nhoài nhưng vui vì nhờ có nghề này mà nuôi con vào đại học”. Nghỉ tay uống ly rượu, ông ngân nga câu hát đã thuộc nằm lòng:

Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào

Vũng Dông, Vũng Lắm, vũng nào cũng thương!

Sau vụ nuôi, người dân đưa lồng nuôi tôm hùm lên bờ sửa sang để thả nuôi vụ mới. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Chiều, nắng hanh hao trải dài từ Vũng Chào qua các vũng. Không gian xóm chòi trên các vũng yên ả. Những người mưu sinh sống trong chòi nuôi tôm hùm ở đây, mỗi phận người là một câu chuyện. Cuộc sống của họ tuy lênh đênh, cực nhọc nhưng lại êm đềm, bình yên đến lạ.

Ông Hồ Nam Yên, Trưởng phòng kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết: Vịnh Xuân Đài hiện có trên 17.302 lồng nuôi, chủ yếu là tôm hùm bông (sao), còn lại tôm đá, tôm xanh, tôm sỏi, tôm tề thiên... Gần đây, mật độ nuôi dày nên phòng kinh tế tham mưu cho UBND thị xã Sông Cầu di dời lồng bè, đảm bảo môi trường vùng nuôi, phát huy tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển.

 Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế nỗ lực giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch

0
(SGTT) -  Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đi những bước đi đầu tiên trong nỗ lực giảm rác thải nhựa tại hơn...

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí...

0
(SGTT) – “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero” là chủ đề của hội thảo chiều...

Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của...

0
(SGTT) - Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội...

Khu du lịch ven rừng ở Khánh Hoà thực hiện du...

0
(SGTT) – Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt ở thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa là một khu...

Quảng Nam có 25 doanh nghiệp đạt chứng nhận du lịch...

0
(SGTT) - Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du...

Kết nối