Trong lúc các hãng hàng không toàn cầu và các hãng hàng không trong nước đều thua lỗ nặng nề trong ngành nghề kinh doanh chính thì Vietravel Airlines là hãng tuyên bố tìm đối tác bán toàn bộ vốn góp (100% vốn góp) của Vietravel tại hãng. Thương vụ này được cho là một cách để tái cấu trúc Vietravel.
- Vietravel Airlines nhận máy bay, sẽ cất cánh vào cuối tháng 12-2020
- Vietravel Airlines mở đường bay TPHCM – Đà Lạt, khuyến mại vé từ 8.000 đồng
Tờ trình của HĐQT Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị GTVT Vietravel (mã chứng khoán VTR, hiện đang niêm yết trên sàn Upcom) hôm 5-5 đề nghị Đại hội đồng cổ đông VTR thông qua chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp của Vietravel tại Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) bằng cách tìm kiếm, đàm phán và chuyển 100% vốn góp với giá vốn ban đầu là 700 tỉ đồng (tương đương vốn điều lệ của hãng) cho đối tác khác, trên cơ sở đảm bảo lợi ích của công ty.
Nếu xét trên tờ trình này, có thể hiểu là Vietravel đang tìm cách bán toàn bộ Vietravel Airlines chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động, do ảnh hưởng, thua lỗ vì dịch bệnh. Kết quả kinh doanh năm 2020 của VTR cho thấy doanh nghiệp chỉ đạt 20% doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (1.571 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ 98,9 tỉ đồng (âm 224% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có hãng bay).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2021, tại thời điểm hãng bay đã đi vào hoạt động cho thấy VTR lỗ hơn 72,8 tỉ, tương đương lỗ 75% so với cùng kỳ năm trước. Nếu đà lỗ này tiếp tục đối với VTR, sẽ dẫn đến gánh nặng thua lỗ cho Vietravel Airlines và có thể dẫn đến tình huống mất toàn bộ vốn chủ sở hữu. Do đó, việc chuyển nhượng phần vốn góp của VTR tại Vietravel Airlines nhằm cứu doanh nghiệp ra khỏi "vũng lầy".
Trong báo cáo của HĐQT VTR gửi Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng thừa nhận: “Nếu giữ nguyên cấu trúc sở hữu như hiện nay, Vietravel là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của điều lệ của Vietravel Airlines thì toàn bộ khoản lỗ của hãng bay sẽ được hợp nhất trên báo cáo tài chính của Vietravel. Với kết quả kinh doanh của công ty mẹ hiện nay còn thấp thì việc hợp nhất khoản lỗ của Vietravel Airlines sẽ ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh chung của VTR. Do đó việc tái cấu trúc, tách Vietravel Airlines không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Vietravel là việc làm cần thiết và phải triển khai sớm”.
Cụ thể, VTR thông qua việc tái cấu trúc, khi Vietravel Airlines không còn thuộc sở hữu trực tiếp của VTR thì hãng bay vẫn duy trì hoạt động bình thường như hiện nay, VTR không còn chịu khoản lỗ của Vietravel Airlines. Khi thị trường du lịch phục hồi, hoạt động kinh doanh cũng như lợi nhuận của công ty cũng sẽ phục hồi theo kế hoạch.
VTR thành lập ra pháp nhân mới là Vietravel Holdings. Mô hình mới này sẽ giúp Vietravel Holdings sở hữu chi phối cổ phần tại Vietravel và Vietravel Airlines. Cả hai công ty con vẫn thuộc hệ sinh thái chung của tập đoàn, cùng hỗ trợ sự phát triển của Vietravel theo mô hình hãng hàng không lữ hành, đúng như định hướng ban đầu đề ra khi thành lập hãng bay.
Lan Nhi